Xu hướng đầu tư đa ngành: Thêm nhiều mảng kinh doanh mới

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:37, 16/12/2017

Các doanh nghiệp đầu tư đa ngành đều có tiềm lực mạnh, có năng lực quản trị, có tầm nhìn chiến lược. Một số doanh nghiệp mở rộng ngành nghề bước đầu đã thành công, và vì thế, xu hướng đầu tư sang những lĩnh vực mới sẽ được tiếp tục.
Xu hướng đầu tư đa ngành: Thêm nhiều mảng kinh doanh mới

Trang trại trồng rau an toàn của Vingroup. Ảnh: X.Thảo

Quả ngọt

Một trong những điểm dễ nhận thấy nhất ở các doanh nghiệp mở rộng ngành nghề là ứng dụng công nghệ vào quản lý. Cụ thể, tại Vinamilk, với sự đầu tư lớn cho công nghệ, quá trình sản xuất đều đạt chuẩn GMP và các tiêu chuẩn quốc tế khắt khe như ISO 9001, ISO 17025, ISO 14000, tiêu chuẩn 22000, tiêu chuẩn FSSC 22000, trong đó GMP là tiêu chuẩn bắt buộc đối với các nhà máy sản xuất dược phẩm và được khuyến khích áp dụng cho cả các công ty thực phẩm. Tại các nhà máy sữa của Vinamilk, những công đoạn vận chuyển, sắp xếp hàng tại kho thành phẩm gần như do robot đảm nhiệm.

Cũng trong xu hướng đó, Công ty CP Thế Giới Di Động (TGDĐ) từ nhiều năm nay đã đưa công nghệ vào vận hành hoạt động. Website của Công ty giờ cao điểm có 15.000 người truy cập, mỗi giờ trung bình có khoảng 4,5 triệu view, 9.000 đơn hàng. Riêng với Điện máy Xanh, đầu năm 2015, TGDĐ đã xây dựng phần mềm giao hàng để quản lý chính xác và tối ưu quá trình này. Chẳng hạn, quy trình giao một chiếc tivi cho khách hàng sẽ được theo dõi xem mấy giờ xuất kho, bao lâu thì đến nhà khách hàng và chính xác vào giờ nào.

Ở Sun Group, Vingroup, công nghệ được khai thác một cách triệt để. Trong đó, riêng với mảng nông nghiệp, Vingroup đã ứng dụng công nghệ cao để sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP.

Theo Vietnam Report, trong 2 năm tới, sẽ có khoảng 65% doanh nghiệp trong Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn của Việt Nam mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Trong đó, 2 lựa chọn được hướng tới nhiều nhất là tìm kiếm thị trường mới (68%) và thực hiện các dự án liên doanh, liên kết (57%). Có 19% doanh nghiệp sẽ thực hiện các thương vụ M&A và 11% doanh nghiệp sẽ đầu tư cho các startup có triển vọng.

Một điểm chung nữa là các doanh nghiệp này do được các nhân vật nổi trội trên thương trường điều hành. Nếu như Vinamilk nhiều năm nay được dẫn dắt bởi "người đàn bà thép" Mai Kiều Liên - người 4 lần lọt vào Top 50 người phụ nữ quyền lực nhất châu Á thì phía sau Vingroup là ông Phạm Nhật Vượng - một trong những người giàu nhất Việt Nam, và đầu tàu của TGDĐ là doanh nhân luôn sáng tạo trong cách nghĩ cách làm Nguyễn Đức Tài.

Theo công bố của Công ty CP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) ngày 4/12/2017, Vingroup, Vinamilk và TGDĐ là 3 doanh nghiệp ở Top 10 Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp tư nhân lớn Việt Nam năm 2017 (VNR500 2017). Trong đó, Vinamilk là doanh nghiệp sữa hàng đầu Việt Nam khi 2 năm qua tăng trưởng 2 con số và khẳng định vị trí số 1 trong ngành sữa.

Công ty đã không ngừng nỗ lực áp dụng những công nghệ và tiêu chuẩn hàng đầu thế giới, nâng cao chất lượng sản phẩm và liên tục trong 3 năm liền được bình chọn là Nhãn hàng tiêu dùng nhanh số 1 Việt Nam. Hiện tại, Công ty có 13 nhà máy sản xuất sữa ở Việt Nam, một nhà máy tại Campuchia, một nhà máy ở Mỹ. Sản phẩm của Vinamilk đã có mặt ở hơn 40 nước với kim ngạch xuất khẩu gần 260 triệu USD trong năm 2016.

TGDĐ cũng trở thành một trong những nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam và lọt vào Top 50 công ty niêm yết hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương năm 2017 (Asias Fab 50). Công ty có số vốn hóa 1,5 tỷ USD và doanh thu đạt hơn 2,3 tỷ USD trong năm 2016.

Tính đến cuối tháng 10/2017, TGDĐ có 1.854 điểm bán, trong đó có 1.067 cửa hàng thegiodidong.com, 566 siêu thị Điện máy Xanh và 211 cửa hàng Bách hóa Xanh. Chỉ riêng doanh thu của Điện máy Xanh trong 10 tháng đầu năm 2017 đã đạt 23.340 tỷ đồng, gần bằng doanh thu 28.943 tỷ đồng của thegioididong.com.

Theo báo cáo tài chính của Vingroup, tổng doanh thu thuần hợp nhất quý II/2017 đạt 19.538 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 1.891 tỷ đồng. Như vậy, bình quân mỗi ngày, Vingroup có doanh thu khoảng 217 tỷ đồng và thu về 11,3 tỷ đồng lợi nhuận. Điều quan trọng hơn, tập đoàn này rất biết cách tận dụng những gì mình đã có để phát triển những mảng kinh doanh mới như VinMart, VinEco và hiện nay là VinFast. 

Mở rộng đầu tư

Từ kết quả kinh doanh rất khả quan, nhiều doanh nghiệp tiếp tục đầu tư sang những lĩnh vực mới. Lãnh đạo TGDĐ cho biết vẫn đang tìm kiếm cơ hội thực hiện những thương vụ M&A với các đơn vị bán lẻ trong hoặc ngoài ngành. Bên cạnh chuỗi điện máy Trần Anh vừa mua lại, doanh nghiệp này đang hướng đến một lĩnh vực hoàn toàn mới là dược phẩm.

Nhiều thông tin cho biết TGDĐ đang đàm phán để mua lại Phúc An Khang - chuỗi bán lẻ dược phẩm thành lập năm 2006, hiện có 20 cửa hàng tại TP.HCM. Nếu đàm phán thành công và điều kiện thuận lợi, TGDĐ có thể nâng chuỗi cửa hàng bán dược phẩm lên 500 - 800.

Báo cáo của Vietnam Report cho thấy, năm 2017, kinh doanh của các doanh nghiệp lớn khá tốt. Có đến 75% doanh nghiệp cho biết doanh thu tăng mạnh trong năm nay. Năng suất lao động, số lượng khách hàng cũng như đầu tư trang thiết bị máy móc đều tăng so với năm trước. Theo nghiên cứu của Nielsen Việt Nam được công bố ngày 7/12/2017, các thương hiệu nội địa tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ bên cạnh các công ty đa quốc gia.

Cụ thể, trong lĩnh vực hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia chỉ đạt được 2% tăng trưởng giá trị thì các doanh nghiệp nội địa đạt đến 7% và đóng góp đến 42% trong tổng số doanh thu của toàn ngành. Về thị phần, các doanh nghiệp nội địa đang chiếm ưu thế trong ngành hàng thực phẩm và nước giải khát với tỷ lệ tương ứng là 69% và 45%.

HỒNG NGA - THANH NGÂN