Hai câu hỏi tăng khả năng ra quyết định đúng
Nguồn nhân lực - Ngày đăng : 08:36, 20/12/2017
Có những thời điểm, dù rằng bạn biết mình cần phải ra quyết định gì nhưng sâu bên trong, bạn vẫn có chút lo lắng "nếu như mọi chuyện không giống như mình nghĩ". Đôi khi, những sai lầm trong quá khứ trở về gây tiếc nuối "giá mà ngày xưa mình làm khác đi".
Những cảm xúc lo lắng, tiếc nuối và sợ hãi này sẽ nhắc bạn về những thất bại, sai lầm từng có trong quá khứ. Sự trở về của những ký ức không vui vào lúc cần ra quyết định sẽ khiến bạn hoặc trở nên cẩn trọng quá mức, hoặc sẽ bị kiệt sức rồi chuyển sang chế độ phòng thủ, hoặc tệ hơn là bị tê liệt và không làm được gì nữa.
Có một cách giúp bạn thoát ra được mớ bòng bong những suy nghĩ hỗn loạn này. Đó chính là chánh niệm. Các nhà tâm lý trên thế giới đã áp dụng phép thực hành chánh niệm và hệ thống hóa thành Acceptance and Commitment Therapy (ACT - Tạm dịch: Liệu pháp để Chấp nhận và Cam kết). Trong đó, Russ Harris, một nhà tâm lý và huấn luyện viên hướng dẫn áp dụng ACT tại Úc đã viết ra những cách đơn giản để thực hiện liệu pháp ACT trong quyển ACT Made Simple: An Easy-To-Read Primer on Acceptance and Commitment Therapy.
Tiến sĩ Russ Harris |
Hãy xem ACT có thể giúp bạn giải quyết các suy nghĩ tiêu cực và ra quyết định thông minh, dựa trên những yếu tố thực sự quan trọng với bạn như thế nào trong bài viết sau:
Cách chấm dứt suy nghĩ tiêu cực... mãi mãi
Thực sự, không có cách nào hết!
Theo một nghiên cứu dẫn từ quyển ACT Made Simple, nỗ lực ngăn chặn các suy nghĩ không mong muốn có thể tạo ra hiệu ứng ngược. Càng ngăn chặn thì số lượng và tần suất xuất hiện của các suy nghĩ tiêu cực sẽ càng tăng. Và những suy nghĩ tiêu cực không phải là vấn đề khi bạn đang phải ra quyết định. Nhiệm vụ của não bộ là sản sinh ra các suy nghĩ. Trong đó, có một số suy nghĩ được sinh ra từ bản năng sinh tồn "thà an toàn còn hơn phải hối tiếc", nhằm bảo vệ con người trước rủi ro, nguy hiểm.
Có đôi khi những suy nghĩ tiêu cực này liên tục thì thầm trong đầu bạn rằng: "Mình thật là ngu ngốc", "Điều này sẽ không bao giờ làm được đâu", "Mình không hề giỏi việc này, mình sẽ bị bẽ mặt và mọi người sẽ cười nhạo mình về thất bại này".
Vấn đề trở nên rắc rối thực sự khi bạn tin vào những suy nghĩ đó. Theo ACT Made Simple, đó là trạng thái trộn lẫn chính mình với những suy nghĩ tiêu cực.
Trong trạng thái này, bạn sẽ chìm vào các suy nghĩ đó, gắn kết với nó và không còn nhận ra đó chỉ là suy nghĩ của mình... Đó là khi những suy nghĩ hoàn toàn điều khiển con người bạn. Bạn sẽ hành xử đúng theo những suy nghĩ tiêu cực đó. Và khi mọi thứ thất bại, bạn lại càng tin hơn vào những suy nghĩ tiêu cực đó. Ở đây, bạn sẽ rất dễ vướng tiếp tục vào trạng thái trách cứ bản thân. Một vòng xoắn ốc của những tiêu cực sẽ liên tiếp chất chồng bên trong bạn.
Thực tế là, bạn có thể không ngăn được các suy nghĩ tiêu cực xuất hiện, nhưng bạn có thể tránh việc bị các suy nghĩ kiểm soát.
Từ chối "quả bom"
Từ quyển ACT Made Simple:
Để thoát ra khỏi sự điều khiển của các suy nghĩ, bạn hãy nhìn vào những suy nghĩ của mình thay vì chạy trốn khỏi chúng; chú ý đến các suy nghĩ thay vì để bản thân chìm trong chúng mà không ý thức được tình trạng thực tế của bản thân; và để các suy nghĩ rời đi thay vì giữ chúng lại.
Khi bạn cho phép mình thoát ra khỏi những suy nghĩ thì chúng chỉ còn là những ý tưởng thoáng qua. Bạn không còn cảm giác bị các suy nghĩ thôi thúc phải làm gì đó nữa. Thay vào đó, bạn có thể từ tốn phân tích các ý tưởng này. Đó chính là trạng thái chánh niệm.
Có hai câu hỏi bạn cần hỏi mình để bản thân trở về trạng thái chánh niệm, khi đang bị bủa vây bởi các suy nghĩ tiêu cực.
Một là, "Não bộ đang nói gì với mình lúc này?"
Bạn có nhận ra điều đặc biệt trong câu hỏi đó không? Đó chính là bạn sẽ nhận thấy "các suy nghĩ tiêu cực" không phải là bạn, đó chỉ đang là sản phẩm trong não bộ của bạn. Bạn không nói "Tôi là một kẻ thất bại". Não của bạn đang nói với bạn như vậy. Khi đặt câu hỏi này, bạn đang tạo ra một khoảng cách giữa bạn và các suy nghĩ tiêu cực. Và bạn có thể dùng khoảng cách này để phân tích suy nghĩ vừa hiện ra.
Theo ACT Made Simple, khi phân tích các suy nghĩ trạng thái chánh niệm, bạn sẽ không hỏi "Suy nghĩ này có đúng không?", mà cần hỏi "Suy nghĩ này có ích không?".
Hãy quan sát cách suy nghĩ tiêu cực này đang hiện lên bên trong mình. Sau đó, hãy hỏi câu hỏi quan trọng thứ hai "Suy nghĩ có ích không?". Nếu suy nghĩ này là đúng thì chúng có đưa mình đến kết quả mình muốn không? Suy nghĩ này có đưa mình đến một hành động sáng suốt không? Suy nghĩ này có giúp bạn trở thành người bạn muốn trở thành không?
Sau đó, hãy quyết định dựa trên điều thực sự quan trọng với bạn - thay vì quyết định với sự lo lắng, hối tiếc hoặc sợ hãi.
Các bước đơn giản để ra quyết định tốt hơn | ||||||||||
|
(Nguồn: Business Insider)