Bỏ sổ hộ khẩu sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp

Du lịch - Ngày đăng : 08:44, 20/12/2017

Việc thay đổi cách thức quản lý bằng sổ hộ khẩu cũng là động lực khuyến khích các DN mới được thành lập, hỗ trợ cho mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020.
Bỏ sổ hộ khẩu sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp

Nghị quyết 112/NQ-CP của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an có hiệu lực từ 30/10/2017. Điều này mang lại nhiều lợi ích cho DN.

Theo đó, Chính phủ thông qua phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân trong hàng loạt lĩnh vực như xuất nhập cảnh, đăng ký phương tiện giao thông, phòng cháy chữa cháy, đăng ký và quản lý cư trú. Đặc biệt, Chính phủ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng mã số định danh cá nhân.

Từ đó bãi bỏ việc giải quyết thủ tục bằng sổ hộ khẩu, thay thế bằng hình thức cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú và Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Cư trú; Nghị định 31/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Cư trú, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp (DN).

Xóa bỏ rào cản từ sổ hộ khẩu

Hệ thống hộ khẩu cũ đã gây ra những tổn thất về kinh tế và những phí tổn tồn tại dưới nhiều hình thức. Thông qua việc tăng chi phí khi di chuyển tới những nơi khác, hệ thống hộ khẩu làm giảm việc di cư, kìm hãm sự chuyển đổi cơ cấu và tăng trưởng kinh tế của quốc gia.

Link bài viết

Với một lượng lớn dân cư từ các tỉnh kém phát triển đang tiếp tục di chuyển tới những thành phố lớn, rõ ràng hệ thống hộ khẩu không còn là trở ngại cho quá trình di chuyển lao động nói chung, nhưng lại khiến một số người e ngại việc di chuyển chỗ ở để tìm kiếm việc làm mới. Điều này ảnh hưởng nhất định đến DN.

Cuốn sách Hệ thống đăng ký hộ khẩu tại Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam thực hiện đưa ra một nghiên cứu về người di cư tạm thời tại Hà Nội và TP.HCM năm 2008, đã kết luận những người này thường phải làm công việc không ổn định với mức lương thấp.

Nghiên cứu chỉ ra 94% số người di cư tạm thời đang làm những công việc theo thời vụ, chỉ có 5% trong số họ có hợp đồng lao động nhưng được trả lương thấp, chỉ 9% có bảo hiểm tai nạn và chưa đến 5% có bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc các loại bảo hiểm khác. Điều này không chỉ gây khó khăn cho người lao động mà còn tạo ra rào cản trong việc tiếp cận nguồn nhân lực cho các DN đang phát triển về quy mô, đặc biệt đối với các DN sản xuất.

Việc thay đổi cách thức quản lý bằng sổ hộ khẩu cũng là động lực khuyến khích các DN mới được thành lập, hỗ trợ cho mục tiêu đạt 1 triệu DN vào năm 2020. Bởi vì, bị hạn chế trong tiếp cận các thủ tục đối với người tạm trú khiến họ e ngại thành lập DN.

Số người tạm trú tự kinh doanh tương đối thấp phản ánh những thách thức họ gặp phải khi tự kinh doanh. Ngoài ra, nghiên cứu cũng cho thấy những người đăng ký tạm trú phải trở về quê để thực hiện nhiều thủ tục thành lập, kê khai hoạt động DN đã khiến họ tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc.

Thực tế thời gian qua, việc không có sổ hộ khẩu thường trú tại địa bàn ứng tuyển đã tạo nên một số yêu cầu cao hơn cho việc ứng tuyển viên chức, công chức hay thay đổi chỗ làm nhưng không thể cho con cái học trường công.

Cần thích nghi với thay đổi

Việc Chính phủ bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, thay bằng mã số định danh cá nhân rất đáng hoan nghênh, thể hiện sự cải cách hành chính rất lớn để tạo lập chính phủ kiến tạo. Tuy nhiên, DN ngoài niềm vui được chào đón một lực lượng lao động dồi dào sẵn sàng tham gia sản xuất, thì khả năng số DN mới thành lập cũng tăng cao và phát sinh một số vấn đề DN cần quan tâm.

Đặc biệt đối với DN trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, việc thay đổi hình thức quản lý dân cư trong giai đoạn đầu có thể gây ra những khó khăn về quản lý, phòng chống rủi ro trong việc cho vay khi họ mất đi một công cụ cung cấp đầy đủ thông tin mà quan trọng nhất là địa chỉ thường trú của đối tượng vay.

Các tổ chức tài chính này bắt buộc phải bổ sung một số thủ tục như xác minh của chính quyền địa phương về nơi thường trú của đối tượng đi vay hoặc một số thủ tục kèm theo để giảm tối đa rủi ro. Nhưng chỉ khi cơ sở dữ liệu quốc gia cập nhật thông tin đầy đủ và tạo được cơ chế liên thông để tham vấn thông tin thì mới giải quyết được những vấn đề phát sinh này. 

NGUYỄN LÊ ĐÌNH QUÝ