Nghịch lý ở Thung lũng Silicon

Quốc tế - Ngày đăng : 06:30, 21/12/2017

Thung lũng Silicon là nơi những người giàu có dễ dàng chi 500 USD cho một bữa ăn tối. Một ổ bánh mì ở cái nôi công nghệ của thế giới này có giá 29 USD. Tuy nhiên, có một sự thật chưa nhiều người biết: Đây cũng là nơi nạn đói đang trong tình trạng báo động.
Nghịch lý ở Thung lũng Silicon

Nhà kho của Ngân hàng lương thực Second Harvest. Ảnh: The Guardian

Giới nghiên cứu tại Ngân hàng lương thực Second Harvest cho biết, tại Thung lũng Silicon, cứ bốn người thì có một người đang bị thiếu ăn. Nhìn rộng hơn, 26,8% dân số ở đây (khoảng 720.000 người) đang trong tình trạng mất an ninh lương thực.

Ngân hàng lương thực của Thung lũng Silicon nằm cách trụ sở của Cisco khoảng 800m và Sheryl Sandberg - Giám đốc công nghệ của Facebook là một trong những nhà tài trợ chính của ngân hàng này. Nghịch lý ở chỗ số lượng người tìm đến ngân hàng lương thực tăng theo mức độ phát triển của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới tại đây. Chính sách lương và phúc lợi cao dành cho nhân viên chính thức của các công ty công nghệ đã đẩy giá sinh hoạt chung của khu vực này vượt quá khả năng chi trả của người dân địa phương.

Từ sinh viên đến giáo sư đều... đói

Theo tờ Guardian, trung bình mỗi tháng, Second Harvest - ngân hàng duy nhất cung ứng lương thực tại Thung lũng Silicon và là một trong những ngân hàng lương thực lớn nhất nước Mỹ, cung cấp bữa ăn cho khoảng 257.000 người dân địa phương.

"Chúng ta thường nghĩ rằng tình trạng thiếu ăn chỉ xảy ra với những người vô gia cư, thất nghiệp sống trên vỉa hè. Tuy nhiên, nghiên cứu mới nhất đã hé lộ với chúng tôi một hình dung khác về những người "vô gia cư" mới: họ là những người sống trong xe hơi hoặc hầm đỗ xe của mình, họ là những nhân công phải lựa chọn giữa việc dùng lương tháng để trả tiền thuê nhà hay mua thức ăn", Brennan chia sẻ.

Matt Sciamanna, thành viên Ủy ban Giám sát tình trạng đói của sinh viên trường Đại học bang San Jose cho biết, tình trạng thiếu ăn cũng diễn ra ngay cả trong khuôn viên của trường đại học này. Không chỉ sinh viên mà ngay cả các giáo sư làm việc bán thời gian cũng đều phải ngủ trong xe hơi của mình hoặc ở nhờ nhà người khác để tiết kiệm tiền. Theo một khảo sát gần đây do ủy ban này thực hiện, có hơn 2.000 sinh viên phải bỏ bữa hằng ngày vì không đủ tiền mua thức ăn.

Chính Sciamanna cũng phải đối diện với sự eo hẹp về kinh tế khi cha mẹ anh không đủ khả năng chi trả sinh hoạt phí cho con. Sciamanna đã đi làm thêm tại một nhà hàng trong suốt thời gian đầu đại học. Đến năm 20 tuổi, anh bị chẩn đoán mắc chứng đa xơ cứng. Không còn đủ sức làm việc tại nhà hàng, anh buộc phải nhận một công việc ở ký túc xá với mức lương 400 USD/tháng.

"Ngân sách để mua thức ăn của tôi hằng tuần là khoảng 25-30 USD", anh cho biết. Và mỗi chuyến đi đến siêu thị thực sự là một "cuộc chiến" đối với Matt khi một túi táo và chuối có giá khoảng 5 USD, một túi rau củ đông lạnh thêm 5 USD nữa. "Có lúc, tôi muốn mua một quả lê nhưng nó có giá những 1,5 USD. Chỉ mua một quả lê thôi mà tôi phải cân nhắc như thể đang mua một chiếc xe hơi vậy. Suy nghĩ đó làm tôi rất đau lòng", Sciamanna chia sẻ.

phan-phat-do-an-tai-Silicon-Va-9259-6646

Phân phát đồ ăn tại Silicon Valley. Ảnh: The Guardian.

Và đâu chỉ đói

Tình trạng mất an ninh lương thực đi kèm tình trạng vô gia cư. Theo thống kê gần đây từ Health Trust, một tổ chức phi lợi nhuận địa phương, tại San Jose, thành phố lớn nhất tại Thung lũng Silicon, số người không có nhà ở lên đến 4.000. Nạn đói đi kèm với khủng hoảng nhà ở. Tại quận Santa Clara, giá một căn hộ gia đình hiện đã lên mức 1,125 triệu USD, trong khi nguồn cung nhà ở tại khu vực này ngày càng cạn kiệt.

"Thung lũng Silicon là nơi rất đẹp cho những ai làm việc trong lĩnh vực công nghệ sinh sống. Vấn đề là, chúng tôi không làm việc trong ngành đó ", Vicky Avila-Medrano, chuyên gia cung ứng lương thực của Second Harvest cho biết. Martina Rivera là y tá chăm sóc sức khỏe tinh thần 52 tuổi, bị đẩy ra khỏi nơi mình vẫn ở hồi năm 2016. Tình trạng lấy lại nhà cho thuê diễn ra hàng loạt tại khu vực này khi các chủ đất muốn dành các căn hộ cho người giàu hơn thuê.

Không muốn tạo thêm gánh nặng cho gia đình, Rivera chọn cách sống trong chiếc xe hơi của mình. Bà cũng phải chọn làm ca đêm tại bệnh viện quân y để có thể về nhà mẹ tắm rửa vào buổi sáng, và đợi đến tối đi làm. Bà đi chợ ở cửa hàng 99 cent, ăn thức ăn đóng hộp và hâm nóng trong lò vi sóng. Lối sống đó đã tác động đến sức khỏe của bà. "Tôi từng bị một cơn đột quỵ làm toàn thân run lên như thể tôi sắp chết. Nhưng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ công việc của mình", Rivera chia sẻ.

"Chúng tôi gọi đó là nghịch lý Thung lũng Silicon. Điều này xảy ra trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang phát triển tốt hơn và chúng ta dường như có thể chăm sóc cho cộng đồng nhiều hơn", The Guardian dẫn nhận định của Steve Brennan - Giám đốc Marketing của Second Harvest.

LÂM NGHI