Cần có cơ chế xử lý khiếu nại cho doanh nghiệp tư nhân
Du lịch - Ngày đăng : 08:52, 21/12/2017
Việc thực thi và áp dụng luật pháp như hiện nay có thể dẫn đến sự suy giảm đầu tư mới và đầu tư mở rộng ở Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực trong việc thực hiện nhanh gọn và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tại những nơi thực thi luật pháp, do cán bộ phụ trách không hiểu đầy đủ nên đưa ra những yêu cầu thực hiện các thủ tục hay cung cấp hồ sơ mà không hề có cơ sở về mặt luật pháp.
Trong trường hợp cần xin phép hay được sự chấp thuận của nhiều bộ, ngành, do việc trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các bộ, ngành không đầy đủ nên mỗi bộ, ngành lại đưa ra chỉ thị hay hướng dẫn khác nhau, kết quả là mất quá nhiều thời gian cho đến khi hoàn tất thủ tục.
Bản thân các quy định trong luật pháp cũng mập mờ và do không được giải thích rõ ràng nên các doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong việc xác định có vi phạm luật pháp hay không, dẫn đến nhiều trường hợp phải mất nhiều thời gian để được giải thích.
Theo Thông tư 23, khi nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã sử dụng hơn 10 năm, ngoài điều 13 (trường hợp đặc biệt) còn liên quan đến Khoản 2, Điều 6. Do sự liên quan giữa hai điều khoản không rõ ràng, tiêu chuẩn đánh giá của cơ quan có thẩm quyền quyết định việc có được nhập khẩu hay không cũng không rõ ràng, nên có trường hợp máy móc và thiết bị cũ không được phép nhập khẩu mà không biết lý do cụ thể.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) đã đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam đề án về các tài liệu đăng ký để tham khảo, nhưng những biểu mẫu cụ thể đã không được xem xét. Trong khi đó, các thủ tục và mẫu đơn liên quan đến nhập khẩu máy móc, thiết bị cũ đã sử dụng hơn 10 năm được quy định tiêu chuẩn áp dụng rõ ràng. Chẳng hạn như trong văn bản pháp lý nêu rõ nếu nộp hồ sơ theo mẫu đơn quy định thì cơ quan thẩm quyền sẽ chấp thuận cho nhập khẩu. Sự không minh bạch trong thủ tục hành chính sẽ ảnh hưởng đến việc thu hút nhà đầu tư và họ sẽ không mặn mà đầu tư vào Việt Nam mà chuyển sang các nước khác.
JCCI mới đây đã đề xuất Chính phủ Việt Nam xây dựng cơ chế xử lý khiếu nại nhất quán và triệt để, do Thủ tướng quản lý và trực tiếp chỉ đạo. Tại Nhật Bản, chính phủ đã xây dựng thể chế và quy trình thực hiện trên cơ sở tham khảo hệ thống xử lý khiếu nại của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Theo đó, Ban thư ký thuộc Văn phòng Chính phủ ghi nhận các khiếu nại của doanh nghiệp và phản hồi của các bộ, ngành. Trong trường hợp các bộ, ngành không giải quyết được vấn đề doanh nghiệp khiếu nại, Hội đồng chuyên gia (thành viên bao gồm cả công dân trong nước và người nước ngoài) sẽ đưa ra phương án, biện pháp xử lý và đề xuất lên Thủ tướng. Ủy ban gồm Thủ tướng là Chủ tịch và ủy viên là các bộ trưởng xem xét các biện pháp nêu trên để phê duyệt.
JCCI cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam hoàn thiện thủ tục xác nhận trước liên quan đến các quy định và pháp lệnh nhằm ngăn ngừa để không phát sinh các vấn đề liên quan đến thực thi luật pháp. Hành động này sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện các thủ tục để các chủ thể kinh doanh tư nhân xác nhận trước về tính phù hợp của hoạt động mà chủ thể đó sẽ thực hiện với các bộ, ngành quản lý các quy định và pháp lệnh để có được câu trả lời từ các bộ, ngành này.
Chẳng hạn, liên quan đến công văn được dùng với mục đích tương tự tại các bộ, ngành của Việt Nam, JCCI đề xuất phía Việt Nam tham khảo "Chế độ văn bản xác nhận trước" mà Nhật Bản đã áp dụng để xây dựng và thực thi các quy tắc một cách nhất quán và được áp dụng thống nhất giữa các bộ, ngành. Chính phủ có thể đưa ra các nguyên tắc mang tính nhất quán như nghĩa vụ trả lời bằng văn bản, thiết lập thời gian xử lý chuẩn, công bố nội dung trả lời sau một khoảng thời gian nhất định, công khai những trường hợp và lý do cho phép không cần trả lời cho trường hợp ngoại lệ...
Những hoạt động tích cực của Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính (ACAPR) thời gian gần đây liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính, cụ thể là đã tổ chức đối thoại giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng với các thành viên của ACAPR hồi tháng 8. Trên cơ sở những hoạt động của ACAPR, việc xây dựng cơ chế xử lý khiếu nại do Thủ tướng trực tiếp quản lý thuộc ACAPR càng trở nên cần thiết.
Chính phủ có thể thành lập Ủy ban chuyên môn (thành viên bao gồm cả công dân trong nước và người nước ngoài) thuộc ACAPR. Phòng Thương mại và Hội doanh nghiệp đưa ra những yêu cầu cải tiến trọng điểm cho Ủy ban chuyên môn. Trên cơ sở đó, Ủy ban chuyên môn xây dựng phương án cho biện pháp cải cách cụ thể trong thời gian vài tháng đối với những hạng mục yêu cầu nêu trên, ACAPR tập hợp vào báo cáo để kiến nghị lên Thủ tướng. Thủ tướng thảo luận với các bộ trưởng và đưa ra quyết định xử lý trên cơ sở tôn trọng tối đa các kiến nghị này.
Những chính sách đặc biệt trọng điểm cần được nỗ lực thực hiện để góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Đưa ra những đề xuất dựa trên kinh nghiệm thực tiễn của Nhật Bản, JCCI hy vọng Chính phủ Việt Nam sẽ thực hiện nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch và kịp thời của các thủ tục hành chính, nâng cao hơn nữa sức hấp dẫn của việc đầu tư vào Việt Nam.
SONG ANH ghi
*Tác giả là Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam