Có không mầm mống khủng hoảng kinh tế?
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:40, 21/12/2017
Các cuộc khủng hoảng trong lịch sử
Năm 1987, thị trường chứng khoán Mỹ sụp đổ, đánh dấu bằng sự kiện ngày "Thứ hai đen" (19/10) khi chỉ số Dow Jones sụt đến 22,6% và sau đó ảnh hưởng khắp thế giới. Cho đến nay, nguyên nhân vẫn là bí ẩn, dù một số ý kiến cho rằng các lệnh cắt lỗ tự động đã khiến hệ thống quá tải và khủng hoảng lây truyền theo đám đông thúc đẩy nhà đầu tư bán cổ phiếu bằng mọi giá.
Đến năm 1989, Nhật bắt đầu nâng thuế cùng với việc giá dầu tăng khi diễn ra chiến tranh vùng Vịnh đẩy lạm phát lên cao, tiếp đến cuối 1990, ngân hàng trung ương Nhật Bản đột ngột thắt chặt chính sách tiền tệ khiến bong bóng tài sản vỡ tung.
Năm 1992, bong bóng tài sản Nhật Bản vỡ sau sau khi thị trường tài sản của nước này tăng mạnh suốt giai đoạn 1986 - 1991. Nguyên nhân được xác định đầu tiên là việc đồng yen lên giá mạnh sau Thỏa ước Plaza 1985 đã khiến ngân hàng trung ương nước này nới lỏng chính sách tiền tệ quá mức khiến các khoản vay trở nên dễ dàng và tạo điều kiện cho bong bóng tài sản hình thành.
Trong năm 1992 cũng diễn ra cuộc khủng hoảng tiền tệ tại châu Âu, đánh dấu bằng sự kiện "Thứ tư đen" (16/9) khi chính quyền Anh buộc phải rút đồng bảng khỏi cơ chế tỷ giá hối đoái châu Âu (ERM) trước áp lực đầu cơ tiền tệ do George Soros cầm đầu khiến đồng bảng mất giá mạnh.
Năm 1997, khủng hoảng tài chính châu Á nổ ra, bắt đầu tại Thái Lan rồi lan sang các nước Đông Á. Nguyên nhân bắt nguồn từ việc cuối thập niên 1980, các nước phát triển thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ, dẫn đến lượng thanh khoản dư thừa đổ vào các nước đang phát triển tại châu Á vốn có lãi suất cao hơn.
Giai đoạn cuối 2000 - 2002, bong bóng Dotcom nổ tung khiến giá cổ phiếu hàng loạt công ty công nghệ rơi không dù, mở đầu cho thời kỳ suy thoái kinh tế tại Hoa Kỳ. Cuộc tấn công vào nước Mỹ của bọn khủng bố ngày 11/9/2001 và hàng loạt vụ bê bối kế toán sau đó càng khiến tình hình kinh tế Mỹ trầm trọng hơn.
Ngân hàng trung ương Mỹ buộc phải nới lỏng chính sách để kích thích kinh tế phục hồi, tuy nhiên điều này đã hình thành mầm mống cho một cuộc khủng hoảng mới. Lãi suất thấp cùng với những điều kiện vay dễ dàng đã kích thích đầu cơ vào thị trường nhà đất, khi nước này bắt đầu nâng lãi suất trở lại thì bong bóng nhà đất vỡ tung.
Năm 2007 chứng kiến cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu tồi tệ nhất kể từ đại suy thoái từ năm 1929 đến hết những năm 1930. Nguyên nhân bắt nguồn từ thị trường nhà đất Mỹ sụp đổ và vấn đề càng trở nên trầm trọng là do các ngân hàng trước đó đã đóng gói những khoản vay mua nhà dưới chuẩn và chứng khoán hóa thành các CDO (giấy nợ đảm bảo bằng tài sản) và MBS (chứng khoán đảm bảo bằng tài sản thế chấp) đem bán ra cho các tổ chức tài chính khác trên thế giới.
Do đó, khi các khoản vay dưới chuẩn của thị trường nhà ở thành nợ xấu, các tài sản CDO và MBS gần như vô giá trị khiến hàng loạt tổ chức phá sản và châm ngòi cho cuộc khủng hoảng lan rộng trên toàn thế giới.
Năm 2012, khủng hoảng nợ công châu Âu lên đỉnh điểm đánh dấu bằng sự kiện ngày 6/2 Chính phủ Romani là chính phủ thứ 6 ở châu Âu sụp đổ do khủng hoảng nợ. Thật ra, rủi ro tiềm ẩn đã bắt đầu từ năm 2009 tại Hy Lạp khi nợ công của nước này quá cao, đẩy lợi suất trái phiếu chính phủ liên tiếp nhảy vọt. Cuộc khủng hoảng sau đó đã lan sang các nước Ireland, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ý. Đồng euro rơi vào giai đoạn đen tối nhất trong lịch sử và gây ảnh hưởng lên nền tài chính toàn cầu.
Cuộc khủng hoảng kế tiếp?
Nếu nhìn vào tính chu kỳ 5 năm như trên thì năm 2017 có thể khởi đầu cho một cuộc khủng hoảng mới của thế giới. Câu hỏi đặt ra là cuộc khủng hoảng có thể bắt đầu từ đâu? Nhiều người đang nói về bong bóng Bitcoin nói riêng và ICO (một hình thức kêu gọi vốn đầu tư tiền điện tử kỹ thuật số) nói chung sẽ sớm vỡ.
Đồng Bitcoin gần đây đã tăng giá chóng mặt khi từ mức quanh 900USD/BTC vào đầu năm nay lên mức 18.000USD/BTC gần đây, tức tăng gấp 20 lần. Tuy nhiên đây chưa phải là đồng tiền tăng mạnh nhất khi một số đồng tiền khác như Litecoin đã tăng gấp 100 lần trong vòng một năm qua.
Sự tăng mạnh trên đã gây chú ý và kích thích hàng loạt vụ hack các sàn tiền ảo trong thời gian qua, mới nhất là sàn Coinbase, trong khi nhiều thương vụ ICO có tính chất lừa đảo xuất hiện hàng loạt. Khi bong bóng Bitcoin nói riêng và ICO nói chung vỡ, hệ quả có thể làm niềm tin nhà đầu tư sụt giảm và ảnh hưởng đến các thị trường tài sản khác. Những khoản lỗ trên thị trường tiền số và các thương vụ ICO có thể kéo theo thị trường chứng khoán khi nhà đầu tư bán ra để bù lỗ, nhất là khi các chỉ số chứng khoán trên toàn cầu đã tăng quá cao trong thời gian qua.
Đáng lưu ý nữa là ngân hàng trung ương các nước đang thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại, dòng tiền rẻ sẽ giảm bớt và dĩ nhiên sẽ gây áp lực lên các thị trường tài sản. FED đã tăng lãi suất lần thứ ba trong năm nay (ngày 14/12), đồng thời với chính sách thu hẹp bảng cân đối tài sản. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đang tiếp tục lộ trình giảm mua tài sản, còn Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng vừa tăng lãi suất gần đây.
Về cơ bản, khủng hoảng kinh tế có chu kỳ lặp lại có thể diễn ra như sau: kinh tế suy yếu thì nới lỏng tiền tệ để kích thích phát triển, sau đó là giai đoạn thoát đáy khủng hoảng rồi phục hồi, đi lên và tăng mạnh. Lúc này để hạn chế sự tăng nóng thì chính sách thắt chặt tiền tệ được thực thi để kìm hãm.
Nếu thị trường nào đang ở giai đoạn bong bóng thì chính sách thắt chặt tiền tệ có thể làm nó nổ sớm và lan sang các nước khác, khiến nền kinh tế lại rơi vào khủng hoảng. Và vòng tuần hoàn cứ thế lặp lại. Nếu khủng hoảng xảy ra, những thị trường tài sản có tính chất trú ẩn an toàn như vàng sẽ được lợi.
Rủi ro từ nền kinh tế Trung Quốc cũng rất đáng chú ý và đã được nói đến nhiều trong thời gian qua. Sự bất ổn từ chính nội tại của nước Mỹ và những căng thẳng địa - chính trị đang ngày càng gia tăng có thể trở thành các nhân tố châm ngòi cho một đợt khủng hoảng mới diễn ra sớm hơn.