Ông Đặng Bá Long - CEO Công ty CP Ong mật TP.HCM: Tôi chọn chiến lược đột phá về chất lượng"
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:11, 22/12/2017
Theo ông Long, khác với Việt Nam, người dân ở các nước châu Âu coi mật ong là một loại thực phẩm bổ dưỡng quý, được sử dụng hằng ngày, hầu như trong tủ bếp của bất cứ gia đình nào cũng có vài ba loại mật ong. Trong khi người Việt Nam sử dụng mật ong như một loại thuốc và chỉ dùng khi cần.
Vì vậy, thay vì xuất khẩu, còn thừa mới tiêu thụ nội địa như nhiều công ty khác đang làm, ngay từ khi lên kế hoạch kinh doanh, tôi đã nhắm vào thị trường trong nước với mong muốn nhiều người tiêu dùng Việt Nam hiểu hơn giá trị của mật ong và đem sản phẩm quý này đến cho nhiều người sử dụng với chất lượng thật, giá hợp lý.
So với xuất khẩu, tiêu thụ mật ong trong nước không đang kể, chỉ vài chục tấn mỗi năm. Ước tính trong mươi, mười lăm năm nữa, khi người dùng nhận thức được giá trị dinh dưỡng của mật ong thì mức tiêu thụ nội địa có thể tăng thêm ba bốn lần so với hiện nay.
Hiện nay Việt Nam là nước đứng thứ 6 thế giới và thứ hai châu Á về xuất khẩu mật ong. Riêng thị trường Mỹ, Việt Nam xuất khẩu trung bình 50.000 tấn/năm. Nhưng đến bây giờ mật ong Việt Nam vẫn chỉ xuất thô và hầu như chưa có thương hiệu nào được thị trường thế giới biết đến, nên giá trị sản phẩm thấp so với những nước khác.
* Ông vừa nói đến "giá trị thật của mật ong", có nghĩa là có loại mật ong... không thật?
- Hiện nay, có những lô mật ong xuất khẩu chưa đủ chất lượng nên bị trả về, những công ty là chủ những lô mật ong ấy đã vô chai, đóng nhãn mác để tiêu thụ trong nước. Nếu nói về chất lượng để xuất khẩu thì mật ong Việt Nam có rất nhiều việc phải giải quyết, như quy trình chăn nuôi, thủy phần, nấm men, dư lượng hóa chất, màu mật, bảo quản, đóng gói, làm sao đáp ứng được xu hướng thị trường là sản phẩm phải xanh, sạch, hữu cơ lại càng tốt
Có một thực trạng khá nhức nhối là nhiều người nuôi ong cho ong ăn đường làm cho mật giàu đường sacacrozơ. Thông thường ong chỉ ăn mật và phấn hoa nhưng ở một số địa bàn ít hoa, ong phải bỏ đi tìm nơi mới. Do đó, có nhà nuôi ong cho ong ăn đường để duy trì đàn.
Chất lượng mật còn phụ thuộc vào từng loại hoa mà ong lấy mật. Thổ nhưỡng và khí hậu tốt sẽ giúp cây cối phát triển, mật ong cũng nhờ vậy mà có chất lượng cao hơn. Dạng thứ hai là một số người vì lợi ích trước mắt đã trộn đường vào mật ong. Tất cả đều ảnh hưởng đến ngành nuôi ong tự nhiên, đặc biệt gây thiệt thòi cũng như làm mất niềm tin của người dùng khi muốn sử dụng mật ong.
* Ngoài tiềm năng thị trường cũng như tham vọng đã chia sẻ, còn có lý do nào khác thúc đẩy ông đầu tư vào một ngành mà biết trước là không dễ?
- Trong thời gian tìm hiểu sản phẩm, tiềm năng thị trường, thực trạng ngành ong mât, tôi nhận ra người nuôi ong rất vất vả. Theo báo cáo của Hội Nuôi ong Việt Nam, Việt Nam có khoảng 30.000 người nuôi ong và người nuôi ong chân chính phải sống đời sống du mục, có khi phải đi biền biệt 6 tháng, làm bạn với muỗi, với ếch nhái... Cứ nơi nào thời tiết tốt, cây cối ra hoa thuận lợi cho đàn ong hút mật là họ tìm đến. Nghề nuôi ong vừa gian nan vừa tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nếu như thời tiết ủng hộ, được mùa hoa thì thu nhập tốt. Còn nếu hoa mất mùa đồng nghĩa với việc mất mùa mật ong. Cùng với những rủi ro đó là giá mật ong luôn biến động, có năm giá 2.000 - 3.000USD/tấn, nhưng có năm như năm 2017 này giá còn 1.500 - 1.700USD/tấn, khiến người nuôi ong luôn trong tình trạng bấp bênh. Chính vì hiểu những cực nhọc của người nuôi ong chân chính cũng như thực trạng của ngành ong mật nên tôi quyết định đầu tư, thực hiện chiến lược kinh doanh bài bản để bao tiêu mật cho người nuôi ong để họ có thu nhập ổn định.
Tôi còn có chút... tự ái dân tộc khi biết nhiều đối tác nước ngoài vẫn mua mật ong Việt Nam rồi đóng chai, thay nhãn mác vì cho rằng thương hiệu mật ong Việt Nam chưa đủ niềm tin với thị trường nước ngoài, nếu dùng nhãn mác của Việt Nam rất khó vào được siêu thị các nước.
* Nhưng không phải tham vọng nào cứ muốn là làm được...
- Hiện nay, mật ong Việt Nam nhập khẩu qua các nước Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đang được đóng mác xuất trở lại Việt Nam với giá bán rất cao. Thế nhưng, người Việt Nam vẫn sẵn sàng bỏ ra số tiền gấp năm, gấp mười để mua mật ong nhập ngoại, trong khi mật ong Việt Nam thì chê và cũng không đủ niềm tin để mua, trong đó có một phần là do sính hàng ngoại.
Với 4o năm gia đình chuyên xuất khẩu mật ong, ngoài nguồn khách hàng và thị trường ổn định, chúng tôi còn có đội ngũ nhân viên lành nghề, kinh nghiệm lâu năm, có cơ sở vật chất, trang trại ở nhiều tỉnh phía Nam. Nền tảng đó đủ cho tôi có lợi thế và niềm tin để kiên nhẫn chờ đợi thời gian đón mật ngọt. Việc tôi đang làm hiện nay là mời các chuyên gia giỏi, cùng tâm huyết trong ngành ong mật về để cùng xây dựng thương hiệu với bản sắc riêng cho công ty của mình.
* Một cách mà nhiều doanh nghiệp cho rằng nhanh và dễ hơn, đó là làm thương hiệu ở nước ngoài sau đó đem về bán ở Việt Nam. Ông có chọn cách ấy?
- Đúng là hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu hướng chỉ làm thương mại đơn thuần bằng cách đem sản phẩm ra nước ngoài, dán mác ngoại và nhập khẩu về lại Việt Nam. Cách làm này rất ít rủi ro, lợi nhuận lại cao. Nhưng đó không phải là con đường tôi chọn và nó không trả lời được câu hỏi "Người tiêu dùng Việt Nam sẽ được gì khi phải mua chính sản phẩm của xứ sở mình làm ra với giá cao, rất cao"?
Chưa kể, khi làm bảng so sánh chất lượng mật ong của các nước, chúng tôi thấy không hề có sự chênh lệch về chất lượng giữa mật ong của Việt Nam với mật ong Úc, New Zealand hay Mỹ... Vậy cớ gì mình phải mua hàng nhập khẩu với giá cao khi chính đất nước mình có sản phẩm ngang bằng, giá lại thấp hơn nhiều!
* Chắc ông vẫn cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước và các đơn vị quản lý?
- Để có thể đi nhanh hơn, xa hơn, điều cần nhất hiện nay là nhận thức của người tiêu dùng cũng như sự ủng hộ của thị trường đối với những nhà sản xuất mật ong có tâm. Ở các nước phát triển, người dân ăn mật ong thay đường. Tại Việt Nam, mỗi năm chỉ cần một người sử dụng một kilôgam mật ong là ngành ong mật có triển vọng phát triển. Hiện nước ta chưa đánh giá cao ngành ong mật, trong khi mỗi năm mật ong xuất khẩu mang lại hơn 100 triệu USD.
Tại một hội thảo tôi có dịp tham dự, có một chuyên gia nước ngoài cho rằng chất lượng mật ong của Việt Nam chưa đồng nhất là do chưa được quản lý chặt chẽ. Sâu xa hơn là do kỹ thuật nuôi ong còn thiếu cập nhật kiến thức mới, cơ sở nuôi còn đơn lẻ, manh mún, thậm chí mạnh ai nấy làm. Những điểm yếu ấy muốn khắc phục thì cần có định hướng của Nhà nước và các cơ quan quản lý. Đặc biệt phải quan tâm giáo dục cho lớp trẻ biết nghề nuôi ong tác động tích cực đến môi trường sống như thế nào.
Ở châu Âu, người dân coi trọng ong mật không những vì nó cho loại thực phẩm bổ dưỡng mà còn là tác nhân bảo vệ môi trường. Họ định giá 16 triệu tổ ong họ nuôi có giá 5 tỷ euro vì nhờ nó mà cây trồng được thụ phấn tốt, cho năng suất cao. Con ong, mật ong được đưa vào các chương trình giáo dục từ tiểu học bằng truyện tranh, phim hoạt hình, dã ngoại, trong đó có trò chơi tìm ong chúa để giáo dục trẻ về lợi ích của con ong.
* Những năm gần đây, thị trường mật ong có cuộc cạnh tranh của khá nhiều doanh nghiệp. Ông có thấy mạo hiểm khi phải bắt đầu ở tuổi không còn trẻ?
- Tôi chọn một lĩnh vực mà khi bắt tay làm càng nhận ra mình có duyên nợ. Mà đã là duyên thì không còn thấy áp lực, không ngại mạo hiểm. Nếu có, chỉ là áp lực với cổ đông vì khi tôi nắm quyền điều hành, các cổ đông đặt hết niềm tin và hy vọng vào con đường mà Công ty Ong mật TP.HCM đã chọn.
Riêng với thị trường, may mắn là cạnh tranh không nằm ở giá cả mà là ở định kiến của người dùng về mật ong Việt Nam. Vì vậy, cái khó nhất vẫn là xây dựng niềm tin cho người tiêu dùng. Thị trường mật ong rất rộng, nếu có nhiều doanh nghiệp có tâm huyết, làm ăn chân chính thì mật ong Việt Nam sẽ có chỗ đứng và từ đó sẽ là nền tảng để thương hiệu mật ong Việt Nam ra thế giới.
Hiện nay mỗi doanh nghiệp ong mật có cách đi riêng, có người làm theo kiểu "tư duy nhóm lửa", có người đi theo "chiến lược du kích", có doanh nghiệp lại đi từ nhỏ đến lớn. Còn tôi, với nền tảng và lợi thế như đã nói, tôi chọn chiến lược đột phá về chất lượng.
Với bước đầu trong chiến lược này, ít nhất 100 nhà nuôi ong đang đồng hành với chúng tôi. Họ được đầu tư bài bản để có mật ong tốt nhất đưa ra thị trường, làm thay đổi dần quan niệm của người tiêu dùng. Và từ 100 nhân tố đó, chúng tôi sẽ nhân rộng ra nhiều nhân tố mới cho người dùng được trải nghiệm và cảm nhận giá trị của mật ong Việt Nam.
* Công việc kinh doanh phân vi sinh đang ổn định lại "dốc túi" đầu tư vào ong mật, ngoài những lý do như ông vừa nói, còn có gì khác không?
- So với thời kỳ đầu mở công ty phân bón vi sinh thì công ty thứ hai này dễ dàng hơn. Lúc đó chưa có kinh nghiệm thương trường, vốn liếng eo hẹp nên vừa kinh doanh vừa lo rất nhiều thứ, lo làm sao đủ trang trải cuộc sống, lo bảo toàn đồng vốn, lo đời sống cho nhân viên và cả lo lỗ.
Còn bây giờ, cũng là kinh doanh nhưng tôi không còn bị chi phối bởi cơm áo gạo tiền, không quá nặng về lợi nhuận, thời gian mà chỉ lo hướng đến giá trị mới, đó là mang đến cho người dùng những sản phẩm có giá trị mà lâu nay nhiều người bỏ quên, hoặc nếu biết thì chưa đủ niềm tin hoặc giá cả cũng chưa hợp lý để sử dụng.Vì vậy, tôi rất tâm huyết với Công ty Ong mật TP.HCM.
* Lĩnh vực sản xuất phân bón vi sinh và nuôi ong hình như không có liên quan, nên một lúc hai vai sẽ khó toàn tâm toàn ý, phải không, thưa ông?
- Trước đây tôi cũng nghĩ không có sự liên quan nhưng trong xu hướng thế giới hướng đến nông nghiệp sạch nên một khi nông dân sử dụng phân bón vi sinh cho cây thì ong được hút mật hoa ở cây sạch, mật sinh ra sạch, không bị nhiễm thuốc trừ sâu, nhiễm nấm.
Còn nhớ, năm 2013, hàng loạt cây cao su ở miền đông Nam bộ bị vàng lá do xịt thuốc trị nấm, ong hút mật hoa cao su làm mật nhiễm bẩn, bị cấm xuất khẩu. Nhờ có kiến thức ngành sinh học nên tôi đang nghiên cứu sản phẩm vi sinh dùng cho ong khi ong bị rối loạn tiêu hóa, thức ăn giúp ong tăng cường sức khỏe, thay vì dùng kháng sinh.
* Đảm nhiệm vai trò Giám đốc Điều hành, trong khi bà xã ông lại giữ chức Chủ tịch HĐQT Công ty Ong mật TP.HCM, hỏi nhỏ, ông có thấy... khó khi phải đưa ra những quyết định nhanh? Bởi, thuộc tính của phụ nữ là thận trọng nên thường có những quyết định chậm hơn đàn ông, đôi khi làm mất cơ hội kinh doanh...
- Bất đồng quan điểm là điều khó tránh trong công việc, tuy nhiên, đã là công việc thì phải có nguyên tắc chung, đó là trách nhiệm của ai người ấy làm. May mắn là tôi và bà xã đều rất tâm huyết với việc nuôi ong, sản xuất mật ong và đã cùng điều hành công ty phân bón trong nhiều năm nên chúng tôi hiểu cách làm việc của nhau và khá... thuận ý kiến. Đôi lúc cũng có những ý kiến trái chiều nhưng sau đó đều được giải quyết tốt đẹp trên tinh thần lắng nghe và vì công việc chung.
* Cám ơn ông về những chia sẻ thú vị. Chúc Công ty thành công theo như mong muốn!