Hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài
Trong nước - Ngày đăng : 06:29, 27/12/2017
Samsung - nhà đầu tư lớn đã góp phần làm thị trường Việt Nam thêm sôi động. Ảnh: QH |
Nhật Bản sau nhiều năm để mất vị trí dẫn đầu, nay đã trở lại vị trí số 1 về vốn đầu tư vào Việt Nam với 9,11 tỷ USD vốn đăng ký (chiếm 25,4%). Các vị trí tiếp theo thuộc về Hàn Quốc, Singapore...
Năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành, lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo được chú trọng với tổng số vốn 15,87 tỷ USD, chiếm 44,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 8,37 tỷ USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ ba là kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,05 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đáng chú ý nữa là năm nay, các nhà đầu tư ngoại đã giải ngân 17,5 tỷ USD, tăng 10,8% so với năm ngoái. Đây được xem là mức giải ngân kỷ lục của nhà đầu tư nước ngoài từ trước đến nay.
Theo Neil MacGregor - Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Savills Việt Nam, một trong những yếu quan tâm khi đầu tư vào Việt Nam không hẳn là vốn đăng ký mà là vốn thực hiện, thể hiện chất lượng của dòng đầu tư ngoại vào một nền kinh tế.
Đầu tư nước ngoài ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh từng đánh giá, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp 1/5 GDP của Việt Nam, 3/4 cho xuất khẩu và 1/4 vốn đầu tư toàn xã hội. Tuy nhiên, xét về mặt lan tỏa, đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế. TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, hiện nay, với việc nền kinh tế hội nhập sâu rộng, cách tiếp cận của các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đã và đang thay đổi rất nhiều.
Cách nay một năm, đầu tư nước ngoài vẫn còn gắn với thông điệp chuyển giao công nghệ thì nay nhiều nhà đầu tư chọn Việt Nam là cứ địa sản xuất toàn cầu. Cũng liên quan đến vấn đề này, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, trong số các dòng FDI, sự hiện diện của nhà đầu tư Nhật Bản được xem là có tác động lan tỏa đáng kể đối với nền kinh tế Việt Nam, cụ thể là việc gắn kết được với cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất của họ, trong khi các dòng vốn ngoại khác chưa phát huy được vai trò kết nối.
Để trở thành nhà cung ứng cho Samsung Việt Nam, cơ hội để doanh nghiệp trong nước tham gia được gạn lọc rất kỹ. Hồi đầu năm, tập đoàn điện tử lớn nhất Hàn Quốc này cho biết, sau những nỗ lực nhằm tìm kiếm các nhà cung ứng Việt Nam, con số tham gia chuỗi cung ứng của Samsung đã tăng lên 198 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 20 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp 1.
Để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cụ thể là đối tác cho các tập đoàn lớn, doanh nghiệp Việt Nam phải tự cải thiện năng lực sản xuất, công nghệ, quản trị theo tiêu chuẩn quốc tế mới có thể đáp ứng được tiêu chuẩn mà những "ông lớn" yêu cầu.
Để có được nhà cung ứng nội địa, Samsung phải cử chuyên gia trực tiếp tư vấn và làm việc cùng doanh nghiệp Việt Nam trong 3 tháng để cải tiến quy trình sản xuất và hoàn thiện các tiêu chuẩn trong việc cung ứng sản phẩm, linh kiện cho các nhà máy Samsung tại Việt Nam.