Sự kiện kinh tế, chính trị nổi bật năm 2017

Trong nước - Ngày đăng : 06:41, 27/12/2017

Năm 2017 - năm thứ hai thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều bước cải tiến về mặt thể chế.
Sự kiện kinh tế, chính trị nổi bật năm 2017

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Với thông điệp Chính phủ kiến tạo phát triển, 2017 được đánh giá là năm đã cắt giảm được nhiều thủ tục hành chính, giản lược các điều kiện kinh doanh không phù hợp, kìm hãm sức sáng tạo của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2017, Việt Nam đã tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 25.

Doanh Nhân Sài Gòn chọn ra 10 sự kiện kinh tế, chính trị nổi bật trong năm 2017:

1. Tổ chức thành công APEC 2017

Năm APEC Việt Nam 2017, đặc biệt là Tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Thành phố Đà Nẵng từ ngày 6 - 11/11 là sự kiện đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuần lễ Cấp cao APEC đã đưa Việt Nam trở thành tâm điểm chú ý của thế giới. Lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, trong đó có lãnh đạo các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản,... đều hội tụ tại thành phố Đà Nẵng, cùng với hơn 11.000 đại biểu, doanh nghiệp và phóng viên trong và ngoài nước.

Gần 100 cuộc gặp, tiếp xúc song phương giữa các nhà lãnh đạo APEC đã diễn ra trong dịp này. Với 8 văn kiện được thông qua tại Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, trong đó quan trọng nhất là Tuyên bố Cấp cao Đà Nẵng "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung", Việt Nam một lần nữa tô đậm dấu ấn trên tiến trình hợp tác của APEC.

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 còn góp phần quan trọng làm sâu sắc hơn quan hệ giữa các nền kinh tế thành viên và giữa Việt Nam với các thành viên APEC. Tuần lễ Cấp cao APEC vừa qua còn mang lại nhiều nguồn lực thiết thực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước với tổng cộng 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng được ký kết, trị giá gần 20 tỷ USD.

Các nguyên thủ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng

Các nguyên thủ tham dự Tuần lễ cấp cao APEC tại Đà Nẵng

2. Nhiều quyết sách quan trọng đã được thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV

Ngày 24/11, Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Nghị quyết 54 Về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Nghị quyết liên quan đến 4 nhóm vấn đề, gồm quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Nghị quyết 54 giúp TP.HCM tăng tính chủ động trong việc đưa ra các quyết sách phù hợp với tình hình phát triển của thành phố ở giai đoạn mới. Đây được xem là động lực để TP.HCM có những bước phát triển đột phá, đồng thời duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV cũng đã thảo luận và thông qua nhiều vấn đề quan trọng khác, trong đó có Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án lên gần 23.000 tỷ đồng, diện tích đất thu hồi là gần 5.400ha. Việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tiến hành một lần và hoàn thành trước năm 2021.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM

3. Nhiều chỉ tiêu kinh tế năm 2017 đạt hoặc vượt kế hoạch

Năm 2017 dự báo nước ta đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Trong đó, tăng trưởng GDP ước đạt mục tiêu 6,7%,  giá trị kim ngạch xuất khẩu ước đạt 410 tỷ USD, thặng dư thương mại đạt khoảng 3 tỷ USD. Điều này giúp cán cân thanh toán tổng thể quốc gia có thặng dư khá lớn, đóng góp quan trọng vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, tỷ giá, kiểm soát lạm phát.

Năm 2017, ngành du lịch hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao khi thu hút 13 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ du lịch dự kiến đạt trên 500.000 tỷ đồng, tương đương 23 tỷ USD, đóng góp khoảng 7% vào GDP.

Dự báo đến hết năm nay, gạo xuất khẩu sẽ đạt 5,9 - 6 triệu tấn, tăng 1,1 - 1,2 triệu tấn so với năm 2016.

4. Cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển kinh doanh

Với mục tiêu xây dựng Chính phủ hành động, liêm chính, năm 2017 được xem là năm mà các bộ, ngành cải cách mạnh mẽ, thể hiện qua việc rà soát, cắt giảm hàng loạt thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh. Đáng chú ý, vào tháng 9/2017, Bộ Công Thương đã cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh, chiếm tới 55,5% tổng số các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Nhiều bộ, ngành khác, như Bộ Xây dựng đã cắt giảm từ 93 thủ tục hành chính xuống còn 46 thủ tục (đạt 51%) trong lĩnh vực xây dựng, thời gian giải quyết thủ tục hành chính giảm 25% so với trước đây, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ cắt giảm nhiều thủ tục hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, đồng thời năm 2018, bộ này sẽ mở rộng trên phạm vi toàn quốc cơ chế một cửa quốc gia đối với 5 thủ tục hành chính liên quan.

Thủ tục nộp thuế đã thuận lợi hơn với doanh nghiệp

Thủ tục nộp thuế đã thuận lợi hơn với doanh nghiệp

5. Đưa thị trường chứng khoán phái sinh vào hoạt động

Ngày 10/8/2017, Bộ Tài chính đã khai trương thị trường chứng khoán phái sinh. Sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh được đánh giá để hoàn thiện thị trường chứng khoán, thị trường tài chính Việt Nam, qua đó thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như thúc đẩy thanh khoản trên thị trường cơ sở.

Việt Nam là quốc gia thứ 5 trong khu vực ASEAN có thị trường chứng khoán phái sinh và là quốc gia thứ 42 trên thế giới có thị trường này.

6. Đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước

Năm 2017, nhiều DNNN lớn do các bộ, ngành lẫn DNNN ở cấp địa phương đã cổ phần hóa. Dù cả 2 mục tiêu đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp lớn đều chậm hơn so với kế hoạch nhưng năm 2017 đã ghi nhận nhiều thương vụ thoái vốn mang về hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.

Cụ thể là Bộ Công Thương thu về gần 110.000 tỷ đồng từ việc bán đấu giá cạnh tranh hơn 343 triệu cổ phần của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB), tương đương 53,59% vốn điều lệ của Sabeco.

Việc xử lý nợ xấu giúp khơi thông dòng chảy vốn

Việc xử lý nợ xấu giúp khơi thông dòng chảy vốn

7. Nghị quyết mua bán, xử lý nợ xấu có hiệu lực

Nghị quyết 42 Về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được Quốc hội Khóa XIV (kỳ họp thứ 3) thông qua ngày 21/6 được xem là cơ sở pháp lý quan trọng giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý khoản nợ xấu hơn 600.000 tỷ đồng.

Nghị quyết 42 góp phần làm lành mạnh hoạt động tín dụng, xử lý hiệu quả tài sản bảo đảm mà phần lớn là bất động sản, đồng thời tạo thêm nguồn lực cho nền kinh tế và giúp tái khởi động các dự án bất động sản đã bị thế chấp, bị ngừng triển khai trong nhiều năm qua. Nghị quyết sẽ góp phần đáng kể vào tiến trình xử lý "cục máu đông nợ xấu" của nền kinh tế.

8. Xét xử các vụ đại án

Năm 2017 chứng kiến nhiều vụ bắt giữ, truy tố, xét xử liên quan đến các "đại gia" ngành ngân hàng, cựu lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Sau đại án 9.000 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam, cựu lãnh đạo Sacombank Trầm Bê cùng nhiều người bị bắt tạm giam do hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Tháng 9/2017, Tòa án nhân dân Hà Nội đã ra phán quyết với các tội danh quy kết cho 51 bị cáo trong vụ đại án OceanBank.

Đến tháng 12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) ra kết luận và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố ông Đinh La Thăng (cựu Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN) cùng 6 bị can với cáo buộc gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn, chiếm đoạt tài sản.

Khu vực FDI đóng góp đáng kể vào GDP

Khu vực FDI đóng góp đáng kể vào GDP

9. "Cuộc chiến" BOT

Năm 2017, Trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang) trở thành "điểm nóng" liên quan đến vấn đề có hay không "lợi ích nhóm" trong các hợp đồng BOT thuộc lĩnh vực hạ tầng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chủ trì cuộc họp để đưa ra hướng xử lý đối với trạm thu phí này.

Từ vụ BOT Cai Lậy, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải có báo cáo tổng hợp về các công trình BOT để đánh giá toàn diện. Cả nước hiện có 54 công trình theo phương thức BOT do Bộ Giao thông - Vận tải quản lý, trong đó có 8 trạm thu phí BOT đặt ở vị trí bất hợp lý.

10. Các hãng taxi truyền thống "hụt chân"

Với việc ứng dụng công nghệ số và liên kết các chủ xe, kể từ khi xuất hiện vào năm 2014, Uber và Grab đã khiến các hãng taxi truyền thống sụt giảm mạnh về doanh thu, thị phần, riêng TP.HCM đã có tới 4 công ty giải thể, sáp nhập và 3.000 xe bị "khai tử".

Để cải thiện tình hình, các hãng taxi truyền thống đang tích cực đổi mới, cải tiến về công nghệ cũng như chất lượng dịch vụ, như đầu tư đội xe mới, phát triển ứng dụng đặt xe để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong thời đại công nghệ số.

NHÓM PV