Năm 2018 và những thách thức chờ đợi Tổng thống Donald Trump

Quốc tế - Ngày đăng : 06:48, 28/12/2017

Cuộc bầu cử giữa kỳ trong nước hay khủng hoảng Triều Tiên, căng thẳng ở Trung Đông là ba trong nhiều thách thức ông Trump phải đối mặt năm 2018.
Năm 2018 và những thách thức chờ đợi Tổng thống Donald Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Bloomberg

Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có một chiến thắng vang dội khép lại năm 2017 với việc luật cải cách thuế trị giá 1.500 tỷ USD của phe Cộng hòa được thông qua. Thành công này mang đến cho người đứng đầu Nhà Trắng một vị thế tích cực hơn trong bối cảnh ông chuẩn bị bước sang năm thứ hai nhiệm kỳ. Song giới chuyên gia nhận định năm 2018 chưa hẳn sẽ dễ dàng với Tổng thống Trump, theo Hill.

Những vấn đề trong nước

Những căng thẳng trong nội bộ chính quyền Mỹ được thổi bùng lên tại một cuộc họp ở Phòng Bầu dục hôm 20/12 khi Tổng thống Trump và các cố vấn cấp cao thảo luận về chiến lược chính trị trong năm 2018, theo CNN.

Corey Lewandowski - cựu quản lý chiến dịch cho ông Trump, "nhấn mạnh với Tổng thống rằng có những mối lo lắng thực sự về việc Nhà Trắng và Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) chưa chuẩn bị đủ cho cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp tới", một nguồn tin biết rõ về cuộc họp cho biết. "Và nếu họ chưa sẵn sàng cho bầu cử giữa kỳ, đồng nghĩa họ chưa sẵn sàng cho tái tranh cử".

Sự việc trên phản ánh những căng thẳng ngày càng gia tăng ở Nhà Trắng cũng như bên trong nội bộ đảng Cộng hòa khi họ đứng trước cuộc bầu cử giữa kỳ quan trọng, giới quan sát đánh giá. Mặt khác, nó còn làm dấy lên những câu hỏi về mối quan hệ giữa Nhà Trắng với những đồng minh tại RNC và ở Đồi Capitol.

Khi các quan chức RNC gặp mặt hồi đầu tháng 10 để lên kế hoạch cho cuộc bầu cử giữa kỳ, "một trong những câu hỏi lớn nhất được nêu lên tại cuộc họp là về vai trò của RNC trong việc hỗ trợ Tổng thống", một nguồn tin am hiểu vấn đề cho hay.

Dù chủ tịch ủy ban Ronna McDaniel vẫn duy trì cam kết với Tổng thống Trump, một số thành viên đảng Cộng hòa vẫn hoài nghi chiến lược của RNC có thể không song hành với chiến lược mà Nhà Trắng theo đuổi.

Một cố vấn cấp cao ở Nhà Trắng cho biết chính quyền Tổng thống Trump và đảng Cộng hòa đang gấp rút tìm cách để phát đi một thông điệp mạnh mẽ trước cuộc bầu cử giữa kỳ nhưng hiện tại mọi nỗ lực vẫn "giậm chân tại chỗ".

"Rất nhiều người trong chúng tôi hiểu rằng cần phải phối hợp chặt chẽ nhằm giữ được đa số", người cố vấn nói. "Nhưng có không ít phe phái cả ở bên trong lẫn bên ngoài Nhà Trắng và Quốc hội không làm theo, đơn thuần vì lợi ích của bản thân họ và tôi cảm thấy nỗi lo lắng trước câu hỏi liệu chúng tôi có thể thực sự cùng nhau hành động hiệu quả hay không đang ngày càng lớn dần lên".

Bên cạnh đó, việc Tổng thống Trump có mức tín nhiệm thấp kỷ lục cũng đặt ra cho ông không ít khó khăn bởi giờ đây, những chính sách ông đưa ra sẽ phải đối mặt với nhiều hoài nghi hơn.

Chính phủ Mỹ có thể phải ngừng hoạt động ngày 19/1 nếu các thành viên đảng Dân chủ và Cộng hòa không thể đạt được thỏa thuận về ngân sách cho khoảng thời gian còn lại trong năm tài khóa 2018, kết thúc ngày 30/9.

Tất cả những vấn đề trên sẽ là trở ngại lớn đối với chính quyền Trump trong việc thực hiện những ưu tiên trong năm 2018.

Ông Trump sẽ cần phiếu bầu từ các thành viên Dân chủ nếu muốn thông qua những chương trình nghị sự. Và mọi việc càng trở nên khó khăn hơn khi cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra vào tháng 11.

Phe Dân chủ hiện cần 24 ghế để giành chiến thắng ở hạ viện và chỉ hai ghế để năm quyền kiểm soát thượng viện sau thắng lợi của ứng viên Doug Jones trước đối thủ đảng Cộng hòa Roy Moore trong cuộc bầu cử thượng nghị sĩ ở Alabama, bang có truyền thống ủng hộ phe Cộng hòa.

Các cố vấn cho Tổng thống Trump tự tin rằng ông sẽ lấy lại được lợi thế chính trị khi người dân Mỹ nhận thấy mức lương của họ đã tăng bởi luật cải cách thuế. Nhưng một số thành viên đảng Cộng hòa không có cùng quan điểm. Họ cảnh báo rằng những vấn đề chính trị mà ông Trump phải đối diện sẽ không tự nhiên biến mất.

Ngoài ra, theo giới quan sát, các phát ngôn ngẫu hứng, mạnh miệng mà Tổng thống Mỹ thường xuyên đưa ra có thể khiến những người ủng hộ ông hào hứng song về lâu dài, chúng sẽ tạo ra những hệ quả không mong muốn.

"Tuần nào cũng vậy, những thành tựu của họ, như các báo cáo khả quan về việc làm, luôn bị che phủ bởi những phát ngôn giận dữ", ông Doug Heye, chiến lược gia đảng Cộng hòa, cho hay.

Nếu ông Trump tiếp tục có những hành động hay phát ngôn "sai lầm", chúng sẽ "khiến thế đa số của chúng ta" rơi vào nguy hiểm, Ryan Williams, cựu cố vấn cho ông Mitt Romney, ứng viên tổng thống Mỹ đảng Cộng hòa năm 2012, nhấn mạnh. "Nếu chúng ta để mất hạ viện, thượng viện hoặc cả hai, ông Trump sẽ khốn khổ vì nó".

Việc đảng Dân chủ kiểm soát quốc hội cũng có khả năng thúc đẩy hơn nữa cuộc điều tra Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ, đẩy Tổng thống Trump vào thế khó. Các chủ tịch ủy ban có thể đẩy nhanh tiến trình những cuộc điều tra của quốc hội về nghi vấn chiến dịch tranh cử cho ông Trump thông đồng với Moscow can thiệp kết quả bầu cử năm 2016, hoặc thậm chí bắt đầu quá trình luận tội, phụ thuộc vào việc những phát hiện họ tìm thấy nghiêm trọng đến đâu. Đây là kịch bản tồi tệ nhất mà Tổng thông Trump không bao giờ muốn đương đầu.

Thách thức ở nước ngoài

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump doanhnhansaigon

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong lễ đón chính thức tại Bắc Kinh ngày 9/11. Ảnh: Reuters

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm 2016, ông Trump đã công kích mạnh mẽ Trung Quốc, cáo buộc Trung Quốc lợi dụng Mỹ thông qua các hoạt động kinh doanh bất bình đẳng và không giúp ích gì nhiều trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên. Một năm ông Trump lãnh đạo nước Mỹ, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh đã nồng ấm dần lên. Song giới chuyên gia dự đoán năm 2018 sẽ mang đến những thách thức mới cho cả hai quốc gia.

Ông Evan Medeiros, giám đốc điều hành phụ trách về châu Á tại công ty tư vấn Eurasia Group, tin rằng chính quyền Trump sẽ khởi động một loạt hành động thương mại đơn phương "rất nghiêm túc" chống lại Trung Quốc vào đầu năm 2018 nhằm thúc đẩy mối quan hệ thương mại đôi bên cùng có lợi. Động thái trên chắc chắn không được Trung Quốc đón nhận.

"Có một giả định lạc quan rằng Mỹ chỉ cần đơn giản phóng 10 quả tên lửa kinh tế lên không trung và Trung Quốc sẽ nói 'À, chúng ta đã làm sai. Chúng ta phải nhượng bộ trước những người bạn Mỹ'", ông Kevin Rudd, chủ tịch Viện Chính sách Xã hội châu Á, bình luận. "Tôi đã nghiên cứu Trung Quốc 35 năm qua và chưa bao giờ tìm ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy họ sẽ làm như vậy".

Rudd đồng thời dự đoán bản chất "rối loạn" trong chính sách của Mỹ trước vấn đề Triều Tiên cũng có thể làm khởi phát một cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ với Trung Quốc khi mà chính quyền Trump thời gian qua liên tục thúc ép Bắc Kinh gây áp lực lên Bình Nhưỡng vì chương trình hạt nhân, tên lửa.

"Tôi cảm thấy hai điều trên kết hợp lại với nhau sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn trong mối quan hệ Mỹ - Trung", ông Rudd nhận định.

Liên quan đến cuộc khủng hoảng Triều Tiên, chuyên gia cho rằng triển vọng đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng trong năm 2018 vẫn mờ mịt. Đến giờ, cả Mỹ và Triều Tiên vẫn chưa cho thấy họ muốn tham gia vào những cuộc thảo luận như vậy.

Triều Tiên nhất quyết từ chối từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Chính phủ Triều Tiên đã nói với một phái viên cấp cao Liên Hợp Quốc rằng "còn quá sớm" để tính đến chuyện đàm phán với Mỹ.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un doanhnhansaigon

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh: AFP

Chính quyền Trump trong tháng 12 cũng lặp lại tuyên bố rằng "hiện tại không phải thời điểm thích hợp để ngồi vào bàn đàm phán" với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hồi đầu tháng đề xuất đàm phán với Triều Tiên với một số điều kiện nhất định liên quan đến chương trình hạt nhân. Song Nhà Trắng sau đó phủ nhận tuyên bố trên và ông Tillerson nhanh chóng thay đổi lập trường, khẳng định sẽ không có cuộc đàm phán nào trừ khi "Triều Tiên chấm dứt những hành vi đe dọa".

Về mối quan hệ với Nga, sau khi chính quyền Trump đưa ra bản chiến lược an ninh quốc gia mới, gọi Nga và Trung Quốc là "những thế lực xét lại" muốn làm xói mòn lợi ích và giá trị Mỹ, giới chuyên gia dự đoán mối quan hệ giữa Washington và Moscow năm 2018 sẽ "lạnh giá hơn", theo CNN.

Bản chiến lược an ninh mới đánh dấu một bước ngoặt trong cách ứng xử của chính quyền Tổng thống Mỹ với Nga, đi từ xây dựng mối quan hệ nồng ấm, hợp tác tới đối đầu.

Sự thay đổi này có lẽ bắt nguồn từ việc ông chủ Nhà Trắng đang bị bủa vây bởi những cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 cũng như thực tế là những hoài nghi về Nga bên trong cộng đồng tình báo, ngoại giao, các quan chức quân sự, nghị sĩ Mỹ vẫn không ngừng gia tăng, bình luận viên Nicole Gaouette từ CNN đánh giá.

"Chúng ta chuẩn bị bước vào một năm mà chính sách về Nga có lẽ đã được định hình và chính sách ấy khá mang tính đối đầu", ông Matt Rojansky, giám đốc Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, Mỹ, nhận xét. "Đây chắc chắn không phải chính sách mà bạn kỳ vọng sẽ thấy ở Trump khi ông còn là ứng viên tổng thống".

Ở Trung Đông, Tổng thống Trump đến nay vẫn chưa đưa ra được một chính sách rõ ràng cho hòa bình ở khu vực và nếu muốn biến nó thành hiện thực, ông còn rất nhiều vấn đề cần xử lý, theo Aljazeera.

Việc ông Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel đang thổi bùng căng thẳng. Hàng loạt cuộc biểu tình đã nổ ra trên toàn thế giới phản đối quyết định của ông chủ Nhà Trắng. Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua dự thảo nghị quyết yêu cầu Mỹ thu hồi quyết định song Washington từ chối, thậm chí còn đe dọa sẽ cắt viện trợ những nước ủng hộ nghị quyết. Giới phân tích nhận định nếu chính quyền Trump không có hướng đi cụ thể, tiếp tục để cơn khủng hoảng này kéo dài, vị thế Mỹ trên trường quốc tế chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Mặt khác, hiểm họa từ những tàn dư của phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria cũng là một bài toán mà ông chủ Nhà Trắng cần đưa ra lời giải. Dù Mỹ và Nga tuyên bố đã đẩy lùi hoàn toàn IS khỏi Iraq và Syria, thực tế cho thấy mầm mống chúng vẫn chưa bị tận diệt. Thay vào đó, IS đang dần chuyển sang hoạt động âm thầm, ngấm ngầm tiến hành các cuộc tấn công ở Syria, Iraq và trên toàn thế giới. Một câu hỏi đặt ra lúc này là khi bị suy yếu, liệu IS có quyết định liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda hay không.

"Nếu tình trạng bất ổn vẫn ngự trị ở Iraq, Syria và Libya, IS hay bất kỳ nhóm cực đoan nào khác vẫn còn cơ hội trỗi dậy, lợi dụng những bất ổn chính trị để đạt được sức mạnh", bình luận viên Joe Macaron từ Aljazeera đánh giá.

(Theo: VnExpress)

VŨ HOÀNG