Donald Trump - người phá vỡ chính sách đối ngoại 70 năm của Mỹ
Quốc tế - Ngày đăng : 06:59, 03/01/2018
Hồi tháng 5, khi đến thăm trụ sở mới của NATO, Trump nhìn những tấm sàn lát gạch và những bức tường kính sáng loáng bằng ánh mắt của một nhà bất động sản. "Toàn là kính, một quả bom là xong đời hết", ông nói, theo NYTimes.
Ông đến thăm trụ sở NATO để khánh thành và ca ngợi tòa nhà, nhưng thay vì làm vậy, ông lại mỉa mai nói. "Tôi chưa từng hỏi về chi phí xây dựng trụ sở mới của NATO", Trump nói về tòa nhà trị giá 1,2 tỷ USD trước các nhà lãnh đạo khác. "Tôi từ chối làm điều đó. Nhưng nó rất đẹp".
Gần một năm sau khi nhậm chức, ông Trump vẫn là một nhà lãnh đạo thất thường, khó đoán, nhiều lần chỉ trích các đồng minh mà Mỹ đã thân thiết kể từ Thế chiến II.
Trump đã rút khỏi các hiệp định về thương mại và biến đối khí hậu, lên án thỏa thuận hạt nhân vào năm 2015 với Iran. Ông đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Mỹ ở Trung Đông bằng cách công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Ông còn nhạo báng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ chiến tranh trên bán đảo.
Tổng thống Mỹ tích cực xây dựng quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tránh chỉ trích Tổng thống Nga Putin - lãnh đạo hai nước mà Mỹ coi là những đe dọa địa chính trị lớn nhất.
Trên hết, Trump đã thay đổi cách nhìn của thế giới về Mỹ - từ một đầu tàu đáng tin cậy trở thành một đất nước hướng nội và khó đoán. Đó là một thay đổi lớn đối với vai trò của đất nước trong 70 năm qua và có tác động đến việc các nước khác vạch ra tương lai, theo cây bút Mark Landler của NYTimes.
Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ H. R. McMaster gọi chính sách đối ngoại của Trump là "thực tế thực dụng" chứ không phải là chủ nghĩa cô lập. "Người ta hay có quan niệm rằng lúc nào cũng tốt khi Mỹ can thiệp các vấn đề ở nước ngoài", ông McMaster nói. "Nhưng có những vấn đề khó giải quyết và không đem lại nhiều lợi ích cho người Mỹ, không đáng để đầu tư tiền bạc và công sức".
Quan hệ với lãnh đạo thế giới
Trong khi Trump đã có hơn 130 cuộc gặp và điện đàm với các nhà lãnh đạo nước ngoài kể từ khi nhậm chức, ông vẫn khiến phần còn lại của thế giới bối rối khi làm việc với một tổng thống Mỹ không giống bất kỳ người nào khác. Các nhà lãnh đạo nước ngoài đã thử nghiệm một loạt "kỹ thuật" khi tương tác với ông, từ tích cực lấy lòng cho đến thận trọng, giữ khoảng cách.
"Hầu hết lãnh đạo nước ngoài vẫn đang cố hiểu ông ấy", Richard N. Haass, quan chức ngoại giao hàng đầu thời chính quyền George W. Bush nói. "Đi đâu tôi cũng được yêu cầu 'hãy giúp chúng tôi hiểu Tổng thống này, giúp chúng tôi xử lý tình huống này'".
Mối quan hệ giữa Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel có khởi đầu khó khăn khi ông không bắt tay Merkel trong Phòng Bầu dục (Trump sau này giải thích rằng ông không nghe thấy lời đề nghị của các phóng viên ảnh). Sau đó, ông nói với Merkel rằng Mỹ muốn thương thảo hiệp định thương mại song phương với Đức. Tuy nhiên, Đức là thành viên của EU nên không thể đàm phán thỏa thuận riêng với Mỹ.
Thay vì chỉ ra sự thiếu hiểu biết của Trump, Merkel trả lời một cách khéo léo rằng Mỹ tất nhiên có thể đàm phán một thỏa thuận song phương, nhưng họ sẽ phải làm vậy với Đức và 27 thành viên khác trong liên minh vì Brussels tiến hành các cuộc đàm phán thay mặt cho các thành viên.
Các quan chức Đức thở phào nhẹ nhõm vì Merkel đã không làm ông Trump ngượng hay "lên lớp" ông. Tuy nhiên, một số quan chức Nhà Trắng cho biết họ thấy sự việc này khá bẽ mặt.
Trump có quan hệ tốt hơn với Tổng thống Pháp Macron. Mặc dù bất đồng với Trump về vấn đề thương mại, nhập cư và biến đổi khí hậu, Macron đã sớm tìm ra cách xây dựng quan hệ với Tổng thống Mỹ, đó là mời ông đến dự cuộc duyệt binh.
Tuy nhiên, Macron cũng nhận ra rằng việc làm bạn với ông Trump rất phức tạp. Khi thăm Pháp, Trump nói với Macron rằng ông đang cân nhắc lại quyết định rút khỏi hiệp định khí hậu Paris.
Các nhà ngoại giao Pháp mừng rỡ thực hiện một loạt cuộc gọi tới Nhà Trắng để làm rõ quan điểm. Tuy nhiên, chính sách của Mỹ không thay đổi. Các quan chức Nhà Trắng nói rằng Trump chỉ đơn thuần nhắc lại Mỹ sẵn sàng tái tham gia hiệp định nếu có những điều khoản thuận lợi hơn.
Sự việc này cho thấy các phát ngôn thiếu chi tiết cụ thể của Trump khiến ông dễ bị hiểu nhầm trong các cuộc hội đàm quốc tế phức tạp.
Nhiều lãnh đạo thế giới đã tiếp đón Trump rất trọng thị. Hoàng gia Arab chiếu hình ảnh của ông tại tường bên ngoài một khách sạn. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở lại một nhà hát đã lâu không hoạt động bên trong Tử Cấm Thành để giới thiệu với vợ chồng Trump kinh kịch.
Trong khi đó, ông lại bất hòa với đồng minh lâu năm là Anh. Trump công kích Thủ tướng Anh Theresa May trên Twitter sau khi bà phản đối việc ông chia sẻ dòng tweet mang hàm ý chống Hồi giáo từ một nhóm cực hữu Anh.
Việc này khiến Trump ở một vị trí lạ lùng: được ca ngợi ở Bắc Kinh và Riyadh nhưng gần như không được chào đón ở London, nơi Trump dự kiến đến thăm vào đầu năm tới.
Các phụ tá của Trump nói rằng cách tiếp cận của ông phần nào tạo ra thay đổi tích cực. Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đã thực hiện những thay đổi lớn ở Arab Saudi như mở lại rạp chiếu phim và cho phép phụ nữ lái xe.
Tuy nhiên, các nhà phê bình nhận xét Trump đã cho đi nhiều hơn nhận lại. Bằng cách ủng hộ Mohammed bin Salman, Tổng thống đã củng cố vị thế của Thái tử 32 tuổi. Thái tử đã thực hiện một chiến dịch bắt bớ các tỷ phú và hoàng tử bị cáo buộc tham nhũng và xúc tiến việc can thiệp quân sự trong cuộc nội chiến ở Yemen.
Trump cũng trao lợi thế rất lớn cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu khi ông công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Nhưng Trump không yêu cầu bất cứ điều gì từ Netanyahu để đổi lại điều đó. Tổng thống Mỹ chỉ đơn giản hoàn thành lời hứa với cử tri trong cuộc tranh cử. Điều này cho thấy một đặc điểm nổi bật khác trong chính sách của Trump: đối ngoại bị chi phối bởi đối nội.
Trump thừa nhận việc nhậm chức đã thay đổi ông. "Tôi thích làm việc theo bản năng. Nhưng tôi luôn nghe thấy mọi người nói rằng việc ra quyết định rất khác biệt khi bạn ngồi phía sau bàn làm việc ở Phòng Bầu dục".
Tuy nhiên, một số điều đã không thay đổi. Các cố vấn của Trump vẫn không thể hạn chế thói quen dùng Twitter của ông, dù sở thích đó đôi khi tạo ra nhiều rắc rối. "Tất cả đều biết rằng họ vẫn không thể kiểm soát được tia sét từ trên cao", John D. Negroponte, người từng là giám đốc tình báo quốc gia cho ông Bush, nói.
(Theo VnExpress)