4 kiểu lãnh đạo kiến tạo tương lai

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 08:46, 04/01/2018

Cách tốt nhất để dự đoán tương lai là tạo ra chúng" - Alan Kay, chuyên gia giáo dục và thiết kế máy vi tính.
4 kiểu lãnh đạo kiến tạo tương lai

Nhưng, làm sao có thể tạo ra tương lai trong một thế giới luôn thay đổi? Làm sao để những thương hiệu đã có chỗ đứng vững chắc trên thị trường vừa giữ được giá trị cốt lõi, vừa kết nối được với đa dạng khách hàng? Làm sao các giám đốc điều hành không bị những tri thức và kinh nghiệm đã nỗ lực tích lũy suốt thời gian qua giới hạn cách họ hình dung về tương lai?

Trong nghiên cứu chia sẻ trên Business Havard Review, Bill Taylor - đồng sáng lập trang Fast Company, cho biết có bốn nhóm tích cách lãnh đạo sẽ lấy các câu hỏi trên làm động lực để kiến tạo nên tương lai cho doanh  nghiệp của mình.

1. Nhóm người nhiệt tâm học hành

Một trong những nhiệm vụ của người lãnh đạo là hướng dẫn cho nhân viên trẻ về những kinh nghiệm sống, làm việc mà họ có được trong suốt sự nghiệp của mình. Nhưng, khi đến thời điểm kiến tạo tương lai, hầu hết những lãnh đạo hiệu quả đều trở thành những người khát khao học hỏi. Các lãnh đạo sáng tạo sẽ luôn tự hỏi: "Liệu tôi có đang theo kịp nhịp thay đổi nhanh chóng của thế giới này không?".

Taylor cho biết, Garry Ridge - CEO của WD-40 là người ham học hỏi nhất mà ông từng biết. Rigde là người đã tạo ra những phát kiến lớn và mức độ tăng trưởng vượt bậc cho công ty. Quan trọng hơn, Ridge đã xây dựng được văn hóa ham học hỏi cho WD-40. Nhân viên của công ty Ridge là những người luôn cảm thấy ganh tỵ với những ai biết thêm về những công nghệ hay mô hình kinh doanh mới.

Để thúc đẩy văn hóa học tập phát triển, Ridge đã trao quyền cho một nhóm các giám đốc điều hành và kỹ sư thường xuyên tìm hiểu các kiến thức mới nhất và cập nhật cho toàn bộ nhân viên. Câu hỏi yêu thích của Ridge với các đồng nghiệp của mình, để kiểm tra mức độ yêu thích học hỏi của họ, chính là: "Lần cuối cùng bạn thử làm điều gì đó lần đầu tiên là khi nào?".

Kiên trì học hỏi để theo kịp nhịp thay đổi của thế giới chính là phẩm chất đầu tiên của những lãnh đạo tương lai.

2. Nhóm người luôn sẵn sàng "lột xác" bản thân

Càng làm việc lâu trong một ngành công nghiệp, bạn sẽ càng đạt được nhiều thành tựu. Và càng đạt được nhiều thành tựu, bạn sẽ càng khó nhìn thấy các cơ hội, ý tưởng mới để phát triển trong tương lai. Những lãnh đạo có kinh nghiệm hiểu rằng những gì họ biết sẽ giới hạn trí tưởng tượng của họ. Đó là một vấn đề lớn, bạn không thể tạo ra tương lai nếu cứ bám chặt vào những ý tưởng đã lỗi thời, ngay cả khi ý tưởng đó đã từng thành công trong quá khứ.

Link bài viết

Rosanne Haggerty là một trong những nhà hoạt động xã hội vĩ đại của nước Mỹ. Bà đã từng tạo ra tác động lớn trong cuộc chiến chống lại nạn vô gia cư. Thành tựu lớn nhất và mang tính cách mạng nhất của bà chính là chiến dịch 100.000 Ngôi Nhà. Chiến dịch này đã buộc bà phải thách thức lại tất cả những gì bà từng biết trước đây về lĩnh vực nhân đạo.

"Tôi đã nhận ra rằng để phát triển chúng ta cần "phá hủy" chính mình. Vì niềm kiêu hãnh về quá khứ sẽ trở thành rào chắn để có những ý tưởng mới", Haggerty chia sẻ.

Cải tạo chính mình là điều đặc biệt khó khăn nhưng cần thiết để người lãnh đạo có thể bước tiếp trong tương lai.

3. Nhóm người lạc quan trong mọi hoàn cảnh

Lãnh đạo đòi hỏi sự cân bằng về cảm xúc và lý trí. Cách chúng ta thể hiện bản thân và góc nhìn về cuộc sống sẽ tạo ra cách chúng ta phản ứng với mọi chuyện trong thời điểm hỗn loạn. Tương lai sẽ chỉ được tạo nên từ những người tin vào nó, những người khát khao hoặc tin tưởng mạnh mẽ vào một điều gì đó.

Vernon Hill - CEO của Metro Bank, là người luôn tràn đầy năng lượng và sự tự tin. Mô hình kinh doanh do Vernon tạo ra đang thay đổi cục diện của ngành dịch vụ khét tiếng là tệ hại tại Anh. "Nếu không duy trì nguồn năng lượng của mình, chúng tôi sẽ bị tổn thương bởi những quan điểm chỉ trích bủa vây mỗi ngày", ông cho biết. Đây là lý do Metro Bank tìm kiếm những lãnh đạo có nhiệt huyết với sứ mệnh vào công ty.

Bạn sẽ không thể tạo ra một tương lai tươi sáng cho công ty nếu bạn không cảm thấy phấn khích với niềm tin vào diện mạo của tương lai đó, Taylor nhấn mạnh.

4. Nhóm người khát khao thể nghiệm

Mặt trái của tương lai chính là: dù háo hức tạo ra sự thay đổi đến mức nào thì chúng ta đều phải trải qua chuỗi dài những dự án thất bại, các sản phẩm tệ hại và những sáng kiến đi vào ngõ cụt. Vì vậy, những nhà lãnh đạo tương lai sẽ hỗ trợ rất nhiều ý tưởng cùng lúc để tìm ra số ít ý tưởng thành công trong những thương vụ đầu tư đó.

Nền tảng thành công của Jeff Bezos - CEO Amazon, chính là sự sẵn lòng tôn vinh các ý tưởng thất bại. "Nếu bạn muốn có những bước tiến mới, bạn buộc phải thử nghiệm. Khi đã thử nghiệm thì bạn sẽ không thể biết trước được là các ý tưởng có khả thi thực sự hay không", Jeff chia sẻ. Các nhà lãnh đạo tương lai sẽ hiểu rằng không có thành công nào không từng bước qua thất bại, không có bước tiến nào không trải qua sai lầm.

Các tính cách trên đây chỉ là phần giản lược hóa trong phạm vi nghiên cứu của Bill Taylor. Trên thực tế, khó có ai chỉ thuộc về một nhóm duy nhất trong các tính cách trên. Để thực sự trở thành lãnh đạo của tương lai, điều quan trọng nhất là bạn cần phát triển những tính cách này thành thói quen tư duy cho chính mình trong công việc.

LÂM NGHI