Doanh nghiệp Việt thiệt thòi hơn doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan?

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 06:31, 10/01/2018

Việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính góp phần tăng năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam trong tiến trình hội nhập.
Doanh nghiệp Việt thiệt thòi hơn doanh nghiệp Trung Quốc, Thái Lan?

Vẫn còn nặng thuế, phí

Trong báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết năm 2017, bên cạnh kết quả đạt được, ở lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhiều khoản chi phí đang trở thành gánh nặng đối với doanh nghiệp.

Bộ lấy ví dụ, theo quy định tại Thông tư số 285/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính, mức phí mới về kiểm dịch thú y rất cao và chênh lệch nhiều hơn so với mức phí cũ, ảnh hưởng không ít tới chi phí của doanh nghiệp. Như trong năm 2016, chi phí kiểm tra chuyên ngành của một doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vào khoảng 300 triệu đồng/tháng, nay đã tăng gần 700 triệu đồng/tháng do áp dụng theo mức phí mới này.

Link bài viết

Cũng theo viện dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để nhập khẩu một lô hàng điện lạnh, doanh nghiệp phải thực hiện các loại kiểm tra như kiểm tra tương thích điện từ 16 - 20 triệu đồng/mẫu sản phẩm (không kiểm tra phá hủy), chi phí không chính thức là 4 triệu đồng/tờ kết quả; kiểm tra hiệu suất năng lượng 16 triệu đồng/mẫu sản phẩm; kiểm tra hợp quy và dán tem CR 6 triệu đồng/mẫu sản phẩm và giá trị mẫu sản phẩm bị mất (kiểm tra phá hủy đối với sản phẩm nhập lần đầu)...

Nhìn chung, để hoàn tất thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một model tủ lạnh, doanh nghiệp phải chi khoảng 70 triệu đồng (không bao gồm giá trị mẫu bị phá hủy). Với thực tế này, nếu một lô hàng nhập khẩu chỉ gồm vài cái tủ lạnh thì doanh nghiệp không có lãi, thậm chí lỗ. Song, trên đây chỉ là một trong số những thủ tục kiểm tra chuyên ngành mà doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực khác nhau phải thực hiện.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 mới đây cũng ghi nhận phản ánh của các hiệp hội doanh nghiệp, cộng đồng doanh nghiệp rằng chi phí kinh doanh cơ bản còn ở mức cao, gây khó cho doanh nghiệp.

Thậm chí, chi phí kiểm tra chuyên ngành trong một số lĩnh vực như y tế, nông nghiệp rất cao, chẳng hạn như chi phí cấp chứng chỉ nguồn gốc thủy sản khai thác để xuất khẩu lên đến 700 triệu đồng cho 1.200 chứng chỉ đối với một doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ có quy mô vừa. Đồng thời còn có tình trạng chỉ định cho doanh nghiệp sử dụng cơ sở độc quyền cung cấp dịch vụ kiểm định.

Liên quan đến việc kiểm tra chuyên ngành, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hiện nay có khoảng trên dưới 300 văn bản điều chỉnh lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, gây khó khăn cho việc tuân thủ của doanh nghiệp và cả cán bộ kiểm tra. Còn theo thống kê của cơ quan hải quan, tính đến tháng 4/2017 có 414 văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành.

Nếu tính thêm số văn bản ban hành sau tháng 4/2017 thì số lượng văn bản về quản lý và kiểm tra chuyên ngành là khoảng 430. Tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan vẫn chưa giảm (ở mức 30 - 35%), trong khi mục tiêu Nghị quyết 19/NQ-CP đặt ra là giảm xuống còn 15% năm 2017 (kiến nghị tiếp tục thực hiện hoàn thành vào quý III/2018).

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình trạng chi phí kiểm tra chuyên ngành quá lớn một phần do quy định về phí, lệ phí kiểm dịch, kiểm định, thẩm định... trong 4 Thông tư 230/2016/TT-BTC, 279/2016/TT-BTC, 285/2016/TT-BTC và 286/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Chi phí logistics cao là một rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Chi phí logistics cao là một rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp

Ngoài vấn đề kiểm tra chuyên ngành, chi phí logistics cũng là rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chia sẻ phản ánh của Hiệp hội Logistics, cụ thể là việc vận chuyển một container 40 feet từ Lạng Sơn vào TP.HCM phải qua 29 trạm thu phí, với tổng phí là 4,8 triệu đồng, chưa kể các chi phí không chính thức.

Chi phí về logistics hiện chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp ở Việt Nam (chiếm đến khoảng 20% GDP, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới). Được biết, cả nước hiện có 73 trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ (trong đó có 55 trạm đã đưa vào vận hành), vừa qua, Bộ Giao thông - Vận tải cũng đã rà soát, làm việc với các đơn vị đầu tư để kéo giảm mức thu phí và đã có 35 trạm thực hiện giảm giá.

Liên quan đến vấn đề giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế - TS. Trần Đình Thiên bày tỏ quan điểm, dù đã có nhiều cải cách mạnh mẽ nhưng nhìn chung, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều rào cản, chất lượng thể chế còn không ít hạn chế, trong khi bộ máy viên chức triển khai, thực thi lại quá cồng kềnh.

Cả nước hiện có gần 3 triệu viên chức, công chức đang làm việc và hưởng lương ngân sách trong bộ máy nhà nước, tương đương tỷ lệ 30,5 công chức/1.000 dân. Con số này là quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia (17,64), Philippines (13,02) và Singapore (25,69).

Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), quá trình cải cách thể chế cần phải quyết liệt hơn nữa, vì hiện nay, số giấy phép kinh doanh do các bộ quản lý còn quá nhiều. Cụ thể, Bộ Công Thương đang quản lý 27 ngành (với 1.220 giấy phép), Bộ Y tế 16 ngành (740 giấy phép), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 33 ngành (355 giấy phép), Bộ Tài chính 22 ngành (671 giấy phép)... 

Ước tính, theo khảo sát, 15 bộ và Ngân hàng Nhà nước quản lý tất cả 5.719 giấy phép. 

Vừa đối mặt với nhiều rào cản, vừa phải chịu nhiều khoản phí, lệ phí và chi phí lãi vay cao, rõ ràng doanh nghiệp Việt đang chịu thiệt so với các doanh nghiệp thuộc 2 thị trường hiện có hàng hóa nhập vào Việt Nam nhiều nhất là Trung Quốc và Thái Lan.

Cần rút gọn quy trình

Không chỉ rườm rà về mặt thủ tục, quy trình của nhiều cuộc kiểm tra chuyên ngành chưa thể hiện được tính hội nhập. Chẳng hạn như tại cảng Cái Lân, việc kiểm dịch thực vật được thực hiện bằng cách lấy mẫu theo tàu, kết quả áp dụng cho cả tàu hàng, nhưng phí lại thu theo từng chủ hàng. Điều này là bất hợp lý và không phù hợp với cam kết tại các FTA (phí ở mức tương xứng với dịch vụ đã cung cấp).

Cũng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian thực hiện thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành tuy đã giảm hơn trước nhưng vẫn còn dài, dẫn tới nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể, với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, việc kiểm tra chất lượng tại Cục Chăn nuôi kéo dài tới 14 ngày, tại Tổng cục Thủy sản nhanh nhất là 3 tuần...

Việc kéo dài thời gian kiểm tra, thẩm định thực tế tác động không ít đến chi phí và các cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Ngay như trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản, dù năm 2017, với nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng cho biết đã cắt giảm từ 93 xuống còn 46 thủ tục và thời gian giải quyết giảm 25% so với trước (điển hình như thời gian phê duyệt quy hoạch không quá 15 ngày làm việc, thời gian cấp phép xây dựng giảm từ 7 - 10 ngày, thời gian kiểm tra nghiệm thu giảm 10 - 20 ngày so với trước đây...), nhưng theo ông Nguyễn Văn Đực - Phó giám đốc Công ty Đất Lành, để giảm thiểu thời gian, chi phí cho doanh nghiệp trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, việc cải cách càng phải quyết liệt hơn nữa, mạnh tay phân cấp cho các địa phương triển khai thực hiện, vì trong ngành bất động sản, từ khâu đền bù, thẩm định giá tính tiền sử dụng đất, giao đất, phê duyệt thiết kế, cấp phép xây dựng cho dự án cũng mất ngót nghét vài năm, thậm chí là chục năm với những dự án lớn.

NGUYÊN BẢO