Những rủi ro địa - chính trị trong năm 2018

Quốc tế - Ngày đăng : 09:00, 11/01/2018

Các nguy cơ địa - chính trị trong năm 2018 có thể làm rung chuyển nền kinh tế và thị trường toàn cầu.
Những rủi ro địa - chính trị trong năm 2018

Năm 2018 được dự báo sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro địa - chính trị Ảnh: CNBC

Đó là nhận định của công ty tư vấn rủi ro chính trị lớn nhất thế giới - Eurasia Group.

Đại diện của Eurasia Group nói: "Trong suốt 20 năm từ khi thành lập Công ty, chúng tôi đã chứng kiến nhiều sự thăng trầm của thế giới. Song, nếu phải chọn ra một năm tiềm ẩn nguy cơ khủng hoảng bất ngờ, thì đó rất có thể sẽ là 2018, khi mà tình hình địa - chính trị khá giống với cuộc khủng hoảng tài chính diễn ra năm 2008". Dưới đây là một số rủi ro được Eurasia Group liệt kê.

Trung Quốc sẽ lấp khoảng trống Mỹ để lại

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đang theo đuổi chính sách đối ngoại khác hẳn so với chính quyền tiền nhiệm. Với chủ trương "Hoa Kỳ trên hết" (America First), Mỹ rút khỏi một số hiệp định tự do thương mại đa phương.

Thiếu vai trò của Mỹ, Trung Quốc sẽ dễ hơn trong việc thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế về thương mại, đầu tư và phát triển công nghệ. Điều này ít nhiều sẽ buộc các doanh nghiệp phải thích nghi với một bộ quy tắc mới và có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với những cường quốc thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Tính toán sai lầm sẽ châm ngòi xung đột

Link bài viết

Tình hình thế giới đang trở nên nguy hiểm hơn vì thiếu quyền lực đủ mạnh để đảm bảo an toàn và ổn định. Thêm vào đó là phong trào đòi ly khai đang trỗi dậy ở một số nước, gây ra bất ổn. Dù khủng bố và tấn công mạng được xem như hai vấn đề nổi cộm, song không thể không đề cập đến những xung đột có thể xuất phát từ tính toán sai lầm. Trong đó, có thể kể đến việc Triều Tiên tiếp tục phóng tên lửa trong khu vực gồm toàn đồng minh của Mỹ, hay việc Mỹ và Nga hậu thuẫn cho hai thế lực đối đầu tại Syria.

Chiến tranh lạnh trong công nghệ

Với mục tiêu trở thành cường quốc số 1 về công nghệ, cả Trung Quốc lẫn Mỹ đang hối hả chạy đua trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, phát triển siêu máy tính. Trên mặt trận công nghệ, cả hai đều mong muốn chiếm thế thượng phong thông qua việc cung cấp cơ sở hạ tầng dân dụng, hàng tiêu dùng và thiết bị an ninh cho những nước khác.

Điều này có thể gây ra một cuộc chiến tranh lạnh về công nghệ, trong đó Trung Quốc và các nước nằm dưới tầm ảnh hưởng của họ sẽ tìm cách kiểm soát dòng chảy thông tin, còn Mỹ thì cảnh giác với nguồn đầu tư nước ngoài vào các công ty công nghệ ở nước mình.

Quan hệ Mỹ - Iran đổ vỡ

Chính quyền của Tổng thống Trump đã tuyên bố một chiến lược có phần cứng rắn hơn để kiềm chế chương trình hạt nhân của Iran cũng như mối quan hệ của nước này trên trường quốc tế. Điều này có thể dẫn đến sự đổ vỡ thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký kết năm 2015. Mỹ cũng có thể "bật đèn xanh" cho Ả Rập Xê Út - vốn có phần dè chừng, thực hiện nhiều hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Thêm trở ngại để hoàn tất Brexit

Nước Anh đang tiến gần đến các vòng đàm phán khó khăn hơn để hoàn tất quá trình tách khỏi Liên minh Châu Âu. Một số trở ngại có thể kể đến là việc thiết lập biên giới Bắc Ireland và khoản thanh toán cho việc Anh rời EU. Thủ tướng Theresa May cần phải làm rõ những mục tiêu của nước Anh nếu muốn đạt được thỏa thuận với châu Âu. Tuy nhiên, sự lãnh đạo của bà May có thể gặp thách thức của các phe nhóm cạnh tranh với những ưu tiên trái ngược.

Châu Phi bất ổn

Nhiều quốc gia có tình hình tương đối ổn định tại châu Phi như Bờ Biển Ngà, Nigeria, Kenya hay Ethiopia dễ bị ảnh hưởng bởi các quốc gia có tình trạng an ninh kém. Một vài nước có thể sẽ phải chứng kiến sự thất thoát đầu tư nước ngoài nếu như tình trạng bạo lực tiếp tục leo thang.

(Nguồn: CNBC)

KHỞI VŨ