Tín hiệu mới cho xuất khẩu hoa ở Đà Lạt
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:41, 16/01/2018
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng, sản lượng hoa Đà Lạt hiện đạt khoảng 2,4 tỷ cành/năm. Phần lớn trong số đó được trồng trong nhà kính mang lại doanh thu trung bình hàng trăm triệu đồng/ha/năm, nhiều mô hình cho thu nhập cao từ 2-5 tỷ đồng/ha/năm.
Đạt thu nhập cao nhất thường là những nhà trồng hoa phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên thị trường nước ngoài luôn đưa ra các tiêu chuẩn cao về chất lượng hoa… trong khi tâm lý chung của đa số nông dân vẫn ngại việc không đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt đó nên còn e dè trong việc liên kết.
Số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng cho thấy hoa Đà Lạt xuất khẩu trực tiếp ra thị trường quốc tế hiện mới đạt khoảng 5% tổng sản lượng. Ông Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt cho biết hiện người trồng hoa Đà Lạt còn gặp nhiều trở ngại về vốn đầu tư cũng như thị trường tiêu thụ. Để đầu tư 1.000m2 nhà kính theo đúng nghĩa công nghệ cao thì phải mất 3 - 4 tỷ đồng, giá trị đầu tư trên đất cao, khó thế chấp để vay vốn.
Bên cạnh đó, khó khăn trong đóng gói, bảo quản, khiến hao hụt sản phẩm cao. Tính chất nhỏ lẻ, manh mún từng nông hộ nên không đủ khả năng đáp ứng được những hợp đồng xuất khẩu với những yêu cầu nghiêm ngặt về số lượng và chất lượng.
Sự ổn định của thị trường xuất khẩu là yếu tố đảm bảo cho nghề trồng hoa ở Đà Lạt phát triển |
Ngoài những khó khăn trên, các nhà trồng hoa còn gặp nhiều hạn chế trong việc nhập khẩu các giống hoa được nước ngoài ưa chuộng. Cho đến nay, giống hoa mới của Đà Lạt chủ yếu được nhập về từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Thế nhưng việc nhập khẩu giống cây trồng vào Việt Nam vẫn chưa được thuận lợi, khó khăn lớn nhất nằm ở cơ chế kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu.
Vừa qua, Hiệp hội hoa Đà Lạt đã đề xuất và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chấp thuận cho ký kết với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật để nhập khẩu những giống hoa mới có bản quyền, như: hoa hạnh phúc, lilys, hoa hồng, địa lan, lan hồ điệp, dâu tây…
Theo đại diện Công ty Dalat Hasfarm, muốn xuất khẩu hoa một cách bài bản phải có giấy phép bản quyền. Phần lớn hoa sản xuất tại Việt Nam không vào được thị trường các nước do “tắc” ở khâu này. Chi phí để mua hẳn bản quyền giống hoa rất đắt, nằm ngoài khả năng của đa số doanh nghiệp, do đó nên chọn phương án mua bản quyền có thời hạn từ 15 - 20 năm.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu khoảng 20% sản lượng hoa ra thị trường thế giới vào năm 2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết sẽ tập trung hỗ trợ nông dân tiếp cận giống hoa mới, giống có bản quyền từ nước ngoài thông qua các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó là tăng cường sự liên kết giữa nông dân với hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc một đơn vị đứng ra làm đầu mối để ký kết thực hiện các đơn hàng lớn.