Hành trang khởi nghiệp không chỉ cho người trẻ

Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 06:30, 17/01/2018

Vài năm gần đây, "khởi nghiệp" là chủ đề chính của các cuộc bàn luận trong cộng đồng kinh doanh Việt Nam. Điều này cho thấy khởi nghiệp đã, đang và sẽ là xu hướng thịnh hành, là định hướng tương lai của không chỉ người trẻ mà còn là của quốc gia trong chiến lược tự lực tự cường, chấn hưng nền kinh tế của đất nước.
Hành trang khởi nghiệp không chỉ cho người trẻ

Ngay ở những phiên họp đầu tiên kể từ khi Chính phủ nhiệm kỳ mới được thành lập vào tháng 5/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh thông điệp và mục tiêu về một quốc gia khởi nghiệp. Từ thời điểm đó, Chính phủ đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp cụ thể để tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo thành công.

Các chính sách, thể chế đang được hoàn thiện dần để doanh nghiệp khởi nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng và có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất. Tiêu biểu là việc loại bỏ Điều 292 khỏi Dự thảo Bộ luật Hình sự năm 2015 do điều luật này gây khó khăn cho cộng đồng khởi nghiệp trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số.

Có thể nói, năm 2016, Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc kiến tạo môi trường cho khởi nghiệp phát triển. Nếu như năm 2015, các nhà đầu tư còn tỏ ra e ngại trong các hoạt động đầu tư, thì sang năm 2016 thời cuộc đã khác. Nhà đầu tư đã chủ động hơn, hồ sơ của các dự án khởi nghiệp cũng được cải thiện tốt dần lên so với các nước trong khu vực.

Do đó, Việt Nam đã trở thành điểm sáng để các nhà đầu tư tiềm năng nước ngoài tìm đến. Các mô hình thành công trong năm 2016 như Up Co-working space, DesignBold, Ticketbox, Monkey Junior, Gotit, Money love... khiến thị trường khởi nghiệp trở nên sôi động và hấp dẫn, thu hút những người có trí tuệ và óc sáng tạo.

Link bài viết

Tính đến tháng 12/2017, Việt Nam đã có hàng triệu doanh nghiệp được thành lập. Tuy nhiên, hiện chỉ có khoảng trên 650.000 doanh nghiệp đang hoạt động và còn rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân xuất phát từ nhiều phía.

Báo cáo về Chỉ số Khởi nghiệp Việt Nam giai đoạn 2015 - 2016 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chỉ ra nhiều điểm yếu kém trong cạnh tranh của doanh nghiệp Việt đối với các điều kiện kinh doanh như sự năng động của thị trường nội địa, văn hóa và chuẩn mực xã hội, chính sách của Chính phủ, chuyển giao công nghệ...

Với thang điểm 10 thì các điều kiện kinh doanh nêu trên của doanh nghiệp Việt chỉ được chấm từ 1 - 4 điểm, xếp ở vị trí áp chót của bảng xếp hạng các quốc gia được khảo sát. Đã vậy, môi trường sinh thái cho khởi nghiệp vẫn chưa thực sự trong lành, cho dù Chính phủ đã rất nỗ lực cải thiện. Đặc biệt, tình trạng "giấy phép con" vẫn đang bủa vây doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) trình Chính phủ tại phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật ngày 22/8/2017, hiện có 8 nhóm yêu cầu, điều kiện kinh doanh, gồm: (1) Phải được tổ chức dưới hình thức pháp lý nhất định, (2) Yêu cầu về nhân lực, lao động, (3) Yêu cầu về năng lực sản xuất, (4) Yêu cầu về cách thức bố trí tổ chức sản xuất, nhà xưởng, (5) Yêu cầu về năng lực tài chính tối thiểu, (6) Yêu cầu phù hợp với quy hoạch, (7) Phải được đào tạo, tập huấn do cơ quan nhà nước tổ chức, (8) Phải được chấp thuận của cơ quan nhà nước để được kinh doanh.

Theo Bộ KH&ĐT, các quy định hiện hành đã ngày càng rõ ràng, minh bạch hơn về tiêu chí đánh giá sự cần thiết và hợp lý khi ban hành điều kiện, công bố các ngành nghề có điều kiện và điều kiện của từng ngành nghề, quy định chặt chẽ về thẩm quyền ban hành điều kiện, trách nhiệm của các bộ, cơ quan rà soát, đánh giá tác động và lấy ý kiến của Bộ KH&ĐT khi ban hành các điều kiện đầu tư, kinh doanh.

Cơ quan này đã đề xuất bỏ nhiều yêu cầu, điều kiện về kinh doanh được cho là những "giấy phép con" cản trở doanh nghiệp lâu nay. Ngoài ra, Bộ này cũng kiến nghị bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần các điều kiện kinh doanh khác liên quan đến vấn đề nhân lực (trừ một số nghề đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm như nghề y, nghề kiểm toán) và một số điều kiện có nội dung không phù hợp khác. Bộ đề xuất việc xây dựng các điều kiện kinh doanh phải trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn và tham khảo tiêu chuẩn, thông lệ tốt của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Nhiều bạn trẻ đã chọn cách đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp Ảnh: Q.H

Nhiều bạn trẻ chọn cách đi làm thuê để tích lũy kinh nghiệm trước khi khởi nghiệp. Ảnh: Q.H

Việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn chưa thực chất, chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế, trong khi các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đang trong tình trạng vô cùng khó khăn. Theo báo cáo năm 2017 của Ngân hàng Thế giới, chi phí kinh doanh ở Việt Nam về cơ bản ở mức cao so với các nước trong cùng khu vực như Malaysia, Indonesia, Singapore... Chi phí về vận tải và logistics hiện vẫn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu chi phí kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.

Chi phí vốn (trả lãi vay ngân hàng) cũng rất cao so với khu vực và thế giới. Ngân hàng Đài Loan cho doanh nghiệp vay với lãi suất chỉ 2%/năm, ngân hàng Nhật Bản xoay quanh 1%/năm, trong khi ngân hàng Việt Nam xoay quanh 9%/năm. Đã vậy, doanh nghiệp Việt Nam có nguồn vốn yếu, nguồn nhân lực chất lượng cao còn cần phải đào tạo, bổ sung, phần lớn doanh nghiệp hoạt động còn chưa theo kịp thông lệ, chuẩn mực quản trị doanh nghiệp quốc tế...

Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng đang trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả. Như vậy, câu hỏi đặt ra là: khởi nghiệp tại Việt Nam có khó không, cần phải chuẩn bị gì cho doanh nghiệp khởi nghiệp?

Và quan trọng nhất, để khởi nghiệp thành công, phải bắt đầu từ đâu? Những câu hỏi trên không mới, bởi để khởi nghiệp thành công không hề dễ dàng, mà rất cần nhiều kỹ năng, kinh nghiệm bên cạnh sự đam mê, nhiệt huyết và mong muốn "làm giàu".

Khi trao đổi với sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM tại chương trình giao lưu "Hội nhập và lập nghiệp - những trăn trở", bà Vũ Kim Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp TP.HCM đã thẳng thắn chỉ rõ: "Khi được hỏi đến vấn đề sự nghiệp, đa số thanh niên Việt Nam đều trả lời "muốn làm giám đốc", nhưng khi được hỏi về những kỹ năng, kiến thức cần có để trở thành lãnh đạo thì họ đều có nhận thức rất mơ hồ”.

Ở thời đại thông tin và kiến thức không bị giới hạn như hiện nay, bí quyết để thành công dành cho người khởi nghiệp là phải liên tục đặt câu hỏi. Ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch HĐQT Trí Tri Group cho rằng, năng suất lao động và "năng suất" của nền kinh tế Việt Nam phải được gia tăng bằng trí tuệ và lực sáng tạo chứ không phải chỉ đơn giản là tăng thời gian làm việc.

Theo ông Chiến, người muốn lập nghiệp phải biết quan tâm và tích cực suy nghĩ để biết được người khác đang cần gì, sau đó mang đến cho họ điều họ cần. Chỉ có như vậy, vị trí cạnh tranh của Việt Nam trên bản đồ thế giới mới được cải thiện.

Một yếu tố quan trọng nữa không thể không nhắc đến khi muốn khởi nghiệp, lập nghiệp thành công là ý chí và quyết tâm theo đuổi đến cùng ý tưởng của mình, chứ không phải là chuyện tuổi tác. Có rất nhiều nhân vật điển hình thành công khi tuổi đã cao, chứ không phải khởi nghiệp chỉ dành cho giới trẻ. Điều không thể thiếu trong khởi nghiệp là "đừng bao giờ thiếu tinh thần doanh nhân".

(*) Tác giả là Ủy viên Ban chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

CEO ĐẶNG ĐỨC THÀNH*