Yếu tố quyết định lãi suất cho vay có thể giảm thêm trong 2018
Tài chính - Ngân hàng - Ngày đăng : 03:37, 17/01/2018
Ảnh: QH |
Ngày 9/1, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu ngành ngân hàng tính toán giảm thêm lãi suất cho phù hợp và lần này là giảm đồng loạt chứ không chỉ ở một vài ngân hàng.
Giảm lãi suất cho vay
Đáp ứng yêu cầu kể trên, hôm 12/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm 0,25% lãi suất cho vay trên thị trường mở xuống 4,75% sau nhiều năm duy trì ở mức 5%. Như vậy, sau khi giảm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, cho vay qua đêm thanh toán bù trừ liên ngân hàng thì NHNN đã quyết định giảm nhẹ lãi suất cho vay trên thị trường mở (OMO).
Vào cuối tuần qua, nhóm 4 ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước là Agribank, Vietcombank, Vietinbank và BIDV đã công bố giảm lãi suất cho vay theo định hướng của nhà điều hành. Cụ thể, lãi suất cho vay dành cho các doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên là phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp cao sẽ giảm từ mức 6,5% như hiện tại xuống còn 6%.
Ở nhóm NHTM cổ phần thì VPbank cho biết sẵn sàng giảm lãi suất 0,5 - 1% cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt trong các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên.
Như vậy, chỉ trong vòng 6 tháng, ngành ngân hàng đã có 2 đợt giảm lãi suất cho vay dành cho nhóm doanh nghiệp thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên. Trước đó vào tháng 7/2017, một đợt giảm lãi suất từ 7% xuống 6,5% cũng đã được thực hiện theo quyết định của NHNN.
Yếu tố quyết định lãi suất có thể giảm thêm trong năm 2018
Cho đến thời điểm này chỉ mới có một số ngân hàng công bố giảm lãi suất như trên, trong khi mong muốn của nhà điều hành là giảm đồng loạt. Vì vậy, khả năng sắp tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất theo định hướng, nhất là khi việc giảm lãi suất OMO được xem là một giải pháp.
Tuy nhiên, điều cần lưu ý là việc giảm lãi suất trong thời gian qua chỉ xảy ra đối với nhóm thuộc lĩnh vực ưu tiên, trong khi các nhóm khách hàng khác vẫn chịu mức lãi suất cao, dù chi phí huy động vốn đầu vào của các ngân hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước đây. Lãi suất đầu ra của các ngân hàng được xác định chủ yếu dựa trên chi phí vốn đầu vào, chi phí vận hành, rủi ro của đối tượng vay và biên độ sinh lời mong muốn.
Chi phí vốn của các ngân hàng đã giảm, chi phí vận hành được kiểm soát tốt hơn, rủi ro của khách hàng giảm trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, yếu tố neo lãi suất ở mức cao là do vấn đề nợ xấu.
Chi phí vốn của các ngân hàng đã giảm, chi phí vận hành được kiểm soát tốt hơn, rủi ro của khách hàng giảm trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ổn định.
Tuy nhiên, yếu tố neo lãi suất ở mức cao là do vấn đề nợ xấu, khi các ngân hàng buộc phải giữ lãi suất cho vay ở mức cao đề bù đắp những khoản thiệt hại và "tài sản chết" nằm ở các khoản nợ xấu. Vì vậy, việc xử lý nợ xấu tốt là điều kiện tiên quyết để giảm thêm lãi suất cho vay trong thời gian tới, vì với bối cảnh hiện nay thì lãi suất huy động vốn của các ngân hàng khó có thể giảm thêm.
Những số liệu thống kê gần đây cho thấy tiến độ xử lý nợ xấu ngày càng khả quan hơn. Cụ thể, tính từ năm 2012 đến hết tháng 11/2017, toàn hệ thống đã xử lý được 705.300 tỷ đồng nợ xấu, trong đó nợ xấu do các tổ chức tín dụng tự xử lý là 407.700 tỷ đồng, còn lại là bán nợ.
Nợ xấu cũng đã giảm khá mạnh trong năm 2017, cụ thể theo báo cáo của NHNN, tổng các khoản nợ xấu nội bảng được xử lý trong 11 tháng năm 2017 ước đạt 937.000 tỷ đồng, phần lớn do khách hàng trả nợ và các tổ chức tín dụng sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý.
Đáng chú ý là từ sau khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành đã giúp đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Cụ thể, từ 15/8 - 30/9/2017, tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý khoảng 14.300 tỷ đồng.
Còn nếu tính đến 31/12/2017 thì toàn hệ thống đã xử lý được trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu xác định theo nghị quyết trên. Hàng loạt ngân hàng gần đây đã công bố kết quả xử lý nợ xấu đầy tích cực trong năm vừa qua, thậm chí có ngân hàng xử lý được hàng chục nghìn tỷ đồng.
Nhờ vậy, đến cuối tháng 11/2017, ước tính tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống giảm còn 2,3%, tỷ lệ nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu dù còn khá cao giảm còn 7,91% từ mức 10,08% vào cuối năm 2016. Với kết quả khả quan như trên đã tạo tiền đề để các tổ chức tín dụng tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong năm 2018, nhất là khi nhiều ngân hàng đã chủ động thu giữ các tài sản đảm bảo, từ đó kỳ vọng sẽ sớm giải phóng lượng lớn tài sản bị mắc kẹt, hoàn nhập dự phòng, tăng lợi nhuận và tiến đến có cơ hội giảm thêm lãi suất.
Các đợt thoái vốn với lãi cao trong tình hình thị trường chứng khoán đang tăng mạnh cũng giúp các ngân hàng đạt kết quả kinh doanh tốt và có điều kiện giảm thêm lãi suất cho vay. Vietcombank dự kiến sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi Eximbank và Ngân hàng Quân đội, Eximbank và Lienvietpostbank cũng sẽ thoái vốn khỏi Sacombank. Với giá cổ phiếu ngân hàng tăng rất mạnh thời gian qua thì lợi nhuận từ thoái vốn là đáng kể.