Opera Mông Cổ chinh phục thế giới
Đời thường - Ngày đăng : 06:15, 26/01/2018
Nghệ nhân hát đồng song thanh Batzorig Vaanchig |
Mùa hè năm ngoái, một đoạn video từ cuộc thi BBC Cardiff Singer of the world được lan truyền ở Ulaanbaatar - thủ đô của Mông Cổ. Nó cho thấy giảng viên thanh nhạc hàng đầu của Anh là Mary King đã rơi nước mắt trong đêm chung kết. Chính nghệ sĩ baritone Ariunbaatar Ganbaatar đến từ Mông Cổ là người làm bà khóc. Chàng trai 29 tuổi đã hát Rossini, Verdi, Tchaikovsky... và làm say đắm mọi người, bao gồm cả các giám khảo đã tuyên bố anh thắng giải Song prize.
Trên thực tế, Ariunbaatar không có nền tảng học thuật cần cho thí sinh trong những cuộc thi opera uy tín nhất thế giới. Anh lớn lên theo phong cách Mông Cổ truyền thống, sống trong lều với gia đình du mục của mình, chăn gia súc trên thảo nguyên, cưỡi ngựa khoảng 60 dặm (khoảng 96km) mỗi ngày và luôn thích ca hát.
Ariunbaatar từng đậu vào Đại học Ulaanbaatar nhưng phải bỏ học sau 2 năm vì không đủ khả năng đóng học phí, rồi trở thành tài xế taxi. Sau lần trò chuyện với một vị khách từng là cảnh sát trưởng, Ariunbaatar tham gia đội cảnh sát giao thông của Ulaanbaatar, quay trở lại Đại học Văn hóa và Nghệ thuật Mông Cổ, từ năm 2014 đã tới biểu diễn tại các nhà hát lớn của Nga và châu Âu.
Chiến thắng của Ariunbaatar Ganbaatar tại BBC Cardiff Singer of the world 2017 đã khiến Kate Molleson - phóng viên của The Guardian tò mò và đầu năm nay anh đến Mông Cổ để tìm hiểu xem tại sao opera ở đây lại có sức cuốn hút đến thế. Bởi chiến thắng của Ariunbaatar không phải do ăn may, vì trước đó, vào năm 2015, anh đã giành giải nhất hạng mục Nam ca sĩ và giải Grand Prix của cuộc thi Tchaikovsky tổ chức tại Nga.
Ngoài ra còn có Amartuvshin Enkhbat từng nhận được giải nhì tại cuộc thi Tchaikovsky năm 2011, giải nhất tại cuộc thi Operalia ở Trung Quốc năm 2012, giải Dame Joan Sutherland Audience tại BBC Cardiff Singer of the world 2015. Và ở BBC Cardiff Singer of the world 2017 còn có sự đóng góp ấn tượng của tenor Batjargal Bayarsaikhan...
Mông Cổ giành độc lập từ nhà Thanh (Trung Quốc) vào năm 1921. Được sự giúp đỡ của Liên Xô, các ca sĩ truyền thống của Mông Cổ đã được gửi đến Nga, Đông Đức (nay thuộc CHLB Đức) và Ba Lan để học hát opera. Nhà hát Opera và Bale Quốc gia Mông Cổ là tòa nhà tân cổ điển sơn màu hồng đào, nằm trên quảng trường chính của thủ đô Ulaanbaatar, được khai trương vào năm 1963 với vở opera Eugene Onegin của Nga.
Từ trái qua là các nghệ sĩ opera Amartuvshin Enkhbat, Ariunbaatar Ganbaatar và Batjargal Bayarsaikhan |
Ngày nay, Nhà hát có 285 nhân viên và tổ chức hơn 100 buổi biểu diễn mỗi năm. Vở opera quốc dân của Mông Cổ có tên Three Dramatic Characters, do B. Damdinsuren dàn dựng và đã được công diễn tới 2.022 lần. Tại sao opera lại được ưa chuộng ở Mông Cổ? "Đối với một quốc gia nhỏ, để thu hút sự chú ý của thế giới thì cần quảng bá bản sắc thông qua văn hóa", Tuya Shagdar - nhà nhân chủng học trẻ tuổi ở Ulaanbaatar giải thích.
Nên biết từ hàng thế kỷ trước, người Mông Cổ đã lưu truyền nghệ thuật hát hầu họng (throat singing) hay hát đồng song thanh - một kiểu hát ngân dài trong cổ họng giống như opera, có thể tạo ra nhiều âm thanh cùng một lúc. Throat singing của người Mông Cổ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới vào năm 2009. Đây là nghệ thuật hát với âm giọng đặc biệt, được tạo ra bởi sự kết hợp giữa lưỡi, răng, vòm miệng và thanh quản.
Nói đơn giản thì kiểu hát này không cần sự hỗ trợ của các loại nhạc cụ, các hình thái âm sắc của nó được tạo ra bởi chính con người. Phóng viên Kate Molleson đã gặp Batzorig Vaanchig - một nghệ nhân hát đồng song thanh có thể tạo ra những âm điệu thật đáng kinh ngạc. Anh đã làm cho giọng của mình có lúc giống như gió, sau đó là tuyết, rồi như cánh chim đại bàng cắt ngang qua không khí.
Để tìm hiểu kỹ hơn về hát đồng song thanh ở Mông Cổ, phóng viên Kate Molleson đã vượt qua hơn 1.600km từ Ulaanbaatar băng qua sa mạc Gobi đến Chandmani - một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Hovd hẻo lánh.
Tại đây, trong bữa tiệc với rượu vodka, sữa ngựa, phô mai dê..., hàng chục ca sĩ nghiệp dư đã biểu diễn cách hát đồng song thanh với nhiều âm sắc khác nhau. Trong tất cả các bài hát của họ, người nghe có thể hình dung được sự kết nối văn hóa truyền thống với phong cảnh, địa lý của đất nước Mông Cổ.
Nếu ai đó không tin nơi ta sinh ra xác định những âm thanh ta có thể hoặc có quyền thực hiện, thì đến Mông Cổ sẽ phải công nhận điều ấy hoàn toàn đúng, khi cuộc sống, khí hậu, thổ nhưỡng... đã mang đến âm sắc quyến rũ một cách đặc biệt trong chất giọng của Ariunbaatar và các nghệ sĩ khác. Hay nói như nhà nghiên cứu âm nhạc Khatuchuluun Buyandelger thì tầm vóc con người, cảnh quan thiên nhiên, thực phẩm ngon lành, không khí sạch sẽ và cả những câu chuyện lịch sử đã làm nên chất opera của người Mông Cổ.
Giờ đây, các chiến thắng ở đấu trường quốc tế đã khiến Ariunbaatar Ganbaatar trở thành người rất nổi tiếng ở quê nhà. Các chính trị gia hy vọng sự nghiệp của anh sẽ đảm bảo vị thế của Mông Cổ trên bản đồ opera toàn cầu. Nhưng Ariunbaatar cho biết, anh không muốn rời khỏi Mông Cổ.
Hiện nay, gia đình anh vẫn sống du mục trên thảo nguyên, vẫn chăn đàn gia súc từ trên lưng ngựa, vẫn liên tục đóng gói lều để di chuyển đến các đồng cỏ mới. "Sống cùng với gia đình trên đất quê hương giúp tôi có cảm hứng mạnh mẽ để hát", Ariunbaatar chia sẻ.
(Nguồn: The Guardian)