Ô tô Việt: Giấc mơ giá thấp chưa hiện thực

Công nghệ - Ngày đăng : 06:42, 27/01/2018

Một loạt chính sách được triển khai từ đầu năm như thuế nhập khẩu ô tô khu vực ASEAN về 0%, thuế linh kiện xuống 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi liệu có giúp thị trường ô tô bùng nổ trong năm 2018?
Ô tô Việt: Giấc mơ giá thấp chưa hiện thực
MG-6220-1700-1516089173.jpg

Ưu đãi từ chính sách thuế

Bắt đầu từ ngày 1/1/2018, thuế suất nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ khu vực ASEAN đã về mức 0%, thuế nhập khẩu linh kiện cũng về mức 0%. Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi (có hiệu lực từ ngày 1/1/2018) cũng tác động đến thị trường ô tô.

Theo đó, sắc thuế này sẽ giảm 5% đối với dòng xe cỡ nhỏ có dung tích xylanh 2.000cc trở xuống và các mẫu xe du lịch dưới 9 chỗ. Cụ thể, thuế tiêu thụ đặc biệt của các mẫu xe có dung tích xylanh từ 1.500- 2.000cc giảm từ 45% còn 40%, các mẫu xe có dung tích xylanh từ 1.500cc trở xuống mức thuế tiêu thụ đặc biệt giảm từ 40% xuống 35%.

Với những ưu đãi đó, người tiêu dùng kỳ vọng sẽ được mua xe giá thấp hơn. Và không chỉ có người tiêu dùng mà cả nhà kinh doanh cũng trông chờ vào thời điểm sau ngày 1/1/2018. Chính vì vậy mà vào những tháng cuối năm 2017, nhiều xe nhập từ khu vực ASEAN đã được các doanh nghiệp đưa về Việt Nam.

Mercedes-8139-1516089173.jpg

Trong xu hướng ấy, cuối năm 2017, Công ty Honda Việt Nam đã nhập về 750 xe CR-V phiên bản thứ 5 - phiên bản mới nhất của mẫu xe này. Đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết, mặc dù lô xe này vẫn chịu mức thuế nhập khẩu dành cho xe nguyên chiếc là 30% nhưng Công ty đã đưa ra mức giá bán lẻ phù hợp cho người tiêu dùng.

Cụ thể, mẫu xe CR-V phiên bản L giá 1,256 tỷ đồng, phiên bản E giá 1,136 tỷ đồng. Thời gian bán xe cho khách hàng từ ngày 16/1 thông qua các nhà phân phối Honda ô tô ở các tỉnh, thành. Các nhà phân phối sẽ chủ động liên hệ và ưu tiên giao xe cho khách hàng đã đặt hàng trước và muốn nhận xe sớm với mức giá bán lẻ Công ty đưa ra.

Link bài viết

Theo các nhà kinh doanh, thuế nhập khẩu khu vực ASEAN về 0% thì xe nhập từ Thái Lan, Indonesia sẽ hưởng lợi nhiều nhất vì nhiều mẫu xe ở đây đáp ứng tỷ lệ nội khối trên 40%. "Thuế nhập khẩu sẽ tác động đến giá xe chung của thị trường khiến các hãng xe phải giảm giá theo.

Khi thuế nhập khẩu về 0%, giá trị chiếc xe nhập khẩu có thể sẽ giảm từ 0 - 20% tùy loại. Và dù không được giảm nhiều nhưng chắc chắn người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ chính sách này. Do đó, dự báo doanh số bán ô tô từ đầu năm 2018 sẽ bùng nổ sau một thời gian dài chững lại" - lãnh đạo một doanh nghiệp ô tô nhận định.

NQH-4373-7151-1516089173.jpg

Người tiêu dùng vẫn mua xe giá cao

Lý thuyết là vậy nhưng trên thực tế, người tiêu dùng vẫn phải mua ô tô với giá khá cao. Theo đại diện Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), một ô tô trước khi lăn bánh phải chịu 3 loại thuế và 5 loại phí, như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, phí đăng kiểm, phí bảo hiểm...

Các loại thuế, phí này chiếm đến hơn 40% giá trị xe. Hơn nữa, theo ông Trần Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco), cách đánh thuế của Việt Nam là thuế chồng thuế. Tức là xe nhập về sẽ áp thuế nhập khẩu. Tiếp đó, xe sẽ bị tính thuế tiêu thụ đặc biệt dựa trên giá xe nhập cộng thuế nhập khẩu. Thuế VAT được tính trên giá bán xe cộng thêm hai loại thuế trên.

Theo báo cáo nghiên cứu của Công ty Tư vấn chiến lược và tiếp thị Solidiance công bố hồi tháng 6/2017, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ sở hữu xe ô tô khá thấp trong khu vực. Cứ 1.000 người Việt Nam mới có 16 người có ô tô, trong khi tỷ lệ này ở Malaysia là 341 xe/1.000 dân, ở Thái Lan 196 xe/1.000 dân, Indonesia 55 xe/1.000 dân.

thi-truong-o-to-2-3460-1516089173.jpg

Lâu nay, người tiêu dùng đang phải chịu một nghịch lý về giá xe, đó là mua một ô tô ở Việt Nam bằng mua ba chiếc ở các nước trong khu vực. Cũng theo báo cáo này, có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ sở hữu ô tô của Việt Nam thấp. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do giá xe cao hơn so với các quốc gia khác trong khu vực.

Điều này là do Việt Nam áp mức thuế và phí cao để bảo vệ ngành ô tô nội địa; cũng có nghĩa "truyền thống hạn chế ô tô vẫn là rào cản lớn nhất khiến giá xe ở Việt Nam cao hơn mặt bằng chung của khu vực" - một nhà nhập khẩu xe Đức chia sẻ.

Bên cạnh những nghịch lý trên, thị trường ô tô còn bị ảnh hưởng bởi những yếu tố chủ quan khác từ chính sách. Điển hình là Nghị định 116 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô công bố hồi tháng 10/2017 khiến các doanh nghiệp ngành này gặp khó.

Volkswagen-4195-1516089174.jpg

Trong hai tháng cuối năm 2017, VAMA đã bốn lần kiến nghị lên Thủ tướng nêu khó khăn và đề nghị được điều chỉnh Nghị định 116 nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. "Đến thời điểm hiện tại, Chính phủ vẫn chưa ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 116. Vì vậy, Honda Việt Nam vẫn chưa thể nhập khẩu xe CR-V về với mức thuế 0% để có mức giá bán lẻ đề xuất như mong đợi" - đại diện Công ty Honda Việt Nam cho biết.

Và như vậy, những thuận lợi từ thuế nhập khẩu, thuế linh kiện về 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt giảm... chưa giúp người tiêu dùng thực hiện được giấc mơ sở hữu ô tô giá thấp. Một thị trường ô tô bùng nổ cũng sẽ khó xảy ra.

Ảnh: Quý Hòa -  Trí Toàn

MINH HÀO