Doanh nghiệp nội học gì từ nhà đầu tư nước ngoài?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:50, 27/01/2018
Với sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp ngành nhựa sẽ đủ khả năng cung cấp các sản phẩm kỹ thuật cao. Ảnh: QH |
Không chỉ được hỗ trợ về tài chính, phương thức hoạt động và quản trị, mà cả lực lượng lao động lẫn sản phẩm, đó là những kinh nghiệm mà doanh nghiệp nội có thể tích góp được từ các nhà đầu tư nước ngoài.
Thương hiệu cửa hàng tiện lợi GS25 đã có mặt tại thị trường Việt Nam thông qua liên doanh giữa Sonkim Land (Việt Nam) và GS Retail (Hàn Quốc). Nhưng để cửa hàng đầu tiên đi vào vận hành, 2 bên đã mất hơn 4 tháng thương thảo.
Chia sẻ bên lề buổi họp báo ra mắt hệ thống cửa hàng, bà Nguyễn Hồng Trang - CEO Công ty TNHH GS25 Vietnam cho biết, Hàn Quốc là một trong những quốc gia phát triển mạnh về mảng dịch vụ. Tiêu chuẩn của họ trong khu vực này rất khắt khe, từ đào tạo nhân viên cho đến yêu cầu về chất lượng sản phẩm. Trước thời điểm khai trương của hàng, GS Retail đã cử 20 người, chủ yếu ở cấp quản lý sang Việt Nam để hỗ trợ từng khâu, từng bộ phận và liên tục 8 giờ mỗi ngày, họ nghiêm túc đào tạo nhân viên làm việc với tác phong chuyên nghiệp như nhân viên ở các cửa hàng tại Hàn Quốc.
Thêm nữa, để đảm bảo chất lượng mặt hàng thực phẩm tươi sống, GS25 sẵn sàng đầu tư một nhà máy chế biến tại Long An với công suất đủ đáp ứng nhu cầu mở rộng của 50 cửa hàng.
Theo bà Nguyễn Hồng Trang, sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp ngoại như GS Retail không những giúp doanh nghiệp Việt Nam tích góp được kinh nghiệm quản trị, những quy chuẩn về sản phẩm đối với một thị trường khó tính mà còn tạo việc làm cho người lao động và tạo cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.
Theo bà Trang, trong cơ cấu sản phẩm tại các cửa hàng GS25, hàng Việt Nam vẫn chiếm ưu thế với khoảng 80%, 20% là sản phẩm nhập khẩu. Hiện GS25 Vietnam đang làm việc với 100 nhà cung cấp trong nước (cũng đồng thời là nhà sản xuất). Thêm nữa, sự xuất hiện của những doanh nghiệp lớn như GS Retail sẽ là chất xúc tác để tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư Hàn Quốc khác vào Việt Nam.
Sự tham gia đầu tư của các doanh nghiệp ngoại như GS Retail không những giúp doanh nghiệp Việt Nam tích góp được kinh nghiệm quản trị, những quy chuẩn về sản phẩm đối với một thị trường khó tính mà còn tạo việc làm cho người lao động và tạo cơ hội cho các nhà cung ứng trong nước.
Một nhà đầu tư Hàn Quốc khác là CJ CheilJedang cũng đã có những đầu tư đáng kể tại thị trường Việt Nam. Tháng 5/2017, sau khi mua thêm 20% cổ phần của Satra, CJ đã tăng tỷ lệ cổ phần nắm giữ tại Công ty CP Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre (thương hiệu thực phẩm có bề dày 35 năm) lên 71,6% (tháng 6/2017, đổi tên doanh nghiệp thành Công ty CP Thực phẩm CJ Cầu Tre). Sự tham gia của CJ tác động đáng kể đến hoạt động của Cầu Tre, trong đó phải kể đến mục tiêu đưa Cầu Tre trở thành công ty thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, ông Chang Bok Sang - đại diện cổ đông CJ CheilJedang chia sẻ một số dự án mà CJ sẽ thực hiện khi đầu tư vào Cầu Tre, có thể kể đến như việc hỗ trợ cho Cầu Tre đầu tư 1.200 tỷ đồng vào khu phức hợp gồm nhà máy chế biến thực phẩm, kho vận, trung tâm an toàn thực phẩm và trung tâm R&D. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành vào tháng 7/2018 và trở thành trung tâm thực phẩm lớn nhất tại Việt Nam.
Việc cấu trúc lại hoạt động của Cầu Tre còn nằm ở vấn đề cải thiện năng lực xuất khẩu, đây được xem là mảng quan trọng của doanh nghiệp trong nhiều năm qua. Bởi như năm 2016, lợi nhuận trước thuế của Cầu Tre chỉ đạt hơn 2 tỷ đồng do kết quả kinh doanh mảng thực phẩm đông lạnh xuất khẩu không đạt như kế hoạch.
Trong chiến lược phát triển thương hiệu Cầu Tre, CJ nhắm đến việc mở rộng xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và EU thông qua mạng lưới bán hàng toàn cầu của CJ. Và trong năm 2017 vừa rồi, các công ty của CJ tại Mỹ đã nhập hàng hóa của Cầu Tre.
Việc đầu tư của CJ vào Cầu Tre được các cổ đông kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả kinh doanh của Công ty, trước hết là về năng lực sản xuất cho đến bao bì, cung ứng sản phẩm để không chỉ khai thác mạnh hơn thị trường nội địa mà còn đáp ứng được những tiêu chuẩn về hàng xuất khẩu. Hiện tại, Cầu Tre đang quảng bá mạnh cho phô mai Cheese Bon với điểm nổi trội về bao bì là "vỏ bọc trong suốt đầu tiên tại Việt Nam".
Đây cũng là một trong những thông điệp quan trọng bởi theo như chia sẻ của ông Yoon Byung Soo - Giám đốc Chiến lược sản phẩm của Lotte Mart Việt Nam (Hàn Quốc) về kinh nghiệm xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thì có 2 vấn đề chính cần quan tâm. Một là tính cạnh tranh về giá (giá phải rẻ), hai là cải thiện chất lượng và đóng gói.
Việt Nam có điểm mạnh là chi phí sản xuất rẻ, do vậy về phương diện cạnh tranh giá có lẽ sẽ dành phần thắng. Tuy nhiên so sánh với sản phẩm đồng giá thì về mặt chất lượng sản phẩm của Việt Nam vẫn chưa đồng nhất cũng như thiết kế, mẫu mã đóng gói còn chưa tốt nên xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn, do đó cần tập trung cải thiện 2 vấn đề trên.