Khi bố mẹ bước qua khác biệt Đông - Tây

Du lịch - Ngày đăng : 03:08, 27/01/2018

Những ngày giáp Tết, ở các sân bay thường thấy cảnh cha mẹ náo nức chờ đón những đứa con từ phương xa trở về sum họp đón xuân.
Khi bố mẹ bước qua khác biệt Đông - Tây

Ngắm nhìn những thanh niên hân hoan trong vòng tay của người thân, tôi thấy họ giống nhau ở một điểm, đó là sức sống ngời ngời trên gương mặt, nụ cười và đặc biệt là sự nhanh nhẹn, năng động.

Tôi cũng có đứa cháu du học gần mười năm ở Mỹ trở về, và quan sát cháu thấy có rất nhiều điểm khiến mình phải suy nghĩ. Tôi không dám nói nước Mỹ đã làm cho cháu trưởng thành nhanh như vậy, nhưng những cá tính tiềm ẩn đã nhanh chóng được khơi dậy và mỗi ngày những người lớn trong nhà chứng kiến những thay đổi nơi cháu thì thấy dường như mình đang khám phá một nền văn hóa khác.

Trong quãng đời sinh viên, cháu đã làm rất nhiều việc để bản thân có thể trải nghiệm cuộc sống nơi đất khách. Cháu nói: "Thật đáng tiếc khi quay về Việt Nam, người thân và bạn bè hỏi nước Mỹ như thế nào mà chúng cháu không thể tả được dù đã sống ở Mỹ khá lâu, vì nước Mỹ quá rộng lớn, trong khi chúng cháu mới chỉ biết một vài thành phố. Chúng cháu quyết định phải đi nhiều để biết càng nhiều về nước Mỹ càng tốt, gặp càng nhiều người càng tốt, đến thăm những vùng có văn hóa khác nhau.

Lúc đầu chúng cháu rất lo gia đình sẽ không ủng hộ, thế nên đã không tiết lộ kế hoạch. Và gia đình chỉ biết khi mọi chuyện đã rồi nhưng rất may là bố mẹ chúng cháu cũng suy nghĩ rất thoáng. Tuy rất lo lắng nhưng họ đều chúc phúc cho con cái trước khi chúng cháu bắt đầu những chuyến đi, cháu rất biết ơn bố mẹ về điều này".

Trong chuyến đi mạo hiểm từ bờ Đông sang bờ Tây nước Mỹ giữa mùa đông, các cô gái trẻ phải học hỏi kinh nghiệm để ứng phó với thời tiết ở các vùng sa mạc, trải nghiệm văn hóa và gặp gỡ người dân ở những địa phương khác nhau.

Với các gia đình Mỹ, chuyến đi này cần được ủng hộ để người trẻ có trải nghiệm tốt về cuộc sống. Còn với gia đình Việt, có thể đó chỉ là biểu hiện của tuổi trẻ háo thắng "rỗi hơi". Thay vì long nhong đi chơi như vậy thì đi làm thêm kiếm mỗi giờ vài chục đô la còn tốt hơn.

Và cháu chia sẻ về sự khác biệt giữa cha mẹ phương Đông và phương Tây trước những quyết định của con cái: "Cháu thấy bố mẹ phương Đông thường thích can thiệp vào quyết định của con cái hơn bố mẹ phương Tây. Với bố mẹ phương Tây, khi con cái bước qua tuổi 18 rồi mà làm việc gì họ không vừa ý thì họ chỉ tỏ vẻ không hài lòng hoặc sẽ can ngăn.

Tuy nhiên, họ luôn tôn trọng quyết định của con chứ không kết tội chúng bất hiếu, thiếu tôn trọng bố mẹ và điều này cũng không làm không khí trong gia đình trở nên quá căng thẳng.

Trong khi đó, nếu điều tương tự xảy ra ở các gia đình Việt thì không khí trong gia đình sẽ rất căng thẳng, bố mẹ cho rằng con cãi lời cha mẹ như vậy thì sẽ khó tránh khỏi thất bại, và còn tự trách mình chưa đủ nghiêm khắc với con. Bản thân đứa con thì bị cả người trong gia đình lẫn người ngoài kết tội bất hiếu vì đã dám cãi lời bố mẹ.

Theo cháu, đây là điều khác biệt cơ bản nhất. Nhiều người thường hiểu sai về lối giáo dục con cái của người phương Tây khi cho rằng họ không quan tâm đến con, để chúng "muốn làm gì thì làm", trong khi người phương Tây lại không đồng tình với kiểu "bảo bọc" con cái quá đáng của người phương Đông dù chúng đã trưởng thành".

Có thể đôi khi chúng ta thấy khó chịu vì chưa quen với suy nghĩ tự lập của những người trẻ, mặc dù vẫn cảm thấy chán ngán khi chứng kiến những đứa con đã 18 tuổi vẫn chờ cha mẹ quyết định cho mình thi vào đại học nào, học xong lại chờ cha mẹ cậy nhờ những chỗ quen biết để tìm việc làm. Thế giới ngày càng thu hẹp và chúng ta phải chấp nhận sự thay đổi khi quyết định cho con cái xa rời cái nôi gia đình, "đi một ngày đàng" để "học một sàng khôn"! 

HỒNG BÍCH