Châu Âu "vẽ lại" bản đồ công nghệ thế giới
Quốc tế - Ngày đăng : 02:00, 02/02/2018
Spotify - startup cung cấp âm nhạc trực tuyến đến từ Thụy Sĩ hiện có giá khoảng 16 tỷ USD, là niềm tự hào của bán đảo Scandinavi - Ảnh: Reuters |
Khi nhắc đến những gã khổng lồ trong thế giới công nghệ, ngay lập tức chúng ta nghĩ ngay đến Thung lũng Silicon của Mỹ. Vùng đất này hiện là trụ sở của những công ty đã trở thành biểu tượng của thế kỷ XXI, đó là Facebook, Google và Uber. Suốt nhiều năm liền, Mỹ là quốc gia dẫn đầu thế giới về cả số lượng các thương hiệu lớn lẫn những startup kỳ lân - startup có giá trị tối thiểu 1 tỷ USD.
Tuy nhiên, Mỹ không phải là tất cả trong giới công nghệ toàn cầu. Đuổi theo sau Mỹ trên đường đua phát triển công ty công nghệ hiện nay là Trung Quốc và châu Âu. Cụ thể, Trung Quốc đang sở hữu những công ty công nghệ lớn nhất thế giới như gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, công ty tìm kiếm Baidu, và nền tảng chia sẻ phương tiện di chuyển Didi Chuxing. Và châu Âu đang là mảnh đất màu mỡ cho những startup kỳ lân phát triển.
Những thung lũng công nghệ mới nổi
Spotify - startup kỳ lân lớn nhất và được định giá cao nhất châu Âu hiện nay cũng chính là niềm tự hào của bán đảo Scandinavia. Dịch vụ cung cấp âm nhạc trực tuyến đến từ Thụy Sĩ này hiện có giá trị vào khoảng 16 tỷ USD. Theo Reuters, Spotify đang có kế hoạch tiến vào thị trường chứng khoán với kỳ vọng có thể nâng mức giá trị của công ty lên 20 tỷ USD.
Theo báo cáo công bố vào tháng 9/2017 mang tên "Những gã khổng lồ công nghệ của châu Âu", do công ty đầu tư GP Bullhound thực hiện, Spotify là một trong ba công ty công nghệ của châu Âu có giá trị hơn 10 tỷ USD.
Link bài viết
Hai thành viên còn lại trong CLB startup kỳ lân nổi bật tại châu lục này là công ty thương mại điện tử Zalando của Đức và công ty phát triển trò chơi điện tử Supercell của Phần Lan. Một trong những trò chơi điện tử nổi tiếng của Supercell chính là Clash of Clans. Năm 2017, tập đoàn Tencent của Trung Quốc đã mua lại 84% cổ phiếu của công ty, đưa giá trị của Supercell tăng lên mức 10,2 tỷ USD.
Trong khi đó, thống kê từ GP Bullhound cho thấy tổng giá trị của các công ty công nghệ đặt tại Vương quốc Anh hiện đạt khoảng 50 tỷ USD. Nước Anh đang là tâm điểm trong cuộc cách mạng công nghệ số tại châu Âu khi là điểm tập kết của những startup kỳ lân hàng đầu châu lục, như công ty cung ứng trung tâm dữ liệu Global Switch, dịch vụ đặt hàng và giao thức ăn trực tuyến Deliveroo...
Báo cáo về Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu năm 2017-2018 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng đánh giá nước Anh là quốc gia có tính cạnh tranh kinh tế xếp thứ 8 trên thế giới. Chỉ số Năng lực Cạnh tranh Toàn cầu là báo cáo đánh giá tính cạnh tranh của 137 nền kinh tế, cung cấp cái nhìn sâu sắc, riêng biệt về trình độ năng suất và sự thịnh vượng của mỗi nền kinh tế. Theo WEF, mức độ sẵn sàng cung cấp các nguồn lực công nghệ và sự đa dạng của thị trường kinh doanh là hai yếu tố chính đưa Vương quốc Anh lọt vào danh sách 10 quốc gia có chỉ số năng lực cạnh tranh cao nhất thế giới năm 2017-2018.
Tuy nhiên, báo cáo từ WEF cũng cảnh báo sự kiện Brexit có thể làm sụt giảm chỉ số cạnh tranh của nước này trong những năm tiếp theo. Một phần nguyên nhân là do quyền tự do di chuyển của các công dân EU đến Anh có thể bị hạn chế sau sự kiện Brexit.
Tăng tốc đầu tư
Theo báo cáo từ công ty đầu tư mạo hiểm Atonico tại London, các startup châu Âu đang vươn lên trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, xây dựng các trung tâm công nghệ mới và thu hút các nguồn đầu tư từ những lĩnh vực kinh doanh truyền thông. Năm 2016, ngân sách đầu tư vào lĩnh vực công nghệ tại châu Âu đạt mức kỷ lục 13,6 tỷ USD, gấp gần 6 lần so với mức 2,8 tỷ USD vào năm 2011.
Châu Âu ngày nay trở thành ngôi nhà chung của những phát kiến tiên phong trong lĩnh vực công nghệ. Dẫn đầu làn sóng đổi mới này, theo Atomico, là chương trình phát triển trí thông minh nhân tạo do DeepMind của Google phát triển. Các trung tâm công nghệ mới của châu Âu đang phát triển ra nhiều địa điểm mới, bên cạnh các trung tâm kinh tế nổi bật như London, Berlin hay Stockholm. Atomico dự đoán Paris, Munich, Zurich, và Copenhagen sẽ là những trung tâm công nghệ nổi bật trong tương lai.
Ngoài ra, hai phần ba doanh nghiệp lớn nhất châu Âu đã bắt đầu chuyển hướng khỏi các ngành kinh doanh truyền thống sang đầu tư vào các công ty công nghệ. Một phần ba trong số doanh nghiệp đó đã bắt đầu trở thành công ty công nghệ từ đầu năm 2015. Các công ty nước ngoài cũng đẩy mạnh đầu tư thu hút nhân tài công nghệ tại châu Âu. Cụ thể Google, Facebook và Amazon đều công bố những chính sách mở rộng của họ vào các trung tâm công nghệ tại châu Âu.
Ana Brnabic - Chủ tịch Hội đồng IT của Chính phủ Serbia, phân tích một lợi thế lớn cho các công ty của Mỹ và Trung Quốc chính là nguồn nhân lực. Mức độ đầu tư liên tục trong nhiều năm vào các công ty và trường đào tạo công nghệ đã giúp Mỹ thu hút được những doanh nhân lẫn kỹ sư giỏi nhất thế giới đến làm việc. Làn sóng nhân sự ưu tú này đã tạo nên một môi trường sáng tạo đầy cạnh tranh, thúc đẩy cho những đột phá lớn trong lĩnh vực công nghệ xuất hiện.
Nhằm đuổi kịp Mỹ và Trung Quốc, ở lĩnh vực đào tạo, Liên minh châu Âu cũng đã quyết định đầu tư tập trung vào phát triển nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông qua những chính sách, dự án giáo dục sau đại học.
Cụ thể, từ năm 2018 - 2020, chương trình đầu tư nghiên cứu và đổi mới lớn nhất trong lịch sử châu lục mang tên Horizon 2020 sẽ tiếp tục được Liên minh châu Âu thực hiện. Với khoản đầu tư 30 tỷ USD vào các công trình nghiên cứu, sáng tạo nổi bật trong và ngoài châu Âu. Ana Brnabic đánh giá cục diện của giới công nghệ toàn cầu có thể thay đổi lớn từ chương trình này.