Xây dựng, chỉnh đốn Đảng - nhiệm vụ then chốt hiện nay
Trong nước - Ngày đăng : 00:40, 03/02/2018
Tọa đàm “Mãi mãi niềm tin theo Đảng” |
Thách thức mới
Nhắc lại dấu mốc lịch sử về việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930, đồng chí Hà Đăng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, nhấn mạnh, đến nay đã 88 năm, Đảng ta luôn giữ vững ngọn cờ lãnh đạo Cách mạng Việt Nam và đã giành được những thắng lợi to lớn qua các thời kỳ.
“Thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp xây dựng và đổi mới đất nước mở đầu bằng đường lối đổi mới toàn dân, do Đại hội VI của Đảng đề ra năm 1986. Với thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, bộ mặt của đất nước và dân tộc ta đã có nhiều thay đổi rất cơ bản. Vị thế của đất nước và dân tộc ta trên trường quốc tế ngày càng cao”, đồng chí Hà Đăng khẳng định.
Kết quả đạt được là khá toàn diện, nhưng Đảng luôn đặt ra những vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng. Đảng ta đã qua nhiều lần xây dựng, chỉnh đốn. Từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XI đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ là sự tích tụ những khuyết điểm, hạn chế của toàn bộ công tác xây dựng Đảng.
Theo đồng chí Phạm Đình Đảng (Nhị Lê) - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, từ 5 năm qua, chúng ta thấy rõ nỗ lực của toàn Đảng, sự ủng hộ của toàn dân để thực sự tham gia xây dựng Đảng, để Đảng xứng đáng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ trung thành của nhân dân, vừa là người đồng chí đối với bạn bè và các đảng cộng sản, công nhân trên thế giới. Nhưng một bộ phận cán bộ đảng viên đã tỏ rõ không xứng đáng là đứa con trung thành của nhân dân lao động Việt Nam, không xứng đáng là đội quân tiên phong của dân tộc, đã đặt ra trước Đảng những thách thức mới.
“Chính điều đó đặt ra cho chúng ta những việc không thể không làm mang tính cấp bách. Không xử lý thì sẽ nguy cơ tổn hại tới vị thế cầm quyền của Đảng. Không giải quyết, Đảng không xứng đáng là đội quân tiên phong của dân tộc, của đất nước và không xứng đáng là người con thật trung thành của nhân dân. Chính vì như thế, tất cả những điều đó đã đặt cho chúng ta một vấn đề không thể không làm”, đồng chí Nhị Lê nói.
Nói về công tác xây dựng Đảng với những kết quả quan trọng, đặc biệt là trong năm 2017, đồng chí Hà Quốc Trị - Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nhấn mạnh trong năm 2017, công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định tập trung vào các đảng viên và tổ chức đảng có dấu hiệu vi phạm, đặc biệt là một số lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực như tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, công tác cán bộ…
Có đau cũng phải làm
Theo đồng chí Hà Quốc Trị, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận định rõ về tình trạng suy thoái của một số cán bộ, đảng viên. Trước đây, nhiều người vẫn nói “một bộ phận không nhỏ cán bộ đang suy thoái” đang nằm ở đâu? Nếu Nghị quyết Trung ương 4 nhận định như vậy mà không chỉ ra được thì đó là nhận định sai.
Xuất phát từ tình hình đó, thời gian qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung nắm tình hình và chủ động phát hiện những dấu hiệu vi phạm của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là một số đơn vị, tập đoàn kinh tế nhà nước. Năm 2017, công tác kiểm tra, giám sát đã xác định, xử lý được một số cán bộ. Điều đó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ chỉnh đốn Đảng trong giai đoạn hiện nay và đáp ứng được lòng mong mỏi của quần chúng nhân dân. Những thành tựu đạt được rất quan trọng, nhưng trong bản thân Đảng ta, bản thân công tác xây dựng Đảng cũng đặt ra những vấn đề không thể không xem xét, không thể không chỉnh đốn để tiếp tục xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, là người đứng mũi chịu sào trước dân tộc.
Đồng chí Hà Đăng cũng khẳng định, Bác Hồ và Đảng ta đã đặt vấn đề chỉnh đốn Đảng từ rất sớm, thể hiện rõ trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc Bác viết năm 1947, cũng như Di chúc Người để lại (1969). Theo tư tưởng Bác Hồ, Đảng ta, từ những năm tháng trong kháng chiến đã mở nhiều cuộc chỉnh huấn, chỉnh đảng. Từ Đại hội II của Đảng (1951) trở đi, trong mỗi đại hội, bên cạnh báo cáo chính trị, luôn có báo cáo chuyên đề về xây dựng Đảng, trong đó có hàm ý chỉnh đốn. Đến Đại hội VI của Đảng, với đường lối đổi mới toàn diện, Đảng coi phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Các đại hội sau, từ Đại hội VII cho đến nay - Đại hội XII, vẫn kiên trì coi xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ khóa VII (1994) chỉ rõ 4 nguy cơ: Tụt hậu xa hơn về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, diễn biến hòa bình, tệ quan liêu và tham nhũng. Trong 4 nguy cơ đó, 3 nguy cơ sau có liên quan trực tiếp đến xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đặc biệt nhất, các Nghị quyết Đại hội XI (2011) và XII (2016) của Đảng, được cụ thể hóa bằng 2 Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Trung ương 4 (khóa XII), đã nêu lên tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, cùng với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chưa ngăn chặn, đẩy lùi được, là một nguy cơ lớn làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ.
Theo đồng chí Hà Đăng, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, các giải pháp tổng thể được nêu trong nghị quyết các đại hội Đảng. Việc chỉ đạo thực hiện nghị quyết phải hết sức kiên quyết, nói đi đôi với làm, không nói nhiều làm ít hoặc nói khác, làm khác. Tự phê bình và phê bình phải đi đôi với xử lý kỷ luật; những vụ vi phạm nghiêm trọng thì nhất định phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc, có đau cũng phải làm.
(Theo SGGP - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)