Cải cách ngân sách: Cần một nhà nước kiến tạo phát triển
Sống đẹp mỗi ngày - Ngày đăng : 03:09, 03/02/2018
![]() |
* Chi thường xuyên năm 2017 lên tới 862.600 tỷ đồng, ông nhận xét thế nào về con số này?
- Theo tôi, khó khăn về ngân sách chưa đủ áp lực để tăng cường kỷ luật tài khóa. Cho nên chi ngân sách, đặc biệt là chi thường xuyên vẫn tiếp tục tăng. Ở các nước, chi thường xuyên phải chịu sự giám sát của người dân. Một ông Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam từng nói với tôi về quy định công khai mọi khoản chi tiêu và trách nhiệm giải trình của Chính phủ Thụy Điển.
Nếu đãi khách vượt quá khung quy định, ông phải bù tiền vào khoản chi đó. Trong khi đó, các tỉnh ở nước ta vẫn chi rất lớn cho việc giao lưu, hiếu hỷ. Tôi đã dự một buổi giao lưu ở một tỉnh, có tới ba vị nguyên phu nhân lãnh đạo tỉnh tham gia.
* Nước ta chủ trương cải cách ngân sách đã nhiều năm, theo ông kết quả đã đến đâu?
- Đã nói nhiều đến giám sát chi tiêu, nói nhiều đến chi tiêu minh bạch cũng như trách nhiệm giải trình, nhưng hành động lại chưa tương xứng. Trên website của Chính phủ cũng không có thông tin nào về vấn đề này.
Trong khi đó, theo Báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam mà Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới công bố, tổng chi ngân sách nhà nước của nước ta, bao gồm cả chi từ nguồn trái phiếu bình quân chiếm 29,2% GDP trong giai đoạn 2011 - 2015, cao hơn giai đoạn trước (28,9%) và ở mức cao so với khu vực và các quốc gia có mức phát triển tương đương.
Điều đó cho thấy, nước ta hầu như không có tiến bộ nào về cải cách ngân sách cũng như chi thường xuyên dù Trung ương Đảng đã có nghị quyết về nội dung này.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh |
Một chỉ số mà nước ta ít đề cập đó là "cảm nhận tham nhũng" của WTO, trong khi đây là chỉ số quan trọng buộc bộ máy nhà nước phải công khai, minh bạch chi tiêu công và có trách nhiệm giải trình. Vị thế của Việt Nam không thay đổi trong nhiều năm trên bảng xếp hạng này.
Trên thang điểm 100 về không tham nhũng, bốn năm liền Việt Nam chỉ được 31 điểm, đến năm 2016 có phần cải thiện nhưng cũng chỉ đạt 33 điểm, đó là các mức rất thấp.
Nhiều doanh nghiệp cho biết tình trạng phải "bôi trơn" không hề giảm. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã nhiều lần đề cập về vấn đề này. Nếu tình trạng này tiếp diễn, khó khăn về ngân sách vẫn là gánh nặng của nền kinh tế do hối lộ để đóng thuế thấp, thậm chí trốn thuế.
Và như vậy, chi phí cho doanh nghiệp có thể giảm từ các thủ tục hành chính nhưng khi tăng chi phí về thuế thì người dân và doanh nghiệp sẽ bị giảm bớt lợi ích từ cải cách và tăng trưởng.
* Nhiều ý kiến quan ngại chi ngân sách sẽ tăng lên từ nguồn Chính phủ bán 53,59% vốn điều lệ tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn thu về gần 110.000 tỷ đồng. Còn ý kiến của ông?
- Điều đó là hoàn toàn có thể. Thậm chí, người ta còn đặt câu hỏi về việc bán từng ấy tài sản sẽ chi tiêu vào những việc gì. Tôi cho cái đó liên quan đến chi tiêu minh bạch và trách nhiệm giải trình.
* Theo ông, thay đổi tình trạng này bằng cách nào?
- Trân trọng những tiến bộ trong quá trình cải cách nền kinh tế, song những việc chưa có chuyển biến cần được xem xét. Nếu công chức lương không đủ sống sẽ tìm cách kiếm thêm. Do đó, cần thực hiện nghiêm túc cải cách ngân sách, giảm bộ máy, giảm bội chi, trên cơ sở đó tăng lương cho người làm việc.
Năm 2018 có cơ hội nhưng cũng đầy thử thách, bởi vì từ ngày 1/1/2018, có khoảng 5% tổng số dòng thuế đã thay đổi thuế suất và nhiều dòng thuế khác cũng giảm từ 30% về 0%. Việc nhiều dòng thuế nhập khẩu giảm về 0% sẽ ảnh hưởng tới số thu ngân sách. Phải cải cách được ngân sách, cải cách được chi tiêu công và bộ máy nhà nước. Muốn vậy, phải tiếp tục cải cách thể chế, phải thực sự có một nhà nước kiến tạo phát triển mới có thể giảm bội chi và cơ cấu lại bộ máy nhà nước để giảm chi thường xuyên.
* Cảm ơn ông!