Công nghệ mở triển vọng ngành tôm
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:23, 05/02/2018
Ảnh cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức |
Liệu định hướng này có khả thi, đặc biệt là phát triển bền vững trong sự hài hòa với các mục tiêu về môi trường và đời sống dân sinh?
Sau Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển ngành nuôi tôm, đặc biệt là ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) do có khí hậu nhiệt đới và hệ sinh thái duyên hải.
Có những điều kiện tự nhiên đặc trưng nên tỉnh Bạc Liêu đóng vai trò là "thủ phủ" trong chiến lược phát triển ngành sản xuất tôm của ĐBSCL và của cả nước. Sau 3 năm quy hoạch và xây dựng, Bạc Liêu đã đưa vào hoạt động Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm tại xã Hiệp Thành với diện tích khoảng 420ha.
Đây cũng là nơi tập trung những doanh nghiệp và mô hình mang tính tham khảo cho các địa phương, từ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất giống, quy trình nuôi, chế biến thức ăn, các ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản đến đào tạo, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho toàn ngành.
Trong cuộc gặp báo giới gần đây, ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh về cơ hội và sự ưu tiên phát triển ngành tôm của tỉnh cũng như của ĐBSCL. Tuy nhiên, ông Trung cũng cho biết: "Dù háo hức với những thành tựu và triển vọng gần đây, chúng tôi vẫn rất thận trọng, không phát triển ồ ạt, thiếu kiểm soát để phải trả giá về môi trường như tình trạng đã từng xảy ra trước đây".
Cũng trong cuộc gặp báo giới trên, lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cho biết, điều quan trọng nhất để phát triển ngành tôm bền vững là đầu tư, ứng dụng công nghệ cao (nông nghiệp 4.0). Đây cũng là cách duy nhất tạo nên sự tăng trưởng vượt bậc cả sản lượng lẫn chất lượng để đạt mục tiêu 10 tỷ USD như đã đặt ra.
Cụ thể hơn, để nuôi tôm công nghệ cao, cần xây dựng hoàn chỉnh thủy lợi và đường giao thông, cần có chính sách sát đúng về đất đai, cơ chế ưu đãi cho đầu tư, thu hút các doanh nghiệp và sự nhất quán trong cách quản lý của các cơ quan chức năng. Trong đó, sự tham gia của các doanh nghiệp vào ngành này có ý nghĩa then chốt, giúp xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tạo ra năng lực đầu tư và ứng dụng công nghệ.
Vì vậy, theo ông Dương Thành Trung, tỉnh Bạc Liêu đang thu hút khá tốt doanh nghiệp trong và ngoài nước, đã cấp trên 800ha đất cho các nhà đầu tư này. Đến nay, có khá nhiều doanh nghiệp phát triển nổi bật cả về quy mô lẫn công nghệ như Việt Úc, CP, Hùng Vương... Những đơn vị này cũng đã và đang tạo ra những mô hình nuôi tôm hiện đại, tiên phong dẫn dắt ngành nuôi tôm của cả nước và thay đổi đáng kể thói quen sản xuất nhỏ lẻ tại địa phương.
Theo thông tin từ lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu, trong nỗ lực tìm kiếm phương pháp nuôi tôm hiệu quả, khắc phục thách thức từ thời tiết, rủi ro đầu tư và ô nhiễm môi trường, giới nuôi tôm tại Bạc Liêu đang có khoảng 100 mô hình nuôi tôm sinh thái. Các cơ quan chức năng rất thận trọng trong đánh giá ưu nhược điểm của từng mô hình. Trong đó, mô hình nuôi tôm trong nhà màng của Tập đoàn Việt - Úc có hiệu quả cao nhất về kinh tế và được Chính phủ đề nghị ưu tiên phát triển trên phạm vi rộng.
Ảnh cuộc thi Tự hào hàng Việt do báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức |
Ông Đặng Quốc Tuấn - Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Việt - Úc mô tả khái quát mô hình nuôi tôm trong nhà màng: Tạo môi trường nuôi tôm trong nhà với những trang trại bằng khung thép có khả năng chống ăn mòn của môi trường nước lợ và khí hậu duyên hải, ứng dụng công nghệ cao trong quy trình nuôi, kiểm soát nhiệt độ, nước, thức ăn vi sinh tự nhiên... để duy trì môi trường sinh trưởng lý tưởng cho tôm.
Kết quả, tỷ lệ thành công đạt đến 80 - 100% vụ nuôi, đạt khả năng siêu thâm canh (nuôi quanh năm, không bị gián đoạn bởi khí hậu, thời tiết), đặc biệt là hiệu quả sử dụng, xử lý nguồn nước và đảm bảo các chỉ số về an toàn cho môi trường theo tiêu chuẩn để được chấp nhận xuất khẩu vào thị trường châu Âu và Mỹ.
Mô hình nhà màng này có mức đầu tư khá lớn với thép làm khung, trần của Lysaght Agrished (thuộc Tập đoàn BlueScope Lysaght, Úc), màng che của Israel. Độ bền cao, có khả năng sử dụng đến 15 năm, chịu được biến động, thách thức của khí hậu khắc nghiệt, đảm bảo an toàn trước các nguy cơ rủi ro, dịch bệnh nên mức đầu tư trung bình xấp xỉ 7 tỷ đồng/ha trang trại, theo ông Tuấn, là khoản đầu tư xứng đáng để đem lại hiệu quả lâu dài.
Tuy vậy, khoảng 7 tỷ đồng/ha đầu tư ban đầu cho trang trại là thách thức lớn về vốn với hộ nông dân và các doanh nghiệp, tổ chức có quy mô nhỏ có thể ứng dụng theo. Do đó, ông Dương Thành Trung cho biết tỉnh đang có các chính sách để giúp người nuôi tôm thuận tiện hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn. Ngoài nguồn vốn hỗ trợ cho đầu tư nông nghiệp khoảng 130 tỷ đồng, tỉnh đang kiến nghị một cơ chế đặc thù với Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, ông Trung cũng nhấn mạnh việc khuyến khích sự mạnh dạn đầu tư từ các doanh nghiệp.