Doanh nghiệp ngành điều: Lùi để tiến
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 06:03, 06/02/2018
Một dây chuyền chế biến điều nhân. Ảnh: An Phương An |
Đây là năm thứ 12 liên tiếp Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều nhân.
Theo Hội đồng Hạt và Quả khô Thế giới (INC), hạt điều đang chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường hạt khô toàn cầu với giá trị khoảng 30 tỷ USD/năm. Dự kiến đến năm 2021, hạt điều chiếm khoảng 29% thị phần hạt khô, trước hạt óc chó. Đây là cơ hội rất lớn để doanh nghiệp ngành điều Việt Nam tăng lượng xuất khẩu hạt điều nhân, nhất là hạt điều chế biến sâu.
Vậy nhưng kế hoạch xuất khẩu của ngành điều Việt Nam trong năm 2018 lại giảm đến 53.000 tấn, nếu mức giá như năm 2017 thì tương ứng kim ngạch giảm 500 triệu USD. Vì sao có nghịch lý này?
Nhiều năm qua, mỗi năm doanh nghiệp chế biến hạt điều phải nhập khẩu nguyên liệu ít nhất 1 triệu đến 1,2 triệu tấn, chủ yếu từ Cote dIvoire, Campuchia, Ghana, Nigeria, Madagasca, Guinea trị giá từ 2 tỷ USD đến 2,4 tỷ USD vì hạt điều nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng trên dưới 30% nhu cầu.
Điều nguyên liệu nhập khẩu gặp khá nhiều rủi ro trong thanh toán, độ ẩm cao (vượt ngưỡng 10%), một số doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều ở châu Phi không giữ chữ tín, như không giao hàng dù đã nhận tiền cọc hoặc giao hàng chất lượng quá kém, đó là chưa nói bị tắc ở các cảng làm nhân điều thối.
Trong khi đó, ngành điều Việt Nam chưa có sàn giao dịch nguyên liệu như ngành gỗ nên có trên 200 doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều, có những doanh nghiệp vì muốn duy trì hoạt động nên phá giá để có hàng, nảy sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh.
Để bù vào lượng nhân hạt điều xuất khẩu có thể giảm, doanh nghiệp ngành điều đang tăng cường sản phẩm chế biến, như nhân điều mật ong, nhân điều vị muối, nhân điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị đóng hộp ăn liền, nước ép điều, dầu điều... và phát triển thị trường trong nước; phấn đấu đến năm 2020 có 20% nhân điều được chế biến sâu.
Hiện nay cả nước có khoảng 300.000ha điều, chủ yếu ở Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Ninh Thuận, năm nào được mùa, sản lượng trên dưới 300.000 tấn. Kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cả nước trồng nửa triệu hécta điều nhưng nhiều khả năng không đạt vì không đủ quỹ đất.
Có một hướng mở mà bấy lâu nay nhiều doanh nghiệp điều đã tính đến là cùng với Campuchia phát triển cây điều vì quỹ đất ở nước bạn còn nhiều, thổ nhưỡng, khí hậu thích hợp. Vậy nhưng mãi đến cuối năm 2017, công việc này mới tiến hành khi Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) đi khảo sát, làm việc với Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp và một số doanh nghiệp Campuchia, đề xuất hợp tác trồng 500.000ha điều và sẽ bao tiêu toàn bộ hạt điều nguyên liệu.
Để bù vào lượng nhân hạt điều xuất khẩu có thể giảm, doanh nghiệp ngành điều đang tăng cường sản phẩm chế biến, như nhân điều mật ong, nhân điều vị muối, nhân điều rang muối, hạt điều tẩm gia vị đóng hộp ăn liền, nước ép điều, dầu điều... và phát triển thị trường trong nước; phấn đấu đến năm 2020 có 20% nhân điều được chế biến sâu.
Ông Hean Vann Horn - đặc phái viên Chính phủ, Tổng cục trưởng Tổng cục Nông nghiệp - Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia cho biết, trong vài năm gần đây, do giá cả điều thô không ổn định, việc tổ chức sản xuất còn nhiều yếu kém nên diện tích trồng điều ở Campuchia đã giảm khá mạnh, từ 300.000ha trong năm 2014 xuống còn hơn 100.000ha năm 2017.
Chính phủ Campuchia có nhiều chương trình phát triển nông nghiệp, trong đó có chương trình trồng 700.000ha sắn nhưng không mấy khả quan vì phụ thuộc thị trường Trung Quốc với đầu ra thất thường. Do đó, doanh nghiệp Campuchia rất muốn hợp tác với doanh nghiệp và cơ quan chức năng của Việt Nam để phát triển vùng trồng điều, trong đó có một phần đất đã quy hạch trồng sắn, mong muốn được VINACAS hỗ trợ về khâu chọn giống, kỹ thuật canh tác, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh - Chủ tịch VINACAS, VINACAS là một tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không có chức năng kinh doanh, không thể đầu tư trồng điều như có doanh nghiệp đã đầu tư trồng cao su, trồng mía ở Campuchia, chỉ làm đầu mối vận động doanh nghiệp hội viên chung sức cùng doanh nghiệp và người dân nước bạn mở rộng diện tích điều.
Vì thế mà ngày 17/1 vừa qua, tại thủ đô Phnom Penh, Campuchia, Chủ tịch VINACAS đã ký biên bản thỏa thuận với ngài Veng Sakhon - Bộ trưởng Bộ Nông Lâm Ngư nghiệp Campuchia về việc VINACAS sẽ huy động tài chính và kỹ thuật từ các hội viên hỗ trợ ngành nông nghiệp Campuchia nâng sản lượng hạt điều lên 1 triệu tấn trong 10 năm tới.
Mục tiêu của hợp tác là chuyển giao giống điều tốt nhất đã được tuyển chọn, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch, thúc đẩy phát triển diện tích cũng như sản lượng hạt điều tại 10 tỉnh của Campuchia và thu mua toàn bộ điều nhân nguyên liệu.
Trước đó, ngày 7/12/2017, trong Hội thảo Bàn giải pháp hỗ trợ xuất nhập khẩu điều niên vụ 2018 - 2019 do VINACAS tổ chức tại TP.HCM, VINACAS đã trao tặng 1,5 tỷ đồng do hội viên đóng góp cho Tổng cục Nông nghiệp Campuchia để hỗ trợ phát triển 1 triệu cây điều giống tốt nhất giai đoạn 2018 - 2022. Cũng trong khuôn khổ hội thảo này, Tổ Công tác, nghiên cứu, hỗ trợ phát triển điều Việt Nam - Campuchia đã ra mắt nhằm cụ thể hóa kế hoạch trên.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Thanh, Campuchia hiện là nước sản xuất điều thô có chất lượng khá tốt do sử dụng rất ít phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật nên có thể sản xuất "điều sạch". Từ năm 2014 trở về trước, xuất khẩu điều thô của Campuchia sang Việt Nam chỉ chiếm 30%, nhưng 2 năm gần đây, con số này đã lên đến trên 90%.
Hiện Campuchia là thị trường cung cấp điều thô lớn thứ 5 cho doanh nghiệp điều Việt Nam. Mươi năm tới, nếu Campuchia sản xuất được 1 triệu tấn điều nguyên liệu, sẽ là quốc gia sản xuất điều thô lớn nhất thế giới. Với cam kết hợp tác như trên cùng với lợi thế địa lý, hy vọng ngành điều Việt Nam sẽ giải quyết được căn cơ vấn đề thiếu hụt nguyên liệu chế biến như hiện nay.