CEO Real Time Robotics Inc: Từ cậu bé nhặt rác tới “cha đẻ” drone Việt
Trò chuyện doanh nhân - Ngày đăng : 06:00, 16/02/2018
Tiến sĩ Lương Việt Quốc. Ảnh: Bizlive |
Tiến sĩ Lương Việt Quốc - CEO của Real Time Robotics Inc - là người được tới 8 trường Đại học hàng đầu của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo Tiến sĩ và cũng là người đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư vào khu công nghệ cao TP.HCM ( SHTP) để mở nhà máy sản xuất máy bay không người lái (drone) tại Việt Nam.
* Xu hướng ứng dụng máy bay không người lái vào kinh doanh sản xuất và cuộc sống đang làm thay đổi mọi tư duy và hành động của con người, ông có thể cho biết rõ hơn về xu thế này trên thế giới?
Trước đây khi nói đến máy bay không người lái, người ta nghĩ ngay đến chiến tranh, những máy bay không người lái điều khiển từ một đất nước xa xôi có thể bỏ bom vào đất nước mình. Còn hiện nay, trong ngành hàng không, máy bay không người lái được áp dụng rất rộng rãi. Drone nhiều cánh quạt như trực thăng có thời gian bay thấp, còn loại cánh bằng như Boeing hay Airbus có thời gian bay dài hơn.
Ứng dụng drone hiện nay đang mở rộng đến…vô tận. Đầu tiên là trong nông nghiệp, drone giúp chẩn đoán sớm bệnh của cây trồng thông qua độ quang hợp của lá cây. Drone còn ứng dụng vào kiểm định tuabin điện gió, điện mặt trời rất hữu dụng. Ứng dụng vào kiểm định rò rỉ ống dẫn gas trong ngành dầu khí cũng giúp tiết giảm chi phí rất nhiều.
Drone kiểm tra hạ tầng điện, những mối nối không còn tốt, bị rỉ sét, điện trở cao sẽ phát sinh nhiệt. Những điều đó máy bay đều có thể đo được ngay.
Ứng dụng chữa cháy, thay vì chỉ đứng một góc xịt nước lên, máy bay không người lái sẽ cho con người thấy cái nhìn toàn cảnh ở cả những khu vực khó tiếp cận, báo được vị trí của cả những người thợ chữa cháy ở từng điểm, để người phụ trách điều phối dễ dàng...
Trong khai thác hầm mỏ, drone tính được thể tích với độ chính xác cao. Camera thông thường có dung sai lớn, còn máy bay không người lái có thể tính thể tích với dung sai rất thấp. Ngoài tính toán phần lồi còn có thể tính được điểm bị lõm. Phương tiện bay thu thập dữ liệu định kỳ hai tuần một lần, tính ngay được số lượng đã khai thác để tính thuế, tính năng suất v.v…
Sau những vụ lụt bão vừa xảy ra, bảo hiểm phải đền tiền cho người dân, nếu kiểm kê thủ công trên diện tích lớn sẽ rất mất thời gian và nếu tiến độ chậm chạp thì cũng có thể gây rủi ro. Còn máy bay không người lái tính toán ngay sau 2 giờ, phục vụ rất tốt cho công việc bảo hiểm.
Link bài viết
Drone cũng ứng dụng rất tốt trong bảo vệ môi trường, trồng rừng, vận chuyển hàng khẩn cấp, cấp cứu, báo chí, phim ảnh…
Hiện đã có một số trường đại học dạy ngành máy bay không người lái. Ngành viễn thông cũng đã áp dụng máy bay không người lái khi di tản lũ lụt trên quy mô lớn cần theo dõi thì máy bay không người lái là một phương tiện hữu ích.
* Như vậy quy mô của thị trường này là rất lớn? Nhưng làm thế nào để doanh nghiệp có thể tiếp cận với công nghệ này? Nếu mua máy bay không người lái về thì có thể ứng dụng ngay được không?
Cách làm hiệu quả là phải có chương trình máy tính để tính ra những việc cần làm một cách tự động, rồi phân loại, kết nối với phần mềm quản lý công ty để phân công ai sẽ xử lý chuyện đó.
Vấn để là giải pháp chứ không phải mua chiếc máy bay. Máy bay chỉ cung cấp dữ liệu thô, giống như máy chụp hình trong y tế vậy. Phải cần bác sĩ chẩn đoán để biết cần can thiệp loại thuốc nào. Điều nông dân cần là giải pháp toàn diện, chỉ rõ cây nào thiếu nước, thiếu phân trên cánh đồng.
Theo ước tính của một công ty kiểm toán, dịch vụ drone toàn cầu ước tính đạt khoảng 127 tỷ USD vào năm 2020, trong đó, lớn nhất là lĩnh vực hạ tầng, nông nghiệp, vận tải, an ninh, truyền thông, bảo hiểm, viễn thông, khai thác mỏ,…
* Được biết, chi cục quan trắc có rất nhiều máy quan trắc công nghệ cao nhưng không xài được, không biết sửa làm sao, không xử lý dữ liệu được để dự báo, drone có giải quyết được điều này không?
Phần mềm không hoàn toàn độc lập với phần cứng, phải xử lý phần cứng "tới nơi tới chốn" thì mới ra được dữ liệu. Đối với Mỹ, lợi ích từ drone đã vượt qua chi phí. Một công ty chuyên tích hợp hình ảnh từ drone cho biết đã có hơn 10 triệu hécta đất được lập bản đồ bằng dịch vụ của họ.
Drone cũng giống như Internet trước đây, ban đầu chúng ta rất ngần ngại nhưng bây giờ nó đã trở thành đại trà. Người Việt Nam chắc chắn sẽ xài drone, bởi Việt Nam có nguồn IT phong phú, nhu cầu bảo mật không cho phép chúng ta dùng drone của Trung Quốc, bởi nguy cơ bị lộ thông tin lớn. Yếu tố bảo mật là nhu cầu tự nhiên, đòi hỏi phải có sự tham gia của các công ty nội địa.
* Riêng Thâm Quyến hiện có hơn 300 công ty làm drone, còn Việt Nam thì sao?
Vấn đề là làm sao người giữ trọng trách của đất nước phải thấy được sự phát triển của drone là tất yếu, thấy được sự cắt giảm chi phí, gia tăng sản xuất trong nhiều ngành.
Làm sao bảo đảm an toàn hàng không mà vẫn khuyến khích drone phát triển, khi số lượng drone tăng cao lên đến hàng triệu con cũng là thách thức, phải có đào tạo, huấn luyện.
Việt Nam hễ thấy cái gì mới quá thì không ủng hộ, cho nên công nghệ phụ trợ của mình cứ yếu mãi, nguồn linh kiện của mình kém.
* Về kỹ thuật, pháp lý, drone cần phải gỡ rối ở khâu nào thưa ông?
Hạ tầng mạng 3G có thể đáp ứng đủ cho hệ thống rồi. Về ứng dụng, Việt Nam đã có thông tư chính thức của Bộ Quốc phòng, nếu bay từ 50m trở xuống cách sân bay 5 - 7 km thì xin giấy phép từ Bộ chỉ huy quân sự huyện. Nếu trên 50m thì xin Bộ chỉ huy quận sự tỉnh, thành phố.
Link bài viết
Nông trường mía TTC rộng mấy ngàn ha, phương tiện hợp lý sử dụng máy bay cánh bằng, 1 giờ có thể phủ 200 ha.
* Tại sao công ty không xây dựng sẵn về hệ thống phân tích?
Đó chính là hướng đi của chúng tôi, để tích hợp nhiều cảm biến khác nhau. Con đường của chúng tôi là chọn cung cấp giải pháp, như cho ngành phòng cháy chữa cháy. Ngoài truyền hình ảnh, đưa vào tất cả mọi thiết bị của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy như hình video để mọi người có thể điều khiển hiệu quả.
Về xử lý có hai mức độ, thứ nhất là bán tự động, phải ra trực tiếp hiện trường. Giai đoạn hai khi dữ liệu có nhiều mới làm tự động được, như trong nông nghiệp tự động khoanh vùng bệnh nhanh, chi phí thấp.
* Khả năng của công ty có thể cung cấp drone với giá mềm?
Drone chỉ riêng khâu phun thuốc thì theo tôi, giá thành nên dưới 10 ngàn USD là hợp lý, tùy theo loại cây trồng, nếu giá trị thấp thì không phù hợp. Còn cây ăn trái cao thì cần phải có drone để bay lên cao phun thuốc. Tuy nhiên, càng gắn nhiều cảm biến thì giá thành càng cao. Mình không chỉ đưa dữ liệu vào máy mà còn truyền vào thiết bị di động để ai cũng thấy được.
* Anh có thể cho biết quy mô của nhà máy sản xuất drone đầu tiên tại Việt Nam?
Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 13,5 triệu USD, chúng tôi mới nhận được giấy phép đầu tư, vận hành được chắc khoảng 1 năm nữa. Chúng tôi thuê hơn 9.000m2 mét trong khu công nghệ cao của TP.HCM, được ưu đãi về thuế, nguyên liệu nhập về cũng được hưởng lãi suất ưu đãi.
Nhà máy có khu vực thử nghiệm drone trong nhà, ngoài trời, làm cả phần cứng và phần mềm. Đội ngũ có một số anh em bên Mỹ kết nối cùng làm, nhưng phần lớn trông cậy vào anh em trong nước.
* Anh có tin vào đội ngũ chất xám trẻ của Việt Nam sẽ tiếp sức cho anh trong thử thách lớn này?
Tôi hoàn toàn tin tưởng vào tài năng trong lãnh vực công nghệ của giới trẻ Việt Nam. Tất cả những điều họ cần làm là bài toán mang lại giá trị và các nguồn lực đầy đủ để họ giải bài toán đó.
Hơn nữa, chính sách ưu đãi đầu tư vào SHTP và đặc biệt là sự nhiệt tình, ủng hộ của Ban Quản lý SHTP đã khiến tôi tự tin hơn với dự án này.
* Lý do nào khiến anh quyết định khởi nghiệp ở tuổi này với một dự án đầy mạo hiểm và còn rất mới lạ ở Việt Nam?
Trước tiên, đây là ngành có tiềm năng ứng dụng lớn. Thứ hai, Việt Nam cần có công nghiệp drone của riêng mình, vì nhiều ứng dụng trong thực thi pháp luật, kiểm lâm, kiểm định hạ tầng,... không thể dùng sản phẩm của Trung Quốc vì yếu tố bảo mật.
Ngay từ khi học đại học Cornell, tôi đã có tham vọng trở thành một chuyên gia phát triển kinh tế nông nghiệp ngay trên đất nước mình.
* Làm thế nào một cậu bé nhặt rác bên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè như anh tìm được sự đổi đời thần kỳ, được 8 trường đại học hàng đầu Hoa Kỳ chấp nhận cấp học bổng Tiến sĩ?
Tôi đã trải qua một tuổi thơ lam lũ với công việc bới rác trên dòng kênh và sống không phương hướng, nhưng tôi đã biết tự nhìn ra ánh sáng của con đường học vấn. Tôi cảm ơn sự kỳ diệu của giáo dục vì không chỉ mang cho mình cơ hội mà còn cho cả một ý chí sống không khuất phục.
Link bài viết
Chín chị em tôi chen chúc nhau như cây dại trong căn chòi 10m2 cất tạm trên rạch, trời mưa nước tuôn khắp nhà. Lạnh lẽo cũng thua cái đói, đói thường xuyên, muối cũng phải đi xin hàng xóm. 12 tuổi, bàn chân tôi lúc nào cũng tơi tả vì mảnh chai, vật nhọn dưới lòng kênh cào rách. 13 tuổi, ban ngày dọ dẫm ra chợ Cầu Muối bán chanh, ớt lẻ, 15 tuổi kiêm thêm nghề vớt trùn chỉ bán.
Chuyện học của tôi cũng như con nước, bởi còn lên lớp nên còn đi học. Tốt nghiệp THPT, tôi thi vào Trường trung học Tài chính TP.HCM (hiện là Trung học Kinh tế TP.HCM).
Từ 11 điểm A và luận án xuất sắc, tôi được 8 trường đại học hàng đầu về đào tạo kinh tế nông nghiệp của Mỹ chấp nhận cấp học bổng đào tạo tiến sĩ, gồm ĐH Cornell, Berkeley, US Davis, Maryland, Wisconsin, Purdue, Minnesota, East - West Center. Trong đó Maryland đã hai lần gửi thư để nâng mức học bổng từ 30.040 USD/năm lên 37.168 USD/năm nhằm “cạnh tranh” khi biết tôi đang được “săn”.
* Triết lý sống mà anh theo đuổi để có thể dấn thân và tận hiến?
Chỉ có một chữ thôi: Tử tế
* Anh có điều gì muốn chia sẻ với doanh nghiệp Việt Nam trước làn sóng tự động hóa này?
Mạnh dạn đầu tư nghiên cứu và ứng dụng. Cộng đồng nghiên cứu và ứng dụng của Việt Nam càng lớn thì càng có thể hỗ trợ lẫn nhau tốt hơn.
* Xin cám ơn anh về những chia sẻ
(Theo Bizlive - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)