Học cách đọc nhanh, hiểu sâu và tận hưởng niềm vui đọc sách
Sách hay - Ngày đăng : 08:25, 17/02/2018
Bạn đọc sách nhằm mục đích gì? Để giáo dục bản thân? Hay để nâng cao kiến thức? Với tác giả Atsushi Innami – tác giả cuốn Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời, các mục đích đó khiến ông nghĩ đọc sách không khác gì một việc tu hành kham khổ. Dù có sử dụng sách làm công cụ để đạt được các mục đích đó thì theo Innami, những điều thu được cũng không nhiều. Thay vào đó, ông mong muốn độc giả được tận hưởng toàn bộ quá trình đọc sách và nhấm nháp niềm vui ấy.
Suy nghĩ “có sách, cuộc sống sẽ thú vị hơn” đã trao cho ông động lực để viết cuốn Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời, nhằm giúp độc giả tiếp thu cách đọc mới và nuôi dưỡng cuộc đời bằng hương vị của sách.
Sau đây là phần tóm tắt cuốn Đọc nhanh, hiểu sâu, nhớ lâu trọn đời:
Đọc sách giống nghe nhạc và… chơi lego
Với những người có khả năng đọc hiểu và ghi nhớ trời phú thì chỉ cần một lần đọc kỹ là đủ để nhớ và nắm được nội dung cuốn sách. Thế nhưng phần lớn những người đọc sách lại là những người không thể nhớ được nội dung ngay trong lần đọc đầu tiên. Tuy nhiên, việc “những điều không lọt vào đầu nhiều hơn” cũng có nghĩa là “những điều còn đọng lại chính là những điều quan trọng đối với bạn”. Đây chính là giá trị bạn thu được sau khi đọc xong một cuốn sách.
Giá trị của việc đọc sách không phải là chụp lại 100% những gì sách viết mà chính là việc gặp được 1% giá trị xứng đáng. Tôi mong muốn bạn từ bỏ “ám ảnh đọc kỹ” đi. Không có “người có thể đọc sách nhanh” và “người chỉ có thể đọc sách chậm”, chỉ có “người thoát khỏi ám ảnh đọc kỹ” và “người chưa nắm được cách đọc sách” mà thôi.
Điều quan trọng nhất là kết quả. Sau khi đọc xong, kiến thức từ sách, dù chỉ một chút ít, có đọng lại trong đầu bạn hay không. Chỉ cần ấn tượng với một điều gì đó trong cuốn sách thì việc đọc của bạn cũng đã được coi là thành công rồi. Đừng cố gắng bắt mình phải nhớ cho bằng hết nội dung sách.
Tập hợp “những mảng nhỏ” từ nhiều cuốn sách để tạo thành “khối liên kết lớn” chính là ý tưởng mà hầu hết những người đọc sách chậm đều thiếu. Những mảng nhỏ tập hợp lại, kết nối với nhau sẽ giúp bạn có một lượng kiến thức rộng lớn, giống như trò chơi xếp hình Lego.
Việc đọc kỹ một cuốn sách không mang đến cho bạn một khối ghép hoàn chỉnh. Vậy nên hãy đọc nhanh thật nhiều cuốn sách để thu thập cho mình nhiều mảnh ghép trước đã. Khi chơi Lego, nếu thiếu một miếng ghép, bạn sẽ không thể tận hưởng được cảm giác hoàn thành, chiến thắng của trò chơi. Đọc sách cũng thế. Bạn không tìm thấy niềm vui khi đọc sách chẳng qua là do bạn có quá ít miếng ghép trong tay nên không thể lắp ráp được một hình khối hoàn chỉnh.
Đối với tôi, nghe nhạc và đọc sách đều giống nhau về mặt cảm giác. Đọc và nghe hóa ra lại có nhiều điểm giống nhau. Thưởng thức âm nhạc không phải là ghi nhớ mọi âm thanh, tiết tấu mà là tận hưởng một cách thoải mái cảm giác âm nhạc đang chảy trong cơ thể. Dù nghe lơ đãng đến mức nào thì chắc chắn vẫn luôn có “âm thanh đọng lại”. Âm nhạc chắc chắn tạo nên một điều gì đó trong tim chúng ta và đọng lại ở đó.
Việc ghi nhớ toàn bộ kết cấu của âm thanh, tái hiện lại một cách hoàn hảo bằng nhạc cụ hay nhớ nằm lòng ca từ vốn dĩ đều không phải là mục đích của âm nhạc. Giá trị nguyên sơ nhất của âm nhạc chính là thứ được sinh ra trong chính bản thân mỗi người sau khi nghe nhạc.
Âm nhạc không phải là thứ khiến chúng ta cảm thấy khổ sở, nó là thứ để tận hưởng, thứ giúp chúng ta bình tĩnh, hưng phấn..., nói chung là thứ rất gần với cuộc sống. Thế còn đọc sách thì sao? Tại sao mọi người lại không thể coi đó là một thú vui, không thể tận hưởng việc đọc sách giống như nghe nhạc? Không thể tiếp nhận những nội dung trong sách với tâm thế nhẹ nhàng, thoải mái?
Nếu bạn nghĩ rằng “cần phải đọc và nạp vào đầu cẩn thận” nhưng lại không thấy thích thú lắm thì hãy “để sách chảy trong đầu”. Hãy chỉ bắt đầu tích trữ khi đã vận dụng được hết giá trị của sách.
Nếu xem hành vi đọc sách giống như một “nhịp điệu cuộc sống” thì bạn sẽ thấy đó là một việc vô cùng ý nghĩa. Những người nói “Tôi muốn đọc sách nhưng không thể” là những người thất bại trong việc đưa đọc sách trở thành một phần tất yếu trong cuộc sống, thành “nhịp điệu cuộc sống” của mình.
3 bước biến đọc sách thành thói quen
Bước 1: Đọc sách vào một giờ cố định trong ngày
Bước đầu tiên để tạo ra “nhịp điệu cuộc sống” là tự thiết lập khung thời gian phù hợp với cuộc sống, như 10 phút trước khi bắt đầu công việc, 10 phút sau bữa trưa, hay 10 phút trước khi đi ngủ...
Bước 2: Ưu tiên chọn những cuốn sách “có thể đọc nhanh”
Nếu muốn biến đọc sách thành thói quen, hãy thử chọn những cuốn có nội dung có thể đọc nhanh chứ không phải cuốn mình thích. Đó là những cuốn sách mà khi nhìn vào có thể nhanh chóng nhận định được giá trị của nó nằm ở đâu. Điều quan trọng của việc biến đọc sách thành thói quen là cố gắng đọc nhiều loại sách này.
Đừng chỉ để những cuốn sách có thể đọc từ tốn trong danh mục sách của mình, hãy thêm cả những cuốn có thể đọc nhanh nữa. Bằng việc tạo ra môi trường đọc được nhiều loại sách khác nhau, bạn có thể tạo ra cảm giác tiến về phía trước. Tỷ lệ là: 90% sách có thể đọc nhanh, 10% sách không cần đọc nhanh. Hãy lưu ý tỷ lệ 9:1 này khi chọn sách.
Ngoài ra, bạn có thể đọc đan xen một cuốn sách có thể đọc nhanh khi đang đọc sách không cần đọc nhanh. Ví dụ, nếu quy định thời gian đọc sách là 60 phút, thì 30 phút đầu đọc sách chậm rãi, 30 phút còn lại đọc sách có thể đọc nhanh. Việc chia thời gian và đọc song song nhiều cuốn cùng lúc như thế sẽ giúp bạn dễ dàng tập trung vào từng cuốn hơn.
Bước 3: Luôn đọc cuốn “khác với hôm qua”
Nguyên tắc để tận hưởng niềm vui đọc sách là không đọc một cuốn quá 10 ngày. Dù có đọc cuốn không thể đọc nhanh, trong quá trình ấy nên chuẩn bị một cuốn có thể đọc nhanh để đọc xen kẽ. Bởi, dù là cuốn sách có nội dung thú vị chăng nữa, nhưng nếu đọc từ tốn mà mãi 10 ngày sau vẫn chưa xong thì người đọc sẽ nảy sinh cảm giác ngán. Tìm cách để không có cảm giác ngán khi đọc sách là điều tối quan trọng trong việc xây dựng thói quen đọc sách.
Lý tưởng nhất là một ngày đọc xong một cuốn. Để mỗi cuốn sách khác nhau chảy trong mình mỗi ngày là hình thức cơ bản của “đọc lướt”. Vì vậy, ngay từ đầu, hãy thiết lập thời gian đọc sách. Chỉ đọc trong khoảng thời gian đó thôi sẽ giúp bạn có những cách thưởng thức sách vừa hiệu quả vừa mê say. Đọc thoăn thoắt trong 60 phút thay vì đọc lờ đờ trong suốt 10 ngày, chắc chắn chất lượng đọc của bạn sẽ được cải thiện hơn nhiều.
Thói quen đọc sách buổi tối rất khó hình thành. Thay vào đó, nên đọc sách vào buổi sáng – thời điểm hiệu suất làm việc của chúng ta rất cao.
Ví dụ, trường hợp muốn thức dậy và vận động lúc 7 giờ, hãy cài báo thức:
6h49: báo thức gọi dậy -> bắt đầu đọc sách
6h50: âm nhạc yêu thích (nhạc nền dùng cho đọc sách) -> vừa nghe vừa đọc
7h: báo thức gọi dậy lần hai -> kết thúc đọc sách và ngồi dậy
Cách chia nhỏ như thế hiệu quả hơn nhiều so với việc đột ngột quyết định mỗi sáng đọc sách một tiếng. Chỉ cần 10 phút là đủ, miễn đọc mỗi ngày cho đến khi việc ấy thành thói quen.
Phương pháp đọc sách hô hấp
Đọc hô hấp nghĩa là không chỉ đọc (hít vào) mà còn phải viết (thở ra).
Bước 1: Chọn ra một dòng thể hiện sức cuốn hút của cuốn sách
Đừng cố nhớ những điều bạn quan tâm. Hãy viết ra! Với những người cho rằng mình đọc sách chậm thì tôi đặc biệt khuyên hãy vừa đọc vừa ghi trích dẫn. Việc để cho nội dung mình vừa đọc chảy qua đầu và viết phần nội dung ấy ra ngoài đều quan trọng, giúp thông tin không chỉ được tiếp nhận về mặt thị giác mà còn một lần nữa được tiếp nhận thông qua việc ghi chép. Cách làm này hiệu quả hơn bất cứ cách đọc kỹ và đọc lướt nào. Có điều, khi trích dẫn đường viết dài mà hãy tóm tắt sao cho thật ngắn gọn, súc tích. Tôi gọi đây là “một dòng mẫu”.
Những trích dẫn bạn ghi lại sau khi đọc một cuốn sách chính là “những gì thu được sau khi đọc xong một cuốn sách”.
Sau khi đọc xong một cuốn sách, hãy đọc kỹ lại những trích dẫn đã ghi chép. Những mục này giống như phần khiến bạn rung động khi nghe một album nhạc, việc tổng kết lại những điều này giống như việc bạn đang tạo ra một “bản remix” yêu thích của chính mình.
Điều này khiến niềm vui khi đọc sách được nhân lên bội phần.
Bước 2: Chọn ra một “dòng tinh hoa”
Vừa đọc vừa ghi lại trích dẫn, đọc lại trích dẫn một lần nữa sau khi đã đọc xong cuốn sách, và hãy chọn từ trong số ấy một câu trích dẫn ưng ý nhất. Đó chính là phần giá trị nhất sau khi đọc xong toàn bộ cuốn sách, tôi gọi là “dòng tinh hoa”.
Khi ý thức được việc đọc và tìm ra được một dòng tinh hoa thì bạn sẽ loại bỏ được cảm giác tiêu cực. Suy nghĩ đọc sách là “phiền toái” hay “quá khó khăn” xuất hiện là do bạn mới chỉ “lướt qua câu chữ” mà thôi.
Dù thế nào thì điều quan trọng của việc đọc sách là vừa tận hưởng được nội dung, vừa tận hưởng được niềm vui tìm thấy trong cuốn sách đó. Nếu ngay từ đầu bạn có trong mình niềm vui “được lật giở từng trang sách thật là thích” thì chắc chắn bạn sẽ sớm thoát khỏi nhãn mác “người đọc sách chậm”.
Bước 3: Chọn ra một dòng tóm tắt
Với tư cách là người ngày nào cũng đọc và viết bình luận sách, tôi khuyên các bạn hãy luyện tập viết “một dòng cảm tưởng”. Nếu muốn ghi lại thông tin cần thiết một cách hiệu quả trong khi chỉ đọc sách trong một thời gian ngắn thì đây chính là cách tốt nhất.
Hãy ghi chép “một dòng mẫu” vào một cuốn sổ tay hoặc một quyển vở, kèm theo ngày tháng, tên sách, tên tác giả sau đó ghi lại “một dòng tinh hoa” và cuối cùng tóm tắt lại toàn bộ trong một đoạn khoảng 30 – 40 chữ.
Bước 4: Tự đánh giá bản thân thông qua việc đọc sách
Nếu xem xét kỹ khuynh hướng đọc sách của mình, bạn sẽ nhìn ra “cuốn tiếp theo mình muốn đọc là cuốn nào”, thậm chí còn có thể xác nhận lại cách suy nghĩ của bản thân thông qua những khuynh hướng ấy.
Đồng thời, việc viết trích dẫn bằng tay thay vì đánh máy giúp nhìn ra “bản chất”, vì việc ghi chép bằng tay giúp bạn hiểu rõ nội dung hơn, nó giới hạn ghi chép của bạn trong những nội dung cần thiết, và còn giúp bạn có thể nhìn thấy rõ thành tựu (cảm giác mỗi dòng câu mẫu và dòng tóm tắt tăng dần trên giấy).
Quy luật đọc lướt
Phần lớn các chương trong một cuốn sách được chia tách bởi các tiêu đề. Và mỗi phần ấy lại được chia nhỏ hơn nữa bởi các tiêu đề nhỏ, biểu thị nội dung của các đơn vị thông tin nhỏ hơn trong mỗi chương. Vì vậy, bạn có thể quyết định đọc lướt hay không phần nội dung mà tiêu đề nhỏ thể hiện. Như vậy, bạn sẽ loại bỏ được những phần mình cho là không quan trọng.
Những nội dung có thể “đọc nhảy cóc”:
- Câu chuyện của bản thân tác giả (giúp tạo điểm khác biệt giữa những cuốn sách kinh doanh và phát triển kỹ năng nhưng thường không giúp ích gì cho độc giả)
- Những ví dụ và trải nghiệm đằng sau chủ trương và lý luận (trong sách kinh doanh và phát triển kỹ năng, thường thì sau mỗi lý luận đưa ra đều là một ví dụ hoặc một trải nghiệm thực tế - phần có thể bỏ qua vì nếu bỏ qua vẫn kết nối được với nội dung của phần sau và hiểu được chủ trương của tác giả)
- Những nội dung thổi bùng cảm xúc của độc giả lên (với những người đọc sách nhằm phát triển kỹ năng thì có lẽ đây là phần quan trọng, nhưng tôi thường không tin tưởng lắm những cuốn sách nói quá lên kiểu “cuộc sống thay đổi thế nào sau khi đọc xong cuốn sách”)
Độc giả là người đóng vai chính trong việc đọc sách. Hãy đối diện với cuốn sách gần với bản ngã của mình nhất chứ không phải trong tâm thế “đọc không bỏ sót một chữ nào”.
4 bước để đọc sách nhanh
Bước 1: Đọc thật kỹ phần lời nói đầu và mục lục
Bước 2: Nếu phân vân chưa biết có nên đọc nhảy cóc hay không, hãy đọc 5 dòng đầu tiên và 5 dòng cuối cùng của mỗi mục nhỏ
Bước 3: Hãy xác định mục đích (muốn tìm kiếm thông tin gì, hiểu rõ hơn về cái gì) rồi đọc lướt qua những phần có ít mối liên hệ với từ khóa mà mình không muốn bị bỏ lỡ và chỉ tập trung vào những phần có chứa từ khóa
Bước 4: Đừng sử dụng mãi “nhịp cơ bản” khi đọc, hãy thử tăng tốc độ lên gấp 1,5 lần (chế độ sang số trung), lên 2 lần (chế độ sang số cao), lên 5 lần (chế độ đọc lướt)... đối với những phần nội dung nhất định
Kỹ thuật chọn sách: Phá vỡ “bức tường yêu thích” để tăng lượng “sách yêu thích”
Giả sử chọn 6 cuốn cho mỗi tuần, hãy cố gắng đưa vào 1 – 2 cuốn sách bạn không thích lắm. Chính trải nghiệm rung động có được khi đọc cuốn sách mà từ trước tới nay bạn không thích sẽ giúp bạn thấy đọc sách không chỉ có một màu và dần mở rộng phạm vi của mình thông qua việc chọn sách.
Đồng thời, hãy cùng chọn sách và giới thiệu sách với nhau, bởi việc chọn sách vì ai đó và được ai đó chọn sách cho là một điều có ý nghĩa vô cùng quan trọng, hơn cả niềm vui đọc sách.
Hãy dành cuốn sách có nội dung câu chuyện vào ngày tự do để đọc cùng 6 cuốn có nội dung người thật việc thật (sách kinh doanh, kỹ năng...) trong tuần để có thể tận hưởng được cuộc sống đọc sách một cách trọn vẹn.
Bí quyết sở hữu sách: Biết nhiều địa điểm mua sách
Thư viện và hiệu sách cũ có vẻ như là đối thủ của nhau trong ngành xuất bản. Nhưng với người đọc nhiều sách thì nơi nào cũng quan trọng như nhau. Nếu muốn hiện thực hóa cuộc sống đọc nhiều sách thì nhất định phải tận dụng triệt để 2 nơi này.
Vì các hiệu sách thường sẽ chỉ nhập về những cuốn bán chạy, nên nhìn hiệu nào cũng giống hiệu nào, những cuốn lập tức đập vào mắt luôn là sách mới. Tuy nhiên, lợi ích của điều này là nó chính là nơi phản ánh trào lưu mới của thời đại. Vì vậy hãy đến hiệu sách mỗi tuần một lần.
Còn sách ở thư viện sẽ đa dạng hơn nhiều do có cách phân loại khác, và khi vào thư viện, sẽ có những lúc bạn muốn thốt lên “Sao có cuốn như thế này mà mình không biết cơ chứ?”.
Ở hiệu sách cũ, cách sắp xếp sách cũng khác với thư viện. Bạn cũng có thể sở hữu một cuốn sách yêu thích ở đây mà không phải bận tâm nhiều về giá. Tuy cơ hội gặp được những cuốn hay có vẻ ít hơn so với trong thư viện nhưng chính điều ấy giúp bạn có được niềm vui sướng khôn tả khi tìm thấy một cuốn ưng ý.
Kỹ thuật quản lý giá sách: Làm gì với sách đã đọc xong?
Người càng yêu sách càng dễ chia tay sách, vì bỏ bớt những cuốn không cần thiết sẽ khiến bạn thích sách hơn. Tôi luôn dọn sách định kỳ để dành tặng cho người muốn đọc nó. Chuyển từ việc tích trữ sang luân chuyển không chỉ giúp thay đổi “cách đọc” mà còn thay đổi cả “cách quản lý”.
Khi sắp xếp sách, hãy quay gáy sách ra ngoài để nhìn được tên của tất cả các cuốn và sắp xếp theo trình tự thời gian phát hành (đặc biệt là sách kinh doanh thường được xuất bản để theo kịp với thời đại, nên những cuốn có nội dung đã quá cũ thì hãy xử lý bớt đi).
Cách tốt nhất là sắp xếp lại giá sách mỗi 3 tháng một lần. Việc này giúp bạn nhìn ra được bản thân từ những cuốn “không thể bỏ đi”, xác nhận lại giá trị quan và sở thích, khuynh hướng của bản thân, vì giá sách là tấm gương phản ánh chính mình.