Bí quyết hạnh phúc khi... không đi đâu cả

Sách hay - Ngày đăng : 06:56, 27/02/2018

Không quan trọng là bạn đi tới đâu hay đi xa cỡ nào, quan trọng là bạn sống bao nhiêu.
Bí quyết hạnh phúc khi... không đi đâu cả

Việc di chuyển của thân thể không mang lại cho chúng ta nhiều bằng cái tinh thần mà chúng ta mang đến cho chuyến đi. Ảnh minh họa: David Mcnew/Getty Images

"Trong thời đại của tốc độ, tôi bắt đầu có suy nghĩ rằng, chẳng gì có thể mạnh mẽ hơn việc chậm lại. Trong thời đại của sự xao lãng, chẳng gì có thể xa xỉ hơn là tập trung sự chú tâm. Và trong một thời đại luôn luôn chuyển động, chẳng gì gấp gáp hơn việc ngồi yên lặng. Bạn có thể đi nghỉ ở Paris, Hawaii hay New Orleans trong vòng 3 tháng, và bạn sẽ có một khoảng thời gian tuyệt vời. Nhưng nếu bạn muốn khi trở về, mình có cảm giác mới mẻ, tràn đầy sức sống, hy vọng và tình yêu với thế giới, tôi nghĩ nơi mà bạn cần tới thăm là không đâu cả", tác giả Pico Iyer cho biết trong cuốn Nghệ thuật của sự tĩnh lặng.

Tác phẩm này nằm trong bộ sách TED Books, được song hành cùng một bài thuyết trình TED (TED Talks) có liên quan. Cụ thể, cuốn sách tiếp tục tại phần mà bài thuyết trình mà các diễn giả dừng lại, ở đây là diễn giả, tác giả, nhà báo Pico Iyer - Chủ tịch danh dự của Đại học Chapman.

Pico Iyer - người đã dành 40 năm để chu du khắp thế giới, nhưng giờ đây lại chú trọng vào việc tham gia vào một hành trình mới mẻ: hành trình không nơi đến. Không những thế, ông còn góp phần lan tỏa ý tưởng này đến ngày càng nhiều người hơn.

Cùng tìm hiểu và đồng hành với tác giả Pico Iyer trên hành trình độc đáo này thông qua phần tóm tắt cuốn sách Nghệ thuật của sự tĩnh lặng:

[Caption]

Hành trình không nơi đến

29 tuổi, tôi có một cuộc đời đúng như mơ ước hồi bé: sở hữu công việc đầy hấp dẫn là viết về những vấn đề thời sự thế giới cho Tạp chí Time, có thể tận hưởng những kỳ nghỉ dài ở khắp nơi, từ Bali đến El Salvador.

Nhưng trong những chuỗi ngày tháng đầy sôi nổi và háo hức ấy, tôi biết rằng mình đang chạy lăng xăng khắp nơi nhiều đến mức không có lấy một cơ hội nhìn lại về nơi mình đang đi tới, hay để cảm nhận rằng liệu mình có đang hạnh phúc thực sự hay không. Vì thế tôi đã quyết định rời bỏ cuộc sống trong mơ và dành một năm ở trong một căn phòng đơn nhỏ xíu nằm trên một khu phố hẹp tại cố đô Kyoto của Nhật Bản.

Tôi thấy mình đã hưởng một chế độ di chuyển và kích thích tuyệt vời ở New York, và giờ đây là thời gian để cân bằng lại với một hoạt động đơn giản hơn, học cách làm cho những niềm vui ấy bớt hướng ngoại và phù phiếm.

Việc di chuyển của thân thể không mang lại cho chúng ta nhiều bằng cái tinh thần mà chúng ta mang đến cho chuyến đi. Như Henry David Thoreau – một trong những nhà thám hiểm vĩ đại ở thời đại của ông – đã tự nhắc nhở bản thân trong nhật ký: “Không quan trọng là bạn đi tới đâu hay đi xa cỡ nào, thường thì càng xa càng tệ, quan trọng là bạn sống bao nhiêu”.

2 năm sau, tôi đến khu nhà tu Bennedictien. Và ngay khi tôi đến dự các lễ trong nhà nguyện thì phép màu đã bị phá vỡ: sự im lặng còn âm vang hơn bất cứ ngôn từ nào. Tôi khám phá ra, ngay khi tôi ở một nơi, không bị xao lãng, thế giới bừng sáng lên và tôi hạnh phúc như khi tôi quên đi chính mình.

Thiên đàng là nơi bạn chẳng nghĩ về nơi nào cả.

Tôi không giỏi về việc ở yên một chỗ, và tôi cũng không thuộc về một tổ chức tâm linh nào, nhưng tôi thực sự cảm thấy trải qua thời gian yên lặng tạo nên giá trị và sự phấn khích tươi mới cho mọi thứ trong những tháng ngày tiếp theo của tôi. Như thể tôi trượt ra khỏi cuộc sống của mình và lên một quả đồi nhỏ từ đó tôi có thể thấy rõ một khung cảnh rộng lớn hơn.

Khi trở lại cuộc sống hằng ngày, tôi cảm thấy một sự tự do thực sự, không phải nghiêm trọng hóa những suy nghĩ, những tham vọng của mình.

Sau đó, tôi chuyển tới sống ở Nhật, trong một căn hộ mà tôi và vợ không có xe hơi hay xe đạp, không phòng ngủ mà cũng chẳng có tivi. Mỗi ngày giống như một bình nguyên sáng rộng đang trải dài trước mắt tôi tới tận những đỉnh núi.

Chân dung “người hạnh phúc nhất thế giới”

Khi tôi đến thăm Matthieu Ricard ở Zurich (Thụy Sĩ), người đàn ông Pháp 59 tuổi này thường được mô tả là “người hạnh phúc nhất thế giới”. Ông cực kỳ bận rộn vì phải đi giải thích về việc hạnh phúc có thể được tăng trưởng cũng như cơ bắp tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ), tham dự những hội nghị giữa các nhà khoa học về Vật chất và Tinh thần ở Ấn Độ, phiên dịch cho đức Đạt Lai Lạt Ma khắp toàn cầu, mang những ưu tiên mà ông đã làm cho tinh anh trong lúc ngồi yên lặng vào việc xây dựng bệnh viện, trường học, cầu cống khắp Tây Tạng.

Điều có thể ít người biết là trước năm 21 tuổi, Ricard là người có bằng tiến sĩ về sinh học phân tử từ Viện Pasteur và là học trò của nhà khoa học từng đạt giải Nobel – Francois Jacob. Cha ông là một trong những học giả hàng đầu ở Pháp, mẹ ông là một họa sĩ trường phái trừu tượng rất nổi tiếng.

Nhưng khi 21 tuổi, Ricard tới thăm Nepal, niềm vui và cảm nhận về sự sâu sắc mà ông thấy qua mấy vị thầy Tây Tạng ở đây đã làm ông xúc động sâu sắc đến nỗi, 5 năm sau, ông từ bỏ nghề nghiệp triển vọng trong khoa học và chuyển tới sống dưới bóng của dãy Himalaya. Ông học tiếng Tạng, mặc quần áo tu viện, và phục vụ trong hơn chục năm như một học trò của người thầy Dilgo Khyentse Rinpoche.

pico iyer doanhnhansaigon

Tác giả Pico Iyer thuyết trình tại diễn đàn TED Talk

Ricard từng xuất bản cuốn sách ảnh mà với tôi, nó dường như là cuốn sách du ký không thể thiếu được. Ông thực hiện một khóa nhập thất tại một thất nhỏ trên đỉnh núi tại Nepal trong hơn nửa năm, và một hai lần một tuần, ông bước ra ngoài thất và chụp một bức ảnh về những gì ở bên kia cửa ra vào. Cùng một bối cảnh, góc nhìn, thêm hoặc bớt một chút xíu, nhưng cảnh vật thay đổi với những đám mây, những cơn mưa, vào mùa đông hay mùa xuân, và tâm trạng thay đổi của người đàn ông sau ống kính.

Khi tôi lật giở cuốn sách, những “chân dung” của “Không đâu cả” thật là kỳ ảo, như thể cả thế giới đều rủ nhau tụ hội lại tại mái thất của ông. Cuốn sách được ông đặt tên là Chuyến du hành không chuyển dịch (Motionless Journey) có thể được coi là một cuộc khảo sát về mọi sự vật thay đổi và không thay đổi như thế nào, cách mà cũng chỗ ấy lại trông khác đi thế nào ngay cả khi bạn thực sự chẳng đi đâu cả.

Nhưng điều làm cho nó trở nên ám ảnh nhất là tự bản chất, nó là một sự miêu tả quang cảnh ở bên trọng tâm thức. Đây là hình ảnh của tâm trí bạn – cuộc đời của bạn – khi bạn chẳng đi đâu cả. Luôn đầy màu sắc, cảnh vật mới, và vẻ đẹp mới, luôn luôn, ít nhiều, chẳng hề đổi thay.

Dù bạn có bỏ trốn, bóng tối vẫn ở đó

Thomas Merton – một vị tu sĩ có tài hùng biện – từng nói: “Phong cách trầm tư không phải là một phương cách, và nếu ai đó cứ cố theo đuổi thì những gì anh ta tìm thấy là không gì cả”.

Một trong những nguyên tắc của việc ngồi yên lặng là “nếu bạn đi vào nó với mục tiêu đã định sẵn như tìm sự trầm tư, hay thậm chí tồi tệ hơn là an lạc, bạn sẽ chẳng tìm thấy gì cả. Bạn sẽ không thể tìm thấy gì cả nếu trước tiên, trong ý nghĩa nào đó, mục tiêu không bị từ bỏ”.

Điều này khá nghịch lý, nhưng tôi có thể nắm bắt điểm mấu chốt ở đây là: Một người ngồi trong yên lặng thì cô đơn, thường là thế, nhớ đến những gì mà anh ta không có. Và những gì anh ta có thì có thể rất giống như không có gì.

Bạn chẳng vượt qua được những bóng tối bên trong bạn chỉ bằng cách đi khỏi chúng được.

Lùi ra xa để nhìn thấy bức tranh cuộc sống rộng lớn hơn

Ý niệm về việc Không đi đâu cả vốn phổ quát như là luật hấp dẫn. Đó là lý do vì sao những bộ óc khôn ngoan từ mọi truyền thống đều nói về nó. Nhà toán học, nhà triết học người Pháp thế kỷ XVII Blaise Pascal đã nói: “Tất cả bất hạnh của con người xuất phát từ một sự thật đơn giản, rằng họ không thể ngồi yên trong phòng của mình”. Sau khi sống gần 5 tháng liền trong một cái lán ở Nam Cực một mình, với nhiệt độ thường xuống tới -70 độ, Đô đốc Richard E. Byrd kết luận: “Một nửa những rắc rối của thế giới này đến từ việc không biết rằng chúng ta cần rất ít”. Hay như ở Kyoto, người ta thường nói: “Đừng làm gì cả, hãy ngồi ở đây”.

Các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu mới về sự gián đoạn đã thấy rằng, cần mất khoảng 25 phút để phục hồi lại từ một cuộc điện thoại, nhưng những sự gián đoạn như vậy thường diễn ra mỗi 11 phút một lần. Điều này có nghĩa là chúng ta chẳng bao giờ bắt kịp được cuộc sống cả.

Thế giới "ít thông tin" dường như từng khá yên bình so với ngày nay. Trên thực tế, hiện tại, lượng thông tin mà nhân loại thu thập được trong khi bạn đọc cuốn sách này lớn gấp 5 lần toàn bộ sách vở và tư liệu hiện có trong Thư viện Quốc hội Mỹ.

Tuy nhiên, có một thứ mà công nghệ hiện đại không cung cấp cho chúng ta, đó là một cảm giác về việc làm thế nào để sử dụng tối ưu công nghệ. Nói cách khác, khả năng thu thập thông tin, đã từng rất quan trọng, giờ đây kém quan trọng hơn nhiều so với khả năng xem xét thấu đáo các thông tin ấy.

Chúng ta đang đứng sát một bức tranh lớn đầy ồn ào, đông đúc và thay đổi theo từng một phần triệu giây. Chỉ bằng cách lùi ra xa và đứng yên thì chúng ta mới có thể nhìn thấy những gì mà bức tranh ấy, tức là cuộc sống của chúng ta, thực sự có ý nghĩa gì, và lĩnh hội được một bức tranh rộng lớn hơn.

Một phần ba các công ty Mỹ giờ đây có “chương trình làm giảm stress”, và số lượng các công ty này ngày càng tăng, một phần vì nhân viên thấy việc khai thông các động mạch trong tâm trí khiến họ phấn chấn.

Điểm chính yếu của ngồi yên lặng là nó giúp bạn nhìn rõ ý tưởng của việc tiến lên phía trước. Nó lột trần bạn ra khỏi con người mình, như ra khỏi một bộ áo giáp, bằng cách đưa bạn vào một nơi mà bạn được định nghĩa bằng một thứ gì đó lớn lao hơn.

Nếu điều này thực sự đem lại các lợi ích thì các lợi ích đó nằm trong một tài khoản vô hình nào đấy có lãi suất cao nhưng kỳ hạn rất dài, mà sẽ được rút ra vào những lúc chắc chắn không thể tránh được. Và tất cả những gì bạn phải rút ra là những thứ bạn đã tích góp trong những khoảnh khắc thâm sâu.

Đánh mất sự liên lạc với chính mình – “căn bệnh thời đại”

Tôi từng có thể kiêng ăn thịt, uống rượu, kiêng tình dục… nhưng không muốn từ bỏ việc kiểm tra email hay tiếp tục công việc. Nếu tôi không trả lời tin nhắn gửi tới ngày hôm nay, tôi tự nhủ sẽ có nhiều thư cần phải trả lời vào ngày mai. Nếu tôi nghỉ ngơi, tôi vẫn tin rằng tôi sẽ càng phải vội vã hơn sau đó.

Khi buộc mình phải rời xa bàn làm việc, dĩ nhiên, tôi tìm thấy điều ngược lại: càng nhiều thời gian tôi rời xa bàn giấy, công việc càng trở nên tốt hơn.

Chính những người bận rộn nhất là những người cần tự cho mình nghỉ ngơi nhất. Các nghiên cứu cho biết, stress là một loại bệnh truyền nhiễm. Nếu một người mẹ nghèo khổ, bị quá tải có thể nhờ chồng (hay mẹ hay một người bạn) trông giùm những đứa con của mình chừng 30 phút mỗi ngày, tôi tin chắc cô ấy sẽ có nhiều sự tươi mát và hạnh phúc hơn để chia sẻ với các con mình khi cô ấy trở lại, và cả với công việc của cô ấy nữa.

Trong thời đại của sự dịch chuyển và kết nối, chúng ta cảm thấy được kết nối liên tục mọi nơi mọi lúc. Nhưng trong khi khoảng cách địa lý được chúng ta kiểm soát hết mức thì thời gian lại ngày càng độc đoán hơn với chúng ta.

Chúng ta càng có thể liên lạc với những người khác thì đôi khi có vẻ như chúng ta càng mất sự liên lạc với chính mình.

Khi rời New York để đi tới một khu phố nhỏ ở Nhật Bản, tôi hình dung ra mình sẽ nghèo hơn về tiền bạc, các thú vui chơi, cuộc sống xã hội và những thứ hiển nhiên khác, nhưng tôi lại giàu có hơn về những thứ mà tôi đánh giá cao nhất: ngày và giờ.

Yên lặng để hiểu biết và cảm thông hơn

Chỉ bằng việc dứt mình đi xa khỏi sự ồn ào và xao lãng thì tôi mới có thể bắt đầu lắng nghe điều gì đó ngoài tầm tai và nhớ ra rằng lắng nghe thì mạnh mẽ hơn nhiều so với việc lên tiếng hay phản ứng với tất cả những ý nghĩ và sự định kiến dù sao cũng ở lại với tôi suốt 24 giờ một ngày.

Và chỉ bằng việc không đi đâu cả - ngồi yên lặng và để cho đầu óc thư thái – thì tôi mới thấy những suy nghĩ tới với tôi mà không bị cản trở tươi mát hơn và giàu hình ảnh hơn nhiều so với những suy nghĩ mà tôi chủ tâm tìm kiếm.

Đặt chế độ trả lời tự động email, tắt tivi khi đang phải xử lý những công việc đơn điệu hằng ngày, cố gắng tìm một nơi yên tĩnh giữa một ngày bận rộn,… tất cả sẽ nhanh chóng giúp mở ra một không gian mới mẻ bất ngờ.

Với việc hàng tỷ người lân cận trên thế giới đang thiết tha cần được giúp đỡ, có quá nhiều thứ phải hoàn thành, có vẻ như thật ích kỷ nếu chúng ta nghỉ ngơi hay rời bỏ để đi tới một nơi yên tĩnh. Nhưng ngay khi ngồi yên lặng, bạn sẽ thấy rằng điều đó thực sự mang bạn tới gần mọi người hơn, trong việc hiểu biết và cảm thông với họ.