Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang - đại sứ văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc

Văn hóa nghệ thuật - Ngày đăng : 06:50, 28/02/2018

Là nghệ sĩ gắn liền với âm nhạc dân tộc Việt Nam, Ngô Hồng Quang có thể chơi được nhiều nhạc cụ khác nhau và có một giọng hát đậm màu sắc dân gian.
Nghệ sĩ Ngô Hồng Quang - đại sứ văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc

Sẵn đam mê sáng tạo cùng với mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với bạn bè thế giới thông qua “lăng kính” của riêng mình, kết hợp với những kiến thức được tiếp thu ở Học viện Âm nhạc Hoàng gia Hà Lan, Quang luôn bước vào những cuộc tìm tòi sáng tạo đầy khám phá. Thông qua mỗi tác phẩm âm nhạc, đặc biệt là album, Quang giới thiệu đến công chúng những điều mới lạ mà anh hằng ngày nghiên cứu, thử nghiệm.

Nếu album Song hành (được phát hành năm 2011) là kết tinh của âm nhạc Việt Nam truyền thống cùng nhạc điện tử do Quang hợp tác cùng nghệ sĩ Hà Lan Onno Krijn và một số nghệ sĩ nước ngoài sống tại Hà Lan thì Nam nhi là album dành riêng cho quan họ kết nối với những nhạc cụ phương Tây thông qua ngũ tấu đàn dây.

Lần trở lại này, Ngô Hồng Quang không hát đúng theo lối cổ nhưng vẫn giữ đúng các luyến láy và phát âm, nhả chữ đậm chất Bắc bộ. Người nghe luôn cảm nhận được sự quen mà lạ, lạ mà quen bởi cách hát ấy được kết nối với ngũ tấu đàn dây - những nhạc cụ có khả năng làm tốt chức năng biểu đạt đường nét hoa mỹ, luyến láy của quan họ. Đây là một sắc thái mới cho những giai điệu quen đối với người đã yêu thích quan họ, đồng thời là một sự thú vị cho người mới tiếp cận với quan họ.

Có thể nói, Nam nhi là một album đáng nghe và có vị trí riêng trong đời sống âm nhạc. Khi quan họ kết hợp với ngũ tấu đàn dây sẽ tựa như một chiều kích âm nhạc khác đối với người nghe – chiều kích tất yếu khi các giá trị truyền thống hòa vào hành trình sáng tạo âm nhạc đương đại của nghệ sĩ Ngô Hồng Quang.

nghệ sĩ ngô hồng quang

Hỏi Quang vì sao anh vẫn phát hành album cứng, truyền thống khi lượng tiêu thụ ngày một giảm và nạn vi phạm bản quyền khó kiểm soát tại Việt Nam? Anh từ tốn đáp: “Tôi luôn thích cầm trên tay một album với đầy đủ các yếu tố như thiết kế đẹp, ấn tượng. Điều này thể hiện sự tâm huyết, tận tâm của người nghệ sĩ đối với chính bản thân mình và với người nghe nhạc. Ngoài ra, tôi vẫn làm cả việc đưa nhạc của mình lên mạng internet để mọi người cũng vẫn có thể dễ dàng cập nhật. Tuy nhiên, chất lượng nhạc trên mạng thì không thể bằng chất lượng của CD”.

Cũng nhân dịp này, trong những ngày đầu tiên của năm 2018, Quang từ Hà Lan về nước thầm lặng tổ chức buổi diễn nhỏ dành cho 80 khán giả tại The Myst và giao lưu với 50 người hâm mộ tại The Factory (TP.HCM). Lần này anh xuất hiện cùng nhân tố mới Bảo Trung. Quang đã gặp Bảo Trung tại Pháp sau một lần tập luyện với nhóm Overseas (dự án tập trung các nghệ sĩ tài năng người Việt và gốc Việt hiện đang làm việc tại nước ngoài, dự kiến ra mắt khán giả Việt Nam vào cuối năm 2018).

Anh kể: “Trung là người thân thiện và có cảm giác tốt về nhịp điệu âm nhạc đương đại. Tôi đã thử chơi nhạc cùng Trung và thấy là khá hợp với gu nhạc của mình. Tôi đã đề xuất ý tưởng mời Trung về tham gia show diễn của mình đợt vừa rồi tại TP.HCM với 2 mục đích: giới thiệu một tài năng trẻ đến khán giả Việt Nam và cũng để âm nhạc của tôi được thể hiện trong một không gian mới đầy năng lượng sức trẻ. Chúng tôi không có nhiều thời gian để tập luyện nên mỗi lần gặp nhau (đi ăn, cà phê hay tranh thủ lúc luyện tập những chương trình khác) chúng tôi đều chia sẻ kinh nghiệm cũng như tìm tòi các ý tưởng mới cho đêm nhạc. Đối với tôi, gặp Trung là một trải nghiệm mới và đầy hứng khởi”.

ngô hồng quang

Dường như việc phối hợp với các nghệ sĩ khác ngành luôn tạo thêm năng lượng mới cho anh. “Với nghệ sĩ múa Vũ Ngọc Khải, tôi luôn học được nhiều điều mới từ múa đương đại. Tôi đã mang âm nhạc của mình kết hợp vào một không gian hoàn toàn xa lạ - điều tôi chưa từng làm. Sự kết nối của ngôn ngữ nghệ thuật đương đại giữa âm nhạc và múa đã dẫn tôi vào một thế giới hiện đại đầy sáng tạo của những con người hiện đại nhưng lại rất truyền thống. Còn với Bảo Trung, tôi nghĩ tôi đã làm đẹp hơn âm nhạc dân tộc khi kết hợp với những thể loại mới như beatbox. Điều này thể hiện sự phong phú, đa chiều và phát triển của âm nhạc dân tộc Việt Nam. Việc kết hợp với những thể loại nhạc mới, trẻ trung, luôn làm tôi tò mò, tạo cảm hứng sáng tạo mới mẻ. Vì thế, mỗi lần kết hợp với những cái mới là âm nhạc của tôi lại tràn ngập năng lượng”, Quang chia sẻ.

Tính đến nay, Quang đã biểu diễn ở 35 quốc gia khắp mọi châu lục, anh có thể được gọi là đại sứ văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc. Trong những chuyến đi đó, Quang mang theo niềm tự hào lớn nhất là người Việt và chơi nhạc Việt Nam. Ngoài việc truyền bá âm nhạc truyền thống, sự gắn kết của ngôn ngữ đa thanh với âm nhạc, khán giả nước ngoài còn thấy được cuộc sống âm nhạc đương đại và phong cách sống của một người nghệ sĩ âm nhạc dân tộc thời nay của Việt Nam. Qua đó, họ sẽ thấy được tư duy và sự phát triển của một nền văn hóa âm nhạc mà ít người biết tới. Anh cho biết: “Kết hợp, bảo tồn và phát triển âm nhạc là con đường tôi đã và sẽ tiếp tục đi”.

Tuy nhiên, anh vẫn mang nỗi niềm trăn trở mỗi khi trở về: làm sao để có nhiều người quan tâm tới âm nhạc truyền thống hơn nữa? Chính vì điều đó, anh đang cố gắng tiếp cận khán giả trong nước, càng nhiều càng tốt! Năm 2018, Quang sẽ thực hiện thêm một vài buổi biểu diễn nữa, có thể vào mùa hè hoặc đợt cuối năm.

Được biết, giữa những bận rộn của những ngày ngắn lưu lại TP.HCM, ngay sau 2 buổi diễn, Quang vẫn dành thời gian giao lưu với 30 em khiếm thị ở mái ấm Thiên Ân (TP.HCM), sắp tới sẽ trình diễn tại trường khuyết tật ở Paris.

ngo-hong-quang-doanhnhansaigon-5312-5925

Hỏi anh vì sao lại lưu tâm đến những khán giả đặc biệt này, Quang tâm sự: “Tôi luôn trân quý những người khuyết tật và ngưỡng mộ nghị lực của họ. Tôi thử đặt mình vào vị trí của họ thầm nghĩ chắc mình khó mà tồn tại được. Hơn nữa, thời là sinh viên, tôi cũng có những khoảnh khắc sống và giúp đỡ những người khiếm thị. Việc biểu diễn trước các khán giả này luôn tạo cho tôi một cảm giác đặc biệt hơn những buổi biểu diễn khác. Đứng trước họ, biểu diễn cho họ nghe, nhìn đôi tai và vẻ biểu cảm của họ, tôi thấy được tầm quan trọng và giá trị của âm nhạc với họ và có một sự kết nối rất đặc biệt. Tôi tin họ cảm nhận âm nhạc của tôi theo một chiều kích khác, có lẽ là cả một thế giới âm thanh đầy mê hoặc, phấn chấn, thôi thúc và tạo cảm hứng”.

(Theo DoanhnhanPlus - Tựa bài do DNSG Online đặt lại)

CẨM PHÔ - SƠN TRẦN