Ô tô nhập khẩu từ Thái rộng cửa trở lại Việt Nam từ tháng 3/2018
Công nghệ - Ngày đăng : 03:53, 28/02/2018
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chấp nhận mẫu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô do chính phủ Thái Lan cung cấp cho xe xuất khẩu từ nước này vào Việt Nam. Đây là loại giấy tờ quan trọng nhất, chìa khóa để mở cánh cửa vốn gần như khép lại với xe nhập khẩu từ Thái Lan.
Đại diện VAMA, ông Phạm Anh Tuấn, Tổng trưởng Ban kế hoạch chiến lược Toyota Việt Nam cho biết, các hãng đã trình loại giấy này một thời gian. Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Khoa học công nghệ cho biết, Bộ GTVT đồng ý với loại giấy chứng nhận mà Thái Lan đưa ra. Ông cũng nói thêm, nếu các nước như Indonesia, Malaysia, hay ngoài ASEAN là Nhật Bản, Mỹ, châu Âu cung cấp đủ giấy sẽ nhanh chóng chấp nhận bởi đây đều là những nước có nền công nghiệp ôtô phát triển hơn Việt Nam.
Các hãng đang ráo riết lên kế hoạch đưa hoạt động nhập khẩu liền mạch trở lại sau nhiều tháng gián đoạn. Nghị định 116 ban hành từ tháng 10-2017, hai tháng cuối năm ngoái các hãng bán nốt số xe còn lại trong kho và về những đợt hàng cuối đã đặt từ trước. Hai tháng đầu 2018, hãng không còn xe để bán, lượng xe trôi nổi trên thị trường ở các đại lý cũng rất hiếm.
Lô xe CR-V mới của Honda Việt Nam sẽ về trong đầu tháng 3, nhưng thời gian nằm cảng có thể tới gần hai tháng bởi phải chờ kiểm định theo lô, vì vậy cuối tháng 4 đầu tháng 5 xe mới ra thị trường. Quy định của Hải quan trong tờ khai một lô hàng, giá trị nộp thuế không được quá 12 con số. Do vậy với những xe giá trị cao, nhập cả nghìn xe thì cùng một chuyến hàng nhưng có thể phải tách thành nhiều lô, mỗi lô như vậy phải kiểm định một xe riêng, thời gian nằm chờ ở cảng sẽ tăng lên. Honda hiện có năm mẫu xe nhập khẩu, trong đó bốn mẫu từ Thái Lan là CR-V, Civic, Accord, sắp tới thêm Jazz, chỉ có Odyssey nhập từ Nhật Bản.
Trong khi đó Toyota chưa thể đưa các mẫu xe nhập khẩu về sớm như Honda bởi phải đặt hàng nhà máy lại từ đầu. Những lô hàng đã đặt trước đó nhưng không thể về nước đã được sửa đổi để xuất sang thị trường khác. Từ khi đặt hàng tới lúc có thể rời nhà máy, lên tàu về Việt Nam sẽ tốn khoảng ba tháng hoặc nhiều hơn. Như vậy ít nhất tháng 6 mới có xe nhập khẩu của Toyota từ Thái Lan. Ford cũng ở hoàn cảnh tương tự như Toyota. Hãng xe còn đang chờ đợi những phản hồi chính thức từ Ford Thái Lan, hiện chưa đặt hàng lô mới.
Mẫu xe nhập khẩu bán chạy nhất của Toyota là Fortuner lại chưa có cửa sáng bởi xuất xứ Indonesia. Chính phủ nước này vẫn chưa đồng ý cấp giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại cho xe xuất khẩu sang Việt Nam. Thương hiệu xe sang Lexus cũng ở hoàn cảnh tương tự, chính phủ Nhật không cung cấp giấy, Lexus Việt Nam có thể tính chuyện nhập xe từ châu Âu.
Xe nhập khẩu bị gián đoạn là cơ hội tăng doanh số cho các mẫu xe lắp ráp. Fortuner không có hàng, khách có thể chuyển hướng sang Hyundai Santa Fe, thậm chí phân khúc thấp hơn như Tucson, CX-5, Outlander lắp ráp. Lợi thế sẵn hàng cũng có thể là nguyên cớ để tăng giá, tận dụng cơ hội đem lại lợi nhuận cao hơn.
Theo các chuyên gia, vấn đề của Nghị định 116 đến thời điểm này không còn nằm ở việc các hãng có cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại hay không, mà nằm ở thời gian. Quản lý cấp trung một hãng xe châu Âu cho biết, “nếu các hãng xe còn muốn bán ôtô vào Việt Nam, họ sẽ tự biết cách tìm ra giấy chứng nhận”. Do vậy, vấn đề chỉ cần nới khoảng thời gian rộng hơn để chuẩn bị thì sẽ không có những tranh cãi như hiện nay.
Trái ngược với các hãng xe nhập từ châu Á, hầu hết các thương hiệu có nhập xe từ Đức như Porsche, Mercedes, Volvo, Volkswagen cho biết nhà sản xuất sẽ cung cấp được giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại, những thủ tục để nhập xe về tiến hành bình thường.
Sở dĩ các hãng nhập xe từ Nhật, Mỹ hay ASEAN gặp khó với loại giấy này vì đặc thù sản xuất cũng như quy định mỗi nước. Ở Mỹ, chính phủ ủy quyền cho hãng tự chứng nhận chất lượng, cơ quan có thẩm quyền chỉ hậu kiểm. Tại Nhật, giấy cấp cho xe nội địa là loại tay lái nghịch, không phù hợp với Việt Nam. Loại giấy cấp cho xe châu Âu thì tương tự tay lái như Việt Nam, nhưng khác nhau về tiêu chuẩn kỹ thuật như khí thải hay chất liệu cho từng kiểu thời tiết. Xe sản xuất ở ASEAN gồm Thái Lan và Indonesia đều sử dụng tay lái nghịch. Hiện mới chỉ có Thái Lan cấp giấy cho xe xuất khẩu sang Việt Nam với tay lái thuận, Indonesia vẫn chưa thực hiện.
Nghị định 116/2017/NĐ-CP được ban hành 17/10/2017, có hiệu lực từ 1/1/2018 về quy định điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô. Theo đó, về Trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng và Trách nhiệm triệu hồi và thu hồi xe ôtô thải bỏ gần như không làm khó các doanh nghiệp nhập khẩu chính hãng, mà chỉ triệt tiêu phần lớn các doanh nghiệp kinh doanh xe đã qua sử dụng (xe lướt) do giấy phép đã được thít chặt với những quy định sàng lọc cụ thể. Quy định then chốt của Nghị định 116 khiến giới kinh doanh ôtô nhập khẩu lo lắng đó là yêu cầu văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi là bất khả thi. Từ trước đến nay, những giấy tờ này chỉ được cấp cho các nhà nhập khẩu chính hãng. Bên cạnh đó, Nghị định 116 cũng gây khó khăn cho các nhà nhập khẩu ôtô chính hãng bởi Giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ôtô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài rất khó khăn. Bởi nhiều quốc gia chỉ có thể cấp cho xe nội địa mà không cấp cho xe bán ra nước ngoài. Có thể thấy, Nghị định 116 khiến các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô cá nhân không còn “cửa” tồn tại, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh cho ô tô lắp ráp trong nước so với ô tô nhập khẩu chính hãng. |
(Theo We Love Car)