6 yếu tố căn bản để một quán cà phê thu hút khách hàng
Start up - Ngày đăng : 07:00, 01/03/2018
Một góc Coffee Bike Plus – các quán cà phê với giá nhỉnh hơi vài ngàn đồng so với xe đẩy. Ảnh: ghiencaphe.com |
LTS: Hoàng Tiễn - nhà sáng lập, CEO CoffeeBike Vietnam - là một doanh nhân khởi nghiệp, sinh năm 1992. Anh tốt nghiệp đại học ngành quan hệ công chúng, tuy nhiên, với tình yêu cà phê, Hoàng Tiễn quyết định nghỉ việc lương cao và bắt tay xây dựng chuỗi cà phê CoffeeBike Vietnam. Mô hình cà phê của Hoàng Tiễn gây ấn tượng với những chiếc xe màu cam nổi bật rang xay cà phê tại chỗ, được pha theo phong cách Ý. Anh mang đến thị trường cam kết những ly cà phê sạch, chất lượng cao với giá cả hợp lý.
Dưới đây là những chia sẻ của doanh nhân 9X về những yếu tố căn bản để xây dựng một quán cà phê thành công, thu hút khách hàng:
1. Định vị quán cà phê
Bạn có nhiều lựa chọn để định vị quán cà phê của mình. Ví dụ, quán cà phê với món chủ đạo là cà phê trứng, hay quán cà phê chỉ bán 100% hạt cà phê Arabica thượng hạng, hoặc quán cà phê vợt, hay quán CoffeeBike bán món chủ đạo là Espresso sữa đá với hạt Robusta chất lượng cao kết hợp cùng máy chiết xuất nhập khẩu từ Ý.
Ngoài định vị bằng thức uống cà phê, bạn cũng có thể định vị mình bằng không gian, hoặc một thức uống đặc biệt nào đó tạo sự ghi nhớ cho khách hàng.
Nếu định vị của bạn chung chung hoặc không tìm được định vị, bạn cần xem xét lại việc mở quán, phát triển mô hình kinh doanh cà phê của bạn.
2. Sự ổn định
Nếu là người kinh doanh cà phê, hãy vài trăm lần đặt mình vào vị trí của khách hàng. Hãy thử trải nghiệm cảm giác mình chính là khách hàng đến quán uống cà phê, bạn sẽ nhận ra sự ổn định của một quán cà phê quan trọng đến mức nào.
Link bài viết
Mỗi sáng bạn đến ngồi đúng vị trí ấy, uống ly cà phê đúng hương vị ấy, nghi thức thưởng thức ly cà phê đầu ngày trở thành một phần trong cuộc sống của bạn. Sự xê dịch liên tục là điều khó chấp nhận, khách hàng cần sự ổn định trong từng sản phẩm hoặc chỗ ngồi của họ. Khách hàng là người nhạy cảm về quán cà phê hơn chính bạn, hãy ghi nhớ điều đó và giữ gìn sự ổn định trong chất lượng sản phẩm, không gian và phong độ phục vụ.
Để làm được điều đó, quán của bạn cần một người giám sát "trăn trở trong việc phục vụ khách hàng". Nếu không tìm được người như thế, chính bạn sẽ phải làm điều đó.
3. Tôn trọng những chi tiết
Có câu "Chi tiết làm nên đẳng cấp". Mỗi một thao tác nhỏ cũng làm thay đổi chất lượng một ly cà phê. Hay một câu nói, một hành động cũng ảnh hưởng đến việc thu hút, giữ chân khách hàng.
Bạn không được chạy theo số lượng mà qua loa trong việc giám sát và yêu cầu sự chỉn chu trong từng chi tiết. Tôi đã từng trả giá rất đắt cho việc không giám sát các chi tiết trong pha chế, dẫn đến giảm chất lượng sản phẩm thiếu ổn định, và mất khách hàng.
Một ly cà phê “dởm” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc cả ngày của khách hàng. Và nếu mất khách hàng, bạn sẽ mất tất cả.
Chúng ta có thể thoả hiệp với số lượng nhưng chất lượng thì không! Bạn có thể kiếm được doanh thu nhiều từ việc thu hút khách hàng mới, nhưng nguồn doanh thu này bản chất không bền vững. Mô hình kinh doanh quán cà phê tồn tại nhờ vào lượng khách hàng trung thành.
Cần nhớ, một khách hàng trung thành quan trọng hơn 10 khách hàng mới. Hãy làm mọi cách để giữ chân họ.
Chi tiết trong mỗi sản phẩm bạn làm ra cũng là công thức thành công căn bản của người Nhật.
4. Xác định lợi thế cạnh tranh
Nếu ly cà phê bạn bán ra không đủ hấp dẫn khách hàng, hãy đặt câu hỏi: Điều gì có thể khiến khách hàng quay lại quán? Đó có phải là sự tận tâm trong việc phục vụ, hay không gian "relax" (tái tạo năng lượng)? Hay chỉ đơn giản là sự tiện lợi?
Chất lượng đồ uống phải là yếu tố nền tảng. Đó cũng là điều dễ làm nhất. Các yếu tố khác rất khó để trở thành thế mạnh.
Để một sản phẩm có chất lượng tốt, hãy ghi nhớ "Không thoả hiệp với chất lượng!". Bạn cần trả một mức giá hợp lý vào việc đầu tư máy móc, chất lượng hạt cà phê đầu vào đủ ngon để khiến khách hàng hài lòng và quay lại. Bạn vẫn có thể sử dụng nguyên liệu giá rẻ, máy móc không đắt tiền nhưng như thế bạn đang tự hạn chế khả năng cạnh tranh của chính mình.
Giống như chơi game, bạn hóa thân vào nhân vật của mình. Hãy khai thác tối đa mọi kỹ năng của nhân vật mà bạn hóa thân, để nhân vật trở nên mạnh nhất.
5. Trở thành một phần trong đời sống khách hàng
Link bài viết
Quán cà phê là nơi khách hàng đến và ở lại một khoảng thời gian trong ngày của họ. Đừng chỉ dừng lại ở việc giao dịch thương mại thông thường, mà cần tạo ra các giá trị cộng thêm bằng sự tương tác với khách hàng. Sự tự tương tác đôi khi chỉ đơn giản là một nụ cười, một câu chào, một câu hỏi thăm hay sự ghi nhớ thức uống yêu thích của khách hàng.
Mỗi khoảnh khắc trong cuộc sống này trôi qua rất nhanh, vì vậy hãy nâng cấp khoảnh khắc ấy để mọi thứ trở nên tuyệt vời hơn.
Việc ghi tên khách hàng lên ly cà phê là cách Starbucks chạm đến trái tim khách hàng khi họ đến cửa hàng.
Hãy làm sao để quán cà phê của bạn là một phần trong cuộc sống của cộng đồng xung quanh.
6. Thiết kế không gian phù hợp
Người lao động thích sự thoải mái không ràng buộc, người làm văn phòng cần không gian máy lạnh yên tĩnh, sinh viên cần không gian sáng tạo để làm việc nhóm hay học tập… Tùy đối tượng mục tiêu hướng đến, bạn thiết kế không gian phù hợp với họ. Hãy đến những quán cà phê thu hút đông đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn để xem họ thiết kế không gian như thế nào, sau đó nhờ sự hỗ trợ từ các đơn vị có chuyên môn để tạo ra một không gian phù hợp.
Vì sao bạn cần đơn vị chuyên nghiệp? Trong kinh doanh, chi phí đầu tư cố định nên hạn chế tối đa, tránh đập đi xây lại hay bổ sung, làm mới trong quá trình kinh doanh, như vậy sẽ gây lãng phí.
Tôi từng đóng cửa 3 cửa hàng chỉ vì không gian thiết kế do người tay ngang thực hiện và không gian chung chung, không rõ được thiết kế ra cho đối tượng mục tiêu là ai.
Và như CEO chuỗi cà phê lớn nhất thế giới từng chia sẻ: "Điều gì xuất phát từ trái tim sẽ đến được với trái tim". Tôi cảm nhận điều này thật sâu sắc, không có quán cà phê nào thành công mà không có bóng dáng của một "trái tim vì khách hàng" ở phía sau...
Nội dung này đã được đăng trên FB của tác giả, Doanh Nhân Sài Gòn Online biên tập