Tham tán thương mại cần hỗ trợ doanh nghiệp
Hội - Câu lạc bộ - Ngày đăng : 07:30, 06/03/2018
Những ngày đầu năm mới Mậu Tuất vừa qua cũng là dịp các doanh nghiệp Việt Nam từ các tỉnh, thành phố có cơ hội gặp gỡ, "đặt hàng" các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước. Theo nhu cầu chung, các doanh nghiệp cho rằng, các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cần thông tin nhanh, kịp thời về hàng rào kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng của thị trường nhập khẩu ở các nước có tham tán thương mại Việt Nam trú đóng.
Tuần qua, tại Hội nghị Tham tán thương mại 2018 do Bộ Công Thương tổ chức tại TP.HCM, một số doanh nghiệp Việt Nam đã nhấn mạnh, tính đến thời điểm này, dù đã rất cố gắng nhưng nhìn chung, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào các thị trường lớn như Mỹ, châu Âu và các thị trường mới như châu Phi vẫn còn khá khiêm tốn.
Ở góc độ doanh nghiệp, dù đã tự lực tìm hiểu thị trường nhưng thông tin từ các tham tán thương mại sẽ giúp tạo tác động mạnh, nhanh hơn. Thế nhưng các tham tán lại tỏ ra khá chậm chạp trong công tác này.
Không chỉ có doanh nghiệp, tại một cuộc gặp gỡ trước đó giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương với các tham tán thương mại để bàn về giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu nông sản trong năm 2018 và các năm tiếp theo, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng chia sẻ, Bộ kỳ vọng rất lớn vào vai trò của các tham tán thương mại Việt Nam tại các nước, đặc biệt trong hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, giúp các nhà sản xuất trong nước nâng cao năng lực phân tích và dự báo cung cầu, kết nối với các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước, qua đó sẽ quảng bá mạnh mẽ nông sản Việt Nam tới thị trường các nước.
Bởi theo thống kê của ngành, năm 2017, xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt hơn 36,3 tỷ USD, đây được xem là con số kỷ lục. Thế nhưng năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu xuất khẩu phải đạt 40 tỷ USD, trong đó nông sản đạt 22 tỷ USD, lâm sản và thủy sản mỗi ngành đạt 9 tỷ USD.
Trước áp lực nặng nề này, Bộ NN&PTNN cần các tham tán thương mại hỗ trợ nhiều hơn, bởi thực tế thời gian qua, việc xúc tiến thương mại cho nông sản Việt Nam luôn gặp nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam như EU, Mỹ… đang ngày càng gia tăng các chính sách bảo hộ hàng hóa trong nước bên cạnh những đòi hỏi khắt khe về chất lượng hàng hóa, mẫu mã sản phẩm…
Trước những lưu ý từ phía doanh nghiệp, các tham tán thương mại cũng đã nêu lên các vấn đề còn tồn đọng trong công tác xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam. Các tham tán cho rằng, doanh nghiệp Việt nên lưu ý vấn đề xây dựng thương hiệu. Điều này đã được đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh (Trung Quốc) nhắn nhủ trong cuộc gặp gỡ các doanh nghiệp tại TP.HCM vừa qua.
Cụ thể, theo tham tán thương mại Việt Nam tại Bắc Kinh, nhiều sản phẩm của Việt Nam như gạo, thanh long, cà phê thời gian gần đây khi xuất hiện tại thị trường Trung Quốc đã có thương hiệu, đã dán nhãn mác "made in Viet Nam".
Đây là điều đáng ghi nhận, thế nhưng phía tham tán lại cho rằng, sự chủ động của doanh nghiệp Việt Nam chỉ đang dừng ở mức bán hàng có thương hiệu, chưa chú trọng việc xây dựng, quảng bá và bảo hộ thương hiệu. Dù đã được cảnh báo về mức độ nguy hiểm, nhưng theo các tham tán, doanh nghiệp Việt Nam chưa lưu tâm vấn đề này, điều họ quan tâm nhiều hơn vẫn là làm thế nào để tìm đối tác cũng như các thủ tục mở văn phòng tại nước sở tại.
Đại diện tham tán tại Philippines cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt nên quan tâm đến việc quảng bá sản phẩm. Theo vị đại diện này, dù đã được nhắc nhở nhiều lần nhưng một số doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp rất ít quan tâm. Hơn thế nữa, vẫn còn rất nhiều thị trường mà hầu như doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới xuất khẩu sản phẩm thô. Các tham tán cho rằng, doanh nghiệp Việt cần sản xuất những sản phẩm có giá trị cao hơn, thay thế dần những sản phẩm thô để tạo ra giá trị thặng dư lớn hơn.
Trước những lưu ý từ phía doanh nghiệp cũng như các tham tán thương mại, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã chỉ đạo các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài cần tập trung thực hiện và tích cực triển khai các chương trình hành động, bởi năm 2018 là năm bản lề cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm theo nhiệm kỳ Chính phủ. Bộ trưởng yêu cầu các thương vụ, tham tán cần chuyển mình theo hướng kiến tạo, phục vụ tối đa cho doanh nghiệp, hỗ trợ thúc đẩy hàng Việt Nam thâm nhập bền vững vào thị trường nước sở tại.
Trong đó, đặc biệt tập trung vào nhiệm vụ thúc đẩy phê chuẩn các hiệp định thương mại (FTA) vừa ký, đồng thời phổ biến các FTA đã ký, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp giúp doanh nghiệp Việt Nam tận dụng FTA đưa hàng hóa tiếp cận thị trường các nước sở tại cũng như các cơ hội do các FTA mang lại.