Nhạy bén hơn nhờ võ thuật

Thể thao - Ngày đăng : 08:00, 17/03/2018

Võ thuật có lợi cho sức khỏe về mặt thể chất, nhưng một nghiên cứu gần đây cho thấy môn võ cũng rất cần thiết để phát triển tinh thần.
Nhạy bén hơn nhờ võ thuật

Võ thuật mang lại những lợi ích tinh thần không ngờ. Ảnh: Silver Linings

Võ thuật tạo nên sức mạnh tinh thần. Đó là sự phản xạ, khả năng quyết định, ứng biến và cả ý chí chiến đấu. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, đối với các võ sĩ karate, lực đấm có thể phụ thuộc vào khả năng kiểm soát chuyển động cơ bắp tốt hơn trong não, thay vì chỉ tùy vào lực tay. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy trẻ em tập taekwondo thường có điểm học toán cao hơn, cũng như cách hành xử phù hợp hơn.

Điều đó dẫn tới một câu hỏi lý thú: Phải chăng tập luyện võ thuật sẽ khiến não phát triển khả năng kiểm soát tốt hơn, hoặc liệu những người có não trạng với các đặc tính như thế thường chọn môn võ thuật?

Trước đây, người ta tập trung vào việc tiếp cận khả năng xử lý về mặt tinh thần. Nghiên cứu cho thấy sự chú ý và việc tập luyện đều có tác động hữu ích tới khả năng chú ý. Và với võ thuật, có thể nói môn này là sự kết nối của cả hai điều trên.

Nghiên cứu đăng trên Independent cuối tháng trước chọn ra 21 võ sĩ nghiệp dư, trong đó có karate, judo, taekwondo và một số môn võ khác, cùng với 27 người nữa không hề có trải nghiệm thể thao. Họ cùng tham dự vào một bài kiểm tra sự tập trung, trong đó tiếp cận nhiều dạng chú ý như sự cảnh giác (duy trì trạng thái cảnh giác), sự định hướng (khi thay đổi sự chú ý), và thực hiện hành động (bao gồm phản ứng khi tiếp nhận thông tin xung đột).

Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm tới cảnh giác, vốn có thể tiết lộ một con người có khả năng cẩn trọng cỡ nào. Nếu có số điểm cảnh giác cao trong thử nghiệm này sẽ cho thấy họ có khả năng cao để phản ứng với các mục tiêu khó đoán, hơn những người thấp điểm.

Link bài viết

Sau khi ghi lại chi tiết về các trải nghiệm trong võ thuật của người tham gia, nhóm tham gia này thực hiện một số công việc trên máy tính. Đó là những trò chơi, thử thách độ tập trung như xác định một hàng gồm có 5 mũi tên, trong đó phải chỉ ra hướng của mũi tên ở vị trí trung tâm càng nhanh càng tốt, kèm theo yêu cầu là các lệnh bằng bàn phím, như phím “c” cho mũi tên, phím “m” để chỉ hướng bên phải. Đôi lúc trong suốt quá trình, trò này sẽ xuất hiện cảnh báo về mũi tên cho người tham gia.

Đây là một dạng mô phỏng phản ứng của một “sparring”, tức người cùng đấu tập với một võ sĩ. Nhiệm vụ của người đấu tập này là đỡ đòn, né đòn, và vì thế họ có thể đưa ra quyết định sớm hơn người đấm, dự đoán được hướng của cú đấm tiếp theo. Tương tự như vậy, nhóm “tìm mũi tên” trong nghiên cứu trên cũng dần tập luyện việc dự đoán mũi tên xuất hiện khi nào để đưa ra phương án đối phó nhanh nhất.

Kết quả nghiên cứu này cho thấy, những người tập võ ghi số điểm phản xạ cao hơn người không tập. Điều đó thể hiện người tập võ phản ứng với mũi tên nhanh hơn, đặc biệt trong trường hợp được đưa ra một cảnh báo. Và phần nào thấy nhóm tập võ thể hiện khả năng kiểm soát nhận thức tốt hơn.

Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy người tập luyện võ thuật lâu hơn, trải nghiệm nhiều hơn sẽ phản ứng tốt hơn nữa. Một số người tham gia có thời gian tập các môn võ thuật vừa nêu khoảng 9 năm đã có thành tích thực tế cao hơn phần còn lại. Một điều quan trọng nữa là hiệu ứng về khả năng tập trung khi tập võ có thể tồn tại và kéo dài hơn chứ không phải chỉ nhất thời. Vì vậy, dẫu biết nhiều môn thể thao khác, như bóng bàn, cầu lông, quần vợt chẳng hạn, cũng tạo hiệu ứng tập trung cho người chơi, nhưng võ thuật nằm hàng top trong số ấy

THÁI VY