Đầu tư cho phim Việt: Thắng - thua khó đoán
Sách hay - Ngày đăng : 06:21, 21/03/2018
Phim Tháng năm rực rỡ |
"Siêu sao siêu ngố" thu về hơn 103 tỷ đồng, "798 Mười" thu về hơn 55 tỷ đồng trong mùa phim chiếu Tết vừa qua, Tháng năm rực rỡ mới đây cũng thu về hơn 35 tỷ đồng vào cuối tuần đầu công chiếu. Và một loạt phim Việt đang nối nhau ra rạp. Liệu đã có thể vui mừng với sự "ăn nên làm ra" của các nhà sản xuất phim Việt hiện nay?
3 năm gần đây, trung bình có từ 40 - 50 phim điện ảnh Việt được phát hành mỗi năm. Năm 2016 và 2017 gần như mỗi tuần đều có một phim ra mắt. Từ đầu năm 2018 đến nay cũng mỗi tháng có từ 3 - 4 phim được công chiếu. Như tháng 3 này, ngoài Tháng năm rực rỡ còn có Girl 2 - Những cô gái và găng tơ (hợp tác Việt Nam - Hong Kong), Ông ngoại tuổi 30. Trong khi "của kho" đang chờ ngày ra rạp có thể tính đến con số 30 - 40 phim đã lộ diện, và hàng loạt bộ phim đang bấm máy, cho thấy không khí nhộn nhịp và phấn khích của giới điện ảnh nước nhà.
Theo nhà phát hành lớn nhất hiện nay là CGV, doanh thu phim Việt chiếu Tết năm nay, trong đó có Siêu sao siêu ngố do họ phát hành đã tăng khoảng 15% so với năm ngoái. Cộng chung cả doanh thu của 798 Mười và các phim Việt khác chiếu Tết như Đích tôn độc đắc, Về quê ăn Tết... thì mùa phim Việt chiếu Tết tròm trèm 200 tỷ đồng.
Với nội dung và chất lượng còn nhiều "sạn" nhưng Siêu sao siêu ngố thắng lớn tại các phòng vé là nhờ hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi, trong đó đáng kể hơn cả chính là việc CGV đã ưu ái suất chiếu dày đặc và lùi ngày ra mắt của một số phim bom tấn nước ngoài để giảm bớt sự cạnh tranh khán giả.
Bên cạnh đó, Siêu sao siêu ngố nhắm đến khán giả nữ giới vì chất hài hước kiểu ngôn tình sến sẩm và "ăn theo" scandal cầu hôn "chiếm" sóng truyền hình của diễn viên hài Trường Giang. Tuy nhiên, với thị trường hơn 90 triệu dân và hệ thống rạp chiếu đang xây dựng với tốc độ chóng mặt, con số doanh thu này vẫn quá nhỏ. Bởi doanh thu của điện ảnh Việt mùa chiếu Tết chỉ bằng 1% của điện ảnh Trung Quốc, trong khi dân số của họ chỉ gấp khoảng 14 lần nước ta.
Tháng năm rực rỡ của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt dịp 8/3 và đang gây "sốt" trên hệ thống rạp chiếu được xem là sự nối dài cho tín hiệu vui về doanh thu của phim Việt "mở màn" cho năm 2018. Thành công của Tháng năm rực rỡ phần nào có thể hiểu được vì phim làm đúng theo công thức ăn khách, dựa theo một tác phẩm gốc gây hiệu ứng mạnh mẽ và có vài thay đổi Việt hóa sáng tạo.
Hơn nữa, dòng phim dành cho nữ giới và có nội dung hoài niệm tuổi thanh xuân vẫn đang là xu hướng được khán giả Việt Nam ưa chuộng hiện nay.
Cảnh trong phim Siêu sao siêu ngố |
Thế nhưng đáp án chính xác cho bài toán về doanh thu của phim điện ảnh Việt nói chung vẫn còn là ẩn số. Bởi tất cả các nhà sản xuất và đạo diễn hiện nay đều không thể phán đoán được sự thành bại của bất cứ bộ phim nào trước khi có suất chiếu đầu tiên.
Số phim mang lại lợi nhuận bất ngờ như Siêu sao siêu ngố, hay trước đó là Em chưa 18 thực tế trong 10 năm kể từ khi phim điện ảnh bắt đầu khởi sắc chỉ đếm được trên đầu ngón tay, còn danh sách những phim thất bại và thảm bại lại rất dài.
Gần đây nhất là Cạm bẫy hay Thử yêu rồi biết ra rạp không tạo được chút ấn tượng nào, rồi nhanh chóng biến mất không kèn không trống. Ngay như Ở đây có nắng được khen ngợi về tính nhân văn của nội dung nhưng không tạo được "cú hích" về doanh thu.
Một điều dễ nhận thấy là phim Việt "bom tấn" với tham vọng mang đến sự mới lạ về kỹ thuật hay thể loại lại không có mấy phim thành công như kỳ vọng. Nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh sau phim Hương Ga (2015) thắng lớn đã phải chịu thất bại liên tiếp với hai bộ phim Truy sát (2016) và Sắc đẹp ngàn cân (2017). Hai đạo diễn Việt kiều "triệu đô” là Charlie Nguyễn và Victor Vũ cũng từng "ngã ngựa" với Fan cuồng (2016) và Lôi báo (2017).
Dạ cổ hoài lang của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng được đầu tư rất công phu, song doanh thu không như mong đợi. Kinh phí đầu tư của các "phim bom tấn" này đều trên 20 tỷ đồng và mức thua lỗ của chúng cũng từ vài tỷ cho tới hơn chục tỷ đồng. Nhiều nhà chuyên môn từng cho rằng, thị hiếu của khán giả Việt sau bao nhiêu năm vẫn xoay quanh những bộ phim ngôn tình, phim hài hước và phim dành cho nữ giới.
Vì "phim bom tấn" Tấm Cám: Chuyện chưa kể hay Cô Ba Sài Gòn, Mẹ chồng, Em là bà nội của anh, Hương Ga... có được lợi nhuận khá cao là nhờ vẫn nằm trong cái "khung an toàn" kể trên của thị hiếu khán giả. Tất nhiên không thể phủ nhận chất lượng của chúng, sức hút của dàn diễn viên, sự sáng tạo của người làm phim... là những yếu tố khác lấy được lòng đông đảo khán giả.
Năm 2018 này, đạo diễn Charlie Nguyễn quay trở lại với bộ phim hài Chàng vợ của em; Victor Vũ đang hồi hộp với "canh bạc" Người bất tử - bộ phim hứa hẹn mang đến sự đột phá mới mẻ về thể loại và kỹ xảo, đã tính đến công thức an toàn với Mắt biếc - phim tình cảm dành cho nữ giới, kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học của Nguyễn Nhật Ánh; Nguyễn Quang Dũng sau "remake" (làm lại) phim Hàn - tức Tháng năm rực rỡ gặt hái thành công, lại tiếp tục bắt tay vào "remake" 50 First Dates của Mỹ...
Khi các đạo diễn đang sung sức về tài năng, sự sáng tạo và đứng ở vị trí đầu trong danh sách "chọn mặt gửi vàng" của các nhà sản xuất lớn phải chấp nhận đứng trong "khung an toàn" của thị hiếu khán giả cho thấy phần nào tính bất ổn của thị trường phim điện ảnh Việt. Giàu tiềm năng để phát triển, song thị trường vẫn đang ẩn chứa nhiều điều khó đoán. Cũng bởi nay thắng mai thua nên các nhà sản xuất đều thận trọng khi nói về doanh thu của phim Việt.