Đây là cách thế giới bị các công ty công nghệ chi phối
Quốc tế - Ngày đăng : 07:00, 26/03/2018
Một giáo sư thuộc trường Đại học Cambridge đã bán dữ liệu cá nhân của hơn 50 triệu người dùng Facebook mà ông thu thập được cho hãng nghiên cứu dữ liệu Cambridge Analytica vì mục đích chính trị. Sự việc được phanh phui trên các mặt báo hồi đầu tuần này đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người dùng về việc chia sẻ thông tin cá nhân của mình trên các trang mạng xã hội.
Đây không phải lần đầu tiên Facebook vướng vào một vụ bê bối như thế này. Vào tháng 6/2013, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này cũng bị nghi ngờ cung cấp dữ liệu cá nhân cho chương trình PRISM - một chương trình thu thập dữ liệu cá nhân với quy mô lớn từ các công ty Internet Hoa Kỳ - được tiến hành bởi Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA).
Trong thời đại siêu kết nối, dữ liệu được coi như một trong những nguồn tài nguyên quan trọng nhất trên thế giới. Ai kiểm soát được nguồn tài nguyên dữ liệu khổng lồ sẽ có thể chi phối mọi hoạt động, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế và chính trị.
Cùng với Facebook, một loạt các công ty công nghệ khác cũng đang sở hữu lượng dữ liệu cá nhân vô cùng lớn. Đó là những công ty cung cấp nền tảng đáp ứng nhu cầu khác nhau của người dùng như Wikipedia, Amazon, Uber…
Vậy thế giới đang bị các công ty sở hữu dữ liệu chi phối như thế nào?
Các công ty này yêu cầu người dùng đánh đổi thông tin cá nhân lấy các tiện ích mà họ cung cấp. Thông tin cá nhân mà người dùng phải cung cấp rất đa dạng, từ sở thích thói quen cho tới danh tính, đảm bảo các công ty này có thể nhận diện các đặc điểm cơ bản của người dùng thông qua phần mềm.
Ban đầu, các thông tin cá nhân được các công ty này sử dụng để phát triển nền tảng, tăng thêm tiện ích cho người dùng và điều hướng các tiện ích sao cho phù hợp với từng người dùng thông qua các thuật toán cá nhân hóa.
Tuy nhiên, với lượng dữ liệu khổng lồ và toàn diện về cộng đồng, các công ty cung cấp nền tảng cũng có thể sử dụng chúng cho các mục đích khác nhau mà người dùng không hề hay biết, chẳng hạn marketing bán hàng hoặc truyền bá các tư tưởng chính trị.
Uber và các taxi ma
Tháng 7/2015, Uber đã bị cuốn vào vòng tranh cãi khi một nhóm nghiên cứu được tài trợ bởi FUSE Labs - tổ chức được Microsoft giúp đỡ - báo cáo về sự tồn tại của cái gọi là ‘taxi ma’ trên ứng dụng của khách hàng đi Uber. Đó là những chiếc xe ô tô chở khách Uber xuất hiện gần một địa điểm đón hành khách nhưng trên thực tế lại không hề tồn tại.
Một người phát ngôn của Uber giải thích những chiếc taxi ma này là một ‘hiệu ứng thị giác’ mà khách hàng nên bỏ qua, nhưng một số tài xế và hành khách đã nghi ngờ rằng chúng thực chất là một phương tiện đánh lừa có chủ ý, với mục đích là hành khách nghĩ rằng xe taxi của Uber đang ở gần với họ hơn so với thực tế.
Các hình ảnh bất thường khác được báo cáo trên ứng dụng Uber tạo ra các hiển thị gây hiểu lầm hoặc gây mơ hồ về những khu vực có nhu cầu đặt xe cao, nơi được dự đoán sẽ có giá ‘tăng’ cao hơn. Điều này thậm chí cũng tác động tiêu cực tới hoạt động kinh doanh của các hãng taxi truyền thống.
Amazon và sức mạnh thao túng thị trường sách trực tuyến
Nền tảng bán lẻ Amazon kiểm soát một phần lớn thị trường sách trực tuyến mà ngay cả các nhà xuất bản khổng lồ cũng cảm thấy bị áp lực khi phải chấp nhận các điều khoản kinh doanh online do Amazon đặt ra.
Trong một tranh luận kéo dài 7 tháng vào năm 2014, tập đoàn sách Hachette của Pháp - một trong những nhà xuất bản lớn nhất thế giới - đã cáo buộc Amazon tác động tới việc bán các tựa sách của họ trên website của Amazon. Cụ thể, Amazon bị cáo buộc đã cố tình xóa nút đặt hàng trước cho một số tựa sách của nhà xuất bản này. Bởi các đơn đặt hàng trước là tiêu chí quan trọng đánh giá một cuốn sách có được bán chạy hay không. Việc làm này của Amazon ảnh hưởng nghiêm trọng tới doanh số bán hàng của Hachette.
Hai bên cuối cùng cũng đã đi đến hòa giải vào tháng 10/2014, nhưng vụ việc này cho thấy người dùng bị chi phối khi Amazon có khả năng điều hướng các cuốn sách bán chạy một cách chủ quan để hướng người dùng mua những sản phẩm mang lại lợi nhuận cao cho công ty hơn là những sản phẩm thực sự bán chạy.
Link bài viết
Wikipedia và vụ oan sai lịch sử
Bởi là nền tảng tri thức mở, cho phép người dùng có thể sửa đổi thông tin chung, nên rất nhiều người sử dụng Wikipedia có thể tự tạo nên câu chuyện kỳ lạ đến mức sai lệch hoàn toàn sự thực. Một trong số những câu chuyện nổi tiếng nhất chính là "vụ án giết người của Meredith Kercher", với 2 nhân vật chính là 2 kẻ tình nghi gây án mạng. Đó là cô sinh viên người Mỹ có tên Amanda Knox và ban trai người Ý của cô có tên Raffaele Sollecito.
Nhờ chính sách được tự do chỉnh sửa của Wikipedia, vụ án đã có hơn 8.000 lần được chỉnh sửa dưới bàn tay của hơn 1.000 người, và hầu hết đều tin vào hành vi phạm tội của Knox và Sollecito cho dù họ đã được thả ra một thời sau khi bị bắt giam vào năm 2007.
Trải qua một phiên xét xử phức tạp, sau đó là kháng cáo và cuối cùng là phiên xét xử lại, những người biên tập vô danh tiếp tục thay đổi nội dung câu chuyện nhằm ngăn cản bất kỳ bằng chứng bào chữa nào có lợi cho cả 2 nhân vật và nhấn mạnh vào tội danh của họ.
Cuộc tranh luận diễn ra căng thẳng đến mức người sáng lập Wikipedia - Jimmy Wales - buộc phải nhúng tay vào. Wales đã nghiên cứu rất kỹ vấn đề và đưa ra một tuyên bố: "Tôi đã đọc lại toàn bộ các bài viết từ đầu đến cuối và lo ngại rằng lời phê bình quan trọng nhất về việc xét xử đến từ những nguồn dữ liệu đáng tin cậy đã không xuất hiện hoặc được trình bày theo hướng tiêu cực".
Điều đáng lo ngại nhất là việc những người tự ý chỉnh sửa trang Wikipedia và làm lệch lạc vụ án này lại chính là những người của các trang web khác cố tình "ghét" Amanda Knox.
Người dùng đang dần thức tỉnh
Gần đây, khi các vụ bê bối dữ liệu cá nhân bị rò rỉ thông qua các trang mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều, người dùng cũng đã bắt đầu quan tâm hơn tới việc chia sẻ thông tin công khai. Mặc dù vậy, trước những cám dỗ từ tiện ích mà các công ty cung cấp mang lại, dường như lượng dữ liệu tạo ra mỗi ngày vẫn tăng lên với tốc độ chóng mặt.
Cùng với đó, việc sử dụng thông tin từ các trang mạng xã hội cũng cần phải được chọn lọc và xem xét cẩn thận. Bởi việc kiểm soát tính đúng đắn của các thông tin được người dùng chia sẻ gần như là bất khả thi, mỗi người cần phải ý thức rõ ràng về việc chia sẻ và tiếp thu những thông tin này để tránh bị trở thành đối tượng cho các mục tiêu không lành mạnh.
(Theo Trí Thức Trẻ)