Mark Zuckerberg không thừa nhận quyền lực của Facebook

Quốc tế - Ngày đăng : 06:06, 27/03/2018

Trong suốt "tuần lễ xin lỗi" sau sự cố dữ liệu Cambridge Analytica, Mark Zuckerberg liên tục nói về ý định thay đổi Facebook và thừa nhận bản thân không phù hợp là người hoạch định chính sách nội dung cho người dùng.
Mark Zuckerberg không thừa nhận quyền lực của Facebook

Song có một điều Zuckerberg đã không đồng ý với báo giới, đó chính là quyền lực rộng lớn của Facebook.

Khi phóng viên Laurie Segall của CNN hỏi liệu Facebook có đang trở nên "quá quyền lực" không, Zuckerberg đã trả lời rằng: "Tôi không nghĩ vậy".

"Lý do công ty chúng tôi thành công là chúng tôi phục vụ cộng đồng và trao quyền lực cho mọi người. Ngày mà chúng tôi chấm dứt sứ mệnh đó, chúng tôi cũng chấm dứt công ty của mình", Zuckerberg chia sẻ.

Giới chuyên gia không nghĩ vậy. Hiện, Facebook không chỉ nằm trong danh sách các công ty lớn nhất thế giới, mà còn là gã khổng lồ không có đối thủ. Sở hữu hàng tỷ người dùng, Facebook có sức tác động khổng lồ lên ngành công nghiệp truyền thông và quảng cáo. FB cũng không có bất cứ đối thủ nào có thể hạ gục ở thời điểm hiện tại, tất cả nhờ vào chiến lược mua lại các công ty mạng xã hội mới ra đời trong nhiều năm qua của công ty này.

"Facebook đang ảnh hưởng đến cách nhìn nhận, suy nghĩ và cảm nhận của hơn 2 tỷ người dân toàn cầu. Tôi không thể nghĩ ra một tổ chức nào có thể đạt đến quyền lực này, ngoại trừ trường hợp của Google", Siva Vaidhyanathan - Giáo sư nghiên cứu truyền thông tại Đại học Virginia và là tác giả của quyển sách sắp ra mắt về tác động của Facebook đến quá trình dân chủ cho biết.

"Việc Mark Zuckerberg phủ nhận thực tế này là một sự xúc phạm", vị giáo sư này nhấn mạnh.

Facebook hiện đang được đánh giá là một trong bốn ông lớn của lĩnh vực công nghệ, bên cạnh Apple, Amazon, và công ty mẹ của Google là Alphabe. Tương tự như ba công ty còn lại, Facebook có khả năng thay đổi các ngành công nghiệp mới - và có thể là cả xã hội - chỉ sau một đêm.

Cuối tuần trước, báo chí thế giới đã công bố thông tin rằng Cambridge Analytica, một công ty dữ liệu có quan hệ mật thiết với chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, đã truy cập vào thông tin của 50 triệu người dùng Facebook mà không hỏi ý kiến họ. Thông tin này đã gây ra cuộc khủng hoảng truyền thông trên diện rộng đối với Facebook.

Mark Zuckerberg không thừa nhận quyền lực của Facebook

Mark Zuckerberg bày tỏ sự hối tiếc trong cuộc phỏng vấn với CNN vào cuối tháng 3/2018.

Trước đó, Facebook đã từng phải đối mặt với những tranh cãi về việc lạm dụng thông tin người dùng lẫn khả năng bảo mật thông tin trong nhiều năm qua, song giá trị cổ phiếu của Facebook vẫn liên tục tăng lên cùng với mức độ ảnh hưởng của doanh nghiệp này. Lần này, câu chuyện không chỉ đơn giản liên quan đếnviệc bán thông tin quảng cáo, mà có khả năng Facebook đã hỗ trợ thao túng một chiến dịch bầu cử quốc gia.

Một lần nữa, Facebook đang bị sức ép chịu trách nhiệm về tác động của mạng xã hội này trong cuộc bầu cử năm 2016, một năm đầy "đau đớn" cho nền dân chủ Mỹ với những câu chuyện về tin tức giả, sự xâm nhập của nước ngoài vào hệ thống bầu cử...

"Bất cứ công ty nào có thể tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhưng không nhận thức được về điều này thì rõ ràng là quá quyền lực", Roger McNamee - cựu mentor của Zuckerberg và là một nhà đầu tư mạo hiểm, chia sẻ với CNN qua email.

Brian Wieser - chuyên gia phân tích đã theo dõi FB theo yêu cầu từ Pivotal Research Group, cho biết vấn đề đang gây "phiền não" cho Facebook là xác định liệu có phải công ty này đang trở nên quá mạnh, vượt khả năng kiểm soát, hay sức mạnh đã đến với Facebook quá nhanh.

"Dường như vấn đề ở đây là cả hai suy đoán trên đã đan cài vào nhau. Trên thực tế, quyền lực của Facebook có thể đang trở nên lớn mạnh quá nhanh, trong khi công ty không đảm bảo được nền móng đủ mạnh để trụ vững cho sự lớn mạnh đang diễn ra này", Wieser trả lời CNN.

Dex Torricke-Barton - cựu chuyên viên soạn thảo kịch bản phát ngôn cho Zuckerberg và cũng là cựu quản lý điều hành truyền thông của Facebook, không đồng ý rằng Facebook đang trở nên quá quyền lực. Ông cho rằng thực tế mạng xã hội lớn nhất thế giới đang tạo ra thách thức cho trí thông minh của đội ngũ điều hành.

"Quan điểm cho rằng Facebook là một nơi đầy quyền lực là không công bằng với công ty. Những thách thức về thông tin mập mờ, tin tức giả và cả những hành vi xấu trên phương tiện truyền thông không phải do Facebook tạo ra và cũng không thể một mình mạng xã hội này có thể xử lý được", Torricke-Barton bày tỏ quan điểm.

Mark Zuckerberg không thừa nhận quyền lực của Facebook

Mark Zuckerberg chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với CNN vào cuối tháng 3/2018.

Zuckerberg có thể đánh giá thấp mức độ quyền lực của Facebook, nhưng các cuộc trả lời phỏng vấn vào đầu tuần này đã cho thấy anh rõ ràng không thoải mái về những trách nhiệm bản thân đang phải gánh lấy. Khi câu chuyện không còn đơn thuần là đòi hỏi Zuckerberg hoàn thiện một sản phẩm, mà còn là hoạch định chính sách thông tin toàn cầu.

"Về cơ bản, tôi thực sự cảm thấy vô cùng không thoải mái khi ngồi đây, tại văn phòng ở California và quyết định chính sách thông tin cho người dân toàn cầu", Zuckerberg trả lời Re/code, "Ai đã chọn tôi trở thành người chịu trách nhiệm cho câu hỏi đó? Tôi đoán mình phải làm việc này vì những gì đang xảy ra, nhưng đây không phải việc tôi muốn làm".

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Zuckerberg cũng chia sẻ, nếu năm 2014 có ai đó nói với anh khi thành lập Facebook rằng một ngày nào đó anh phải chiến đấu với các nhà hoạt động chính sách,"thì tôi sẽ không bao giờ tin mình thực sự phải làm điều này 4 năm sau đó".

(Nguồn: CNN)

LÂM NGHI