Khung pháp lý cho đầu tư khởi nghiệp sáng tạo
Du lịch - Ngày đăng : 03:24, 29/03/2018
Có thể nói đây là bước đi quan trọng trong việc kiến tạo khung pháp lý cho quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Để khởi nghiệp thành công, vốn luôn là điều kiện tiên quyết đối với bất kỳ một startup nào. Nhưng với những rủi ro rất dễ gặp phải khi khởi nghiệp, các kênh huy động vốn truyền thống như vay ngân hàng là không thể.
Vì vậy, các startup thường huy động vốn từ các nhà đầu tư cá nhân, doanh nghiệp chuyên đầu tư vào khởi nghiệp, thậm chí đầu tư vào các cá nhân, nhóm cá nhân chưa thành lập doanh nghiệp mà mới chỉ phát triển sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, các khoản đầu tư này thường nhỏ. Vì vậy cần có nguồn cấp vốn đa kênh như công ty đầu tư, quỹ mạo hiểm, vốn cá nhân là cấp thiết để cung cấp nguồn lực nuôi dưỡng các ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nghị định 38 quy định chi tiết về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo, có thể nói là bước tiến lớn trong việc tạo hành lang pháp lý đối với các nhà đầu tư tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Nghị định 38 hướng dẫn về đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo; việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo và cơ chế sử dụng ngân sách địa phương đầu tư cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định 38 quy định quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không có tư cách pháp nhân, do tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập trên cơ sở điều lệ quỹ. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo không được góp vốn vào quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác. Tài sản góp vốn có thể bằng đồng Việt Nam, vàng, giá trị quyền sử dụng đất và các tài sản khác có thể định giá được bằng đồng Việt Nam. Nhà đầu tư cũng không được sử dụng vốn vay để thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Danh mục đầu tư của quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo cũng cởi mở hơn, bao gồm gửi tiền tại các ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của DNNVV khởi nghiệp sáng tạo sau khi nhận đầu tư.
Toàn bộ số vốn góp và tài sản của các nhà đầu tư tại quỹ phải được hạch toán độc lập với công ty quản lý quỹ, các nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ tự thỏa thuận về thẩm quyền quyết định danh mục đầu tư và nội dung này phải được quy định tại điều lệ quỹ và hợp đồng với công ty thực hiện quản lý quỹ (nếu có). Các nhà đầu tư của quỹ có thể thành lập hoặc thuê công ty quản lý quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.
Nghị định 38 đã xác định địa vị pháp lý của các công ty, quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo mà hệ thống pháp luật của Việt Nam chưa quy định. Nghị định 38 cũng đặt ra nguyên tắc chung cho các bên liên quan, gồm nhà đầu tư là cá nhân và tổ chức, các công ty khởi nghiệp sáng tạo, định hướng đầu tư khởi nghiệp sáng tạo khác với những đầu tư khác.
Đây chính là đòn bẩy tạo động lực cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam tìm nguồn đầu tư phù hợp. Kỳ vọng các quy định hướng dẫn thực hiện sẽ sớm ban hành để Nghị định 38 đi vào cuộc sống, khơi thông dòng vốn, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, tinh thần làm giàu trong cộng đồng để tiếp tục hình thành thêm lớp doanh nhân khởi nghiệp mới.
Nghị định 38 được xem như một động lực xây dựng Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp mà ở đó các startup có thể dễ dàng tiếp cận được các quỹ đầu tư với khung pháp lý chặt chẽ. Ở khía cạnh khác, Nghị định 38 còn khuyến khích phát triển kinh doanh trong khu vực tư nhân.
Các quy định cho thấy các cơ quan chính phủ không trực tiếp thực hiện các công việc, dịch vụ này mà việc chủ yếu là đảm bảo chính sách minh bạch, kể cả khung pháp lý để tránh khởi nghiệp ồ ạt, kém hiệu quả, chú trọng vào ứng dụng, nghiên cứu và triển khai để tạo ra công nghệ mới, nghiên cứu mới ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh một cách khả thi.