7 cách thay đổi lối sống hằng ngày để ngừa bệnh Alzheimer
Sống khỏe - Ngày đăng : 06:24, 10/04/2018
Chơi bowling là một trong những cách để ngừa bệnh Alzheimer |
1. Bắt chuyện với những người lạ
Khi ngồi cạnh một người xa lạ trên xe buýt, máy bay hay xe lửa, chúng ta thường hay im lặng. Theo phát hiện của các nhà nghiên cứu Trường ĐH Chicago, nhiều người cảm thấy khó khăn khi tiếp xúc với người lạ, cảm thấy không có lợi gì cho họ và tỏ ý xem nhẹ điều này.
Trước khi bước vào cuộc thử nghiệm, những người tham gia nghĩ rằng tiếp xúc với những người lạ không có lợi gì cho họ. Nhưng khi bắt đầu cuộc trò chuyện với người lạ ngồi bên cạnh họ, thì điều trái ngược đã xảy ra. Họ cảm thấy tốt hơn là khi đơn độc một mình.
2. Tập luyện mạnh trong thời gian ngắn
Thay vì tập luyện một lần trong 30 phút, hãy chia thành những lần ngắn hơn, mỗi lần từ 7 đến 10 phút và lặp lại nhiều lần trong ngày. Cách tập luyện này phù hợp đối với người bệnh tiểu đường - một yếu tố nguy cơ của bệnh Alzheimer, đặc biệt nếu tập vào khoảng nửa tiếng đồng hồ trước mỗi bữa ăn.
Những người tham gia nghiên cứu thử nghiệm có đề kháng insulin tập luyện mạnh trong 6 phút (như đi bộ tăng tốc trên máy tập hay các bài tập thể dục mạnh) xen kẽ với 6 phút tập luyện phục hồi (như đi bộ chậm) vào khoảng nửa giờ trước bữa ăn sáng, bữa trưa và bữa tối. Trong khi đó, những người tham gia trong một nghiên cứu khác chỉ đi bộ 30 phút trước bữa ăn tối.
Kết quả cho thấy, lượng đường trong máu ở những người tập luyện mạnh với khoảng cách 6 phút tốt hơn những người chỉ tập một lần mỗi ngày, với mức tập luyện trung bình.
3. Chơi bowling
Nghiên cứu ở những người bị sa sút trí tuệ được tham gia các buổi trị liệu trong ngày kéo dài 2 giờ đồng hồ, gồm có chơi bowling hay croquet, cũng như làm vườn, các trò chơi thiên về trí não và làm thủ công, cho thấy, sau 12 tháng, những người đã tham gia trị liệu có thể thực hiện các sinh hoạt hằng ngày, như ăn uống hay sử dụng nhà tắm mà không cần hỗ trợ.
Trong khi đó, những người không tham gia trị liệu bị mất khả năng thực hiện các nhiệm vụ này.
4. Đứng mỗi nửa giờ đồng hồ
Khi các nhà nghiên cứu yêu cầu những nhân viên văn phòng bị thừa cân và béo phì đứng trong lúc sử dụng máy tính trong 30 phút vào mỗi giờ đồng hồ, thì phản ứng của lượng đường trong máu của những nhân viên này đã được cải thiện, nhờ đó làm giảm nguy cơ phát triển của bệnh Alzheimer.
Vậy nên, hãy hẹn giờ để bạn có thể đứng dậy và vươn duỗi cơ thể, thực hiện các bài tập nhẹ hay đi bộ ngắn trong một hay hai phút trước khi ngồi xuống. Hãy đứng trong khi nói chuyện điện thoại, trên xe buýt hay trên máy bay, và trong lúc trò chuyện với mọi người.
5. Thư giãn với tư thế yoga Nidra
Yoga Nidra là kỹ thuật hình dung giúp thư giãn sâu lắng cho cơ thể. Nghiên cứu cho biết, những người tập yoga Nidra trong 8 tuần sẽ giúp giảm stress, lo âu và trầm cảm. Hơn nữa, yoga Nidra còn kiểm soát tốt đường huyết. Đây là phát hiện quan trọng vì bệnh tiểu đường là một yếu tố nguy cơ của Alzheimer.
6. Nắm tay người nào đó
Bằng cách kích thích các dây thần kinh phế vị, một va chạm ấm áp có thể làm dịu áp lực và phóng thích oxytocine. Thử nghiệm trên 16 phụ nữ đã lập gia đình đang trong tình trạng bị sốc cho thấy, trong một số tình huống, họ sẽ nắm tay người bạn đời hay một người xa lạ khi bị sốc. Trong một số tình huống khác, họ chỉ đơn độc một mình. Sau khi sử dụng máy quét fMRI phát hiện, khi nắm tay bạn đời, phụ nữ cảm thấy thư giãn hơn là nắm tay một người lạ.
Trong khi đó, những người chọn cách ở một mình khi bị sốc, phản ứng stress của họ ở mức cao nhất.
7. Luân phiên thở 2 bên mũi
Cách này giúp bạn thở sâu và thở gấp đôi giống như thở khi ngồi thiền. Hãy dùng ngón tay cái hay ngón trỏ để ấn vào lỗ mũi bên phải. Hít vào một hơi dài và từ từ sang qua bên trái. Sau đó, ấn ngón tay vào lỗ mũi bên trái và hít thở qua bên phải, và tiếp tục di chuyển ngón tay qua lại 2 bên lỗ mũi. Luân phiên thở 2 lỗ mũi còn giúp giảm stress, áp lực và tăng cường khả năng tập trung.