Kinh doanh xuất bản: Còn nhiều cơ hội
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 09:23, 10/04/2018
Ảnh minh họa: Rey Seven |
Theo báo cáo tại Hội nghị Triển khai công tác Xuất bản và Phát hành 2018 diễn ra ngày 9/3 vừa qua tại Huế, doanh thu của toàn ngành xuất bản Việt Nam năm 2017 đạt 2.892 tỷ đồng, tăng khoảng 31,4% so với năm 2016, nộp ngân sách khoảng 109 tỷ đồng, tăng 59% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản đạt khoảng 190,4 tỷ đồng (tăng 28% so với năm 2016).
So với năm 2016, nhiều nhà xuất bản kinh doanh hiệu quả và có lãi, điển hình như NXB Trẻ (13,7 tỷ đồng), NXB Chính trị Quốc gia – Sự thật (19,7 tỷ đồng), NXB Kim Đồng (30,3 tỷ đồng). Doanh thu ngành phát hành đạt 3.980 tỷ đồng, tăng gần 2% so với năm 2016.
Ở Hội sách TP.HCM lần thứ X khai mạc ngày 19/3, sau một tuần hoạt động, doanh thu từ sách và sản phẩm văn hóa các đơn vị bán ra đạt trên 60 tỷ đồng, tăng 20% so với lần hội sách trước.
Theo ý kiến của nhiều người trong lĩnh vực xuất bản, thị trường sách vẫn đang phát triển, người đọc sách nhất là người trẻ đang ngày càng tăng. Nhiều đơn vị làm sách ngày càng lớn mạnh, chuyên nghiệp và nhanh nhạy nắm bắt thị trường, Việt Nam cũng đã có các đơn vị phát hành đủ trọng lượng để trao đổi ngang hàng với các tập đoàn xuất bản nước ngoài.
Tuy nhiên, so với các nước phát triển, việc tiến hành tìm hiểu, khảo sát để nắm bắt nhu cầu của người đọc tại Việt Nam vẫn chưa phổ biến. Nhiều nhà xuất bản lúng túng trong việc xác định xu hướng đọc mới của giới trẻ, người đọc bối rối tìm sách phù hợp với nhu cầu. Các hoạt động định hướng hỗ trợ sáng tác, xuất bản, quảng bá cho những đầu sách hay còn thiếu và yếu.
Hội sách TP.HCM vừa qua cũng cho thấy việc làm truyền thông cho các tác phẩm mới càng ngày càng quan trọng. Điển hình là trong 2 ngày đầu của hội sách, 2 cuốn Người xưa đã quên ngày xưa của tác giả Anh Khang và Bão lửa U23 – Thường Châu tuyết trắng (tập sách về đội tuyển U23) không lọt vào danh sách sách bán chạy. Thế nhưng, sau 2 cuộc giao lưu vào sáng và chiều ngày thứ ba, cả 2 cuốn sách trên lập tức xuất hiện trong danh sách sách bán chạy nhất trong các ngày tiếp theo.
Trong năm qua, thị trường sách Việt Nam cũng chứng kiến sự chững lại của ebook – trái với xu hướng chung của thế giới. Nếu như trong các hội sách lần trước, ebook được ưu tiên quảng bá, giới thiệu như một xu hướng sắp bùng nổ thì tại hội sách lần này, ebook gần như đã biến mất hẳn. Dù đã từng có những đơn vị tập trung đầu tư khá mạnh, ebook tại Việt Nam đến nay hầu hết vẫn chỉ là bản số hóa của sách giấy.
Về nội dung, thời gian gần đây thị trường sách chứng kiến sự ra đời của nhiều thương hiệu sách mang tính chuyên môn hóa cao. Được chú ý nhất có thể kể đến dòng sách mang chủ đề Sống của Alpha Book dành riêng cho các tác giả trong nước, viết về những vấn đề thời sự, về những điều mà người trẻ quan tâm. NXB Kim Đồng có thương hiệu Wings Books nhằm thu hút các tác giả trẻ viết về những điều mà người trẻ quan tâm. Wings Books còn là nơi để người trẻ thử nghiệm từ cách viết, thể hiện đến cả những hình thức trình bày, công nghệ in ấn…
Saigon Books cũng tổ chức một cuộc thi viết mang tên Người Việt viết sách để chuẩn bị cho một dòng sách riêng của đơn vị này. Theo chia sẻ tại Hội sách TP.HCM của bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Hội chợ sách Frankfurt thì trước sức ép từ các doanh nghiệp có quy mô phát hành toàn cầu như Google, Apple, Amazon… các tập đoàn xuất bản thế giới đã ứng phó bằng cách xây dựng các thương hiệu sách riêng, mang tính chuyên sâu, chuyên môn cao. Nhiều doanh nghiệp sách Việt Nam đã rất chuyên nghiệp khi nắm bắt kịp thời xu hướng này.