Lao động trẻ em và góc khuất của thị trường vàng, kim cương
Quốc tế - Ngày đăng : 06:38, 17/04/2018
Tổ chức Tầm nhìn Nhân quyền (Human Right Watch – HRW) đang tiến hành những cuộc khảo sát sâu rộng để tìm ra lời giải cho những câu hỏi trên. Trong chiến dịch hoạt động của mình, họ đặt ra chuỗi ký tự “Behind the Bling” (Đằng sau đồ trang sức lấp lánh) và đến nay cụm từ này đã được nhắc đến hơn 20.000 lần trên trang mạng Twitter. Mặt khác, đã có hơn 6.000 thư của công chúng gửi đến các công ty kim hoàn, yêu cầu họ nói rõ nguồn cung ứng nguyên liệu làm ra các sản phẩm của họ.
Để đáp ứng những yêu cầu này, HRW đã bắt tay vào cuộc khảo sát và nhận thấy phần lớn các công ty không theo dõi đầy đủ dấu vết của vàng và kim cương họ có, không nắm rõ được những đe dọa về nhân quyền, thậm chí cũng không biết được tên người cung cấp vàng và kim cương cho họ. Chỉ có 2 công ty Tiffany và Company đủ “mạnh” để đi những bước cần thiết trong việc tìm ra nguồn gốc cung ứng của vàng và kim cương, trong khi 4 công ty Bulgari, Cartier, Pandora và Signet chỉ có những nỗ lực trung bình, còn 4 công ty khác nữa được xếp loại yếu kém.
Theo ước tính của HRW, hiện có hàng triệu người đang lao động tại các mỏ vàng và đá quý trên thế giới. Họ gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em và thường xuyên là đối tượng của sự vi phạm quyền con người. Những con số thống kê mới nhất cho thấy số trẻ em được sử dụng tại các mỏ trên khắp thế giới lên đến hơn 1 triệu em, phần lớn tại các mỏ vàng và kim cương.
Tình trạng lao động trẻ em tập trung nhiều nhất ở Tây và Trung Phi. Tại Sierra Leone, hàng ngàn trẻ em và thanh thiếu niên làm công nhân khai thác kim cương, được cung cấp chỗ ở, thực phẩm và dụng cụ lao động. Riêng tại Bờ Biển Ngà, trẻ em bị buôn bán từ đất nước láng giềng Burkina Baso, làm thủ công tại các mỏ vàng, sống trong những điều kiện tương tự như trong chế độ nô lệ.
Tuy nhiên tệ nạn trẻ em làm việc tại các mỏ vàng và kim cương không chỉ là tai họa của riêng châu Phi. Tại Myanmar, các chế tài về thương mại đã được áp đặt cho việc buôn bán các loại đá quý, do nền công nghiệp khai mỏ của nước này dựa trên việc cưỡng bách lao động trẻ em.
Tương tự, điều kiện lao động tại Ấn Độ cũng được HRW đặc biệt lưu ý. Tại đây, phần lớn đồ kim hoàn của thế giới được cắt gọt và mài giũa, hàng ngàn trẻ em đã được sử dụng lao động trong những điều kiện khá tồi tệ.