Thuế, phí đang đè nặng lên nền kinh tế

Du lịch - Ngày đăng : 03:00, 17/04/2018

Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố, Chính phủ có ý định cắt giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) từ mức 20 - 22% xuống còn 15 - 17%.
Thuế, phí đang đè nặng lên nền kinh tế

Tuy không cho biết thời điểm áp dụng cũng như đối tượng sẽ được giảm thuế, nhưng trước đó, Bộ Tài chính đồng thời là cơ quan đề xuất áp dụng mức thuế TNDN cho DN siêu nhỏ, DN nhỏ và vừa lần lượt là 15% và 17%.

Song, những đề xuất giảm, giãn thuế hỗ trợ DN, hỗ trợ người dân xem ra "đếm trên đầu ngón tay" và thường không nói rõ lộ trình áp dụng so với những đề nghị tăng thuế mà bộ này tiến hành. Điển hình như tháng 8/2017, Bộ Tài chính khiến dư luận "dậy sóng" khi  đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên mức 12% (áp dụng vào năm 2019).

Song song đó là việc kiến nghị giảm bớt số mặt hàng được hưởng thuế VAT ưu đãi 5%. Bộ Tài chính lý giải, mức thuế VAT 10% như hiện nay là chưa theo kịp thông lệ quốc tế, khó bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

Cũng trong năm 2017, cơ quan quản lý ngân khố quốc gia đã đề xuất tăng thu thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu lên mức 4.000 đồng/lít với lý do thu ngân sách từ dầu thô giảm và giá xăng Việt Nam đang thấp tương đối so với 122 quốc gia trên thế giới. Dự kiến, nếu áp dụng vào ngày 1/7 tới, nguồn thu được bổ sung cho ngân sách sẽ hơn 57.000 tỷ đồng.

Đầu năm nay, Bộ Tài chính "gây bão" với đề xuất tăng thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, nhằm bổ sung nguồn thu cho ngân sách. Và ngày 13/4 vừa qua, bộ này tiếp tục công bố đề xuất đánh thuế tài sản lên nhà, đất, ô tô, máy bay.

Thay vì đánh thuế tài sản đối với ngôi nhà thứ hai như thảo luận trước đây thì Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế với mức 0,3 - 0,4% dựa trên giá trị của căn nhà, không loại trừ đó là ngôi nhà đầu tiên. Điều này xem ra đi ngược với thông lệ quốc tế.

Đối tượng áp dụng các sắc thuế này nếu không là DN thì cũng là người tiêu dùng cuối cùng nhưng lý do được Bộ Tài chính nhắc đến nhiều nhất sau những đề xuất, quyết định tăng thuế là "phù hợp với thông lệ quốc tế” hoặc "phù hợp với tình hình phát triển thực tế của đất nước", thay vì phải giải thích rõ ràng nguồn thuế thu được sẽ được sử dụng vào việc gì, nếu áp dụng, DN, người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào, như phân tích của các chuyên gia kinh tế.

Năm ngoái, khi nói về thuế bảo vệ môi trường, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã bày tỏ quan điểm, thuế bảo vệ môi trường phải chi cho môi trường hoặc phát triển năng lượng tái tạo, không thể hòa vào ngân sách chung như hiện nay.

Còn nếu nói về "thông lệ quốc tế” và "đảm bảo an toàn tài chính quốc gia" thì cần xem xét trên nhiều khía cạnh. Ngay như vấn đề bổ sung nguồn tài chính cho ngân khố, nếu mỗi năm các bộ ngành, đơn vị công lập tinh giảm 1,5% biên chế thì đã tiết kiệm được 800 - 900 tỷ đồng. Xét về mặt cải cách hành chính, còn nhiều vấn đề mà các cơ quan công quyền phải ưu tiên triển khai để Việt Nam theo kịp với "thông lệ quốc tế”.

Chẳng hạn, với cộng đồng DN, theo TS. Trần Đình Thiên, dù đã có nhiều cải cách nhưng nhìn chung, môi trường kinh doanh của Việt Nam còn nhiều rào cản, chất lượng thể chế còn không ít hạn chế. Cả nước hiện có gần 3 triệu viên chức, công chức hưởng lương ngân sách, tương đương 30,5 công chức/1.000 dân. Con số này là quá cao so với các nước trong khu vực như Indonesia (17,64/1.000), Philippines (13,02/1.000) và Singapore (25,69/1.000).

Qua khảo sát của CIEM, DN Việt Nam đang đối mặt với nhiều rào cản khi có đến 15 bộ và Ngân hàng Nhà nước trong diện khảo sát đang quản lý hơn 5.000 giấy phép và phải chịu nhiều khoản thuế, phí, lệ phí và chi phí lãi vay cao, rõ ràng họ đang chịu thiệt so với các DN có vốn đầu tư nước ngoài.

Còn về phía người tiêu dùng, dù là thuế trực thu hay gián thu thì DN vẫn bị tác động, trong khi thu nhập và mức sống lại chưa "đuổi kịp" với xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. 

NGUYÊN BẢO