Luật Thuế Tài sản: Nỗi lo thuế chồng thuế trên thị trường bất động sản
Bất động sản - Ngày đăng : 06:30, 19/04/2018
Thay vì đánh thuế ngôi nhà thứ hai trở đi như một số ý kiến trước đây, Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế căn hộ chung cư, đất ở, đất xây nhà chung cư, đất kinh doanh có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên với mức thuế 0,4%/năm cho phần giá trị vượt 700 triệu đồng. Chẳng hạn như với căn nhà có giá 1,7 tỷ đồng, chủ sở hữu sẽ phải nộp 4 triệu đồng/năm thuế tài sản.
Còn với đất sẽ có 2 phương án xác định giá tính thuế. Một là căn cứ theo bảng giá đất do UBND cấp tỉnh công bố tại thời điểm tính thuế. Hai là tính theo giá mỗi m2 đất trên thị trường tại thời điểm tính thuế. Song, cách tính này, theo Bộ Tài chính là chưa phù hợp với Việt Nam do chưa có hệ thống định giá tài sản đáp ứng yêu cầu. Do vậy, bộ này nghiêng về phương án đầu tiên.
Thuế tài sản: Phải nhìn tổng thể
Năm ngoái, Bộ Tài chính đã có báo cáo chuyên đề về chính sách thuế đối với bất động sản nhằm tiến tới xây dựng Luật Thuế Tài sản, trong đó đối tượng chịu thuế là người sở hữu nhà, đất, nhất là người sở hữu nhiều nhà, từ căn nhà thứ hai trở đi.
Đánh thuế đối với người có nhiều nhà, đất còn nhằm mục đích phòng chống đầu cơ và sử dụng lãng phí bất động sản, tăng nguồn cung cho thị trường, tạo thêm cơ hội cho người có nhu cầu an cư tiếp cận nhà ở.
Thêm nữa, trong trường hợp xuất hiện nguy cơ thị trường bất động sản sốt "bong bóng", cần xem xét đánh thuế cao khi chuyển nhượng nhà, đất ngay sau khi mua (có thể tính trong năm đầu tiên) để phòng chống đầu cơ, giúp ổn định thị trường. Nhưng lần này, Bộ Tài chính không đề xuất đánh thuế tài sản đối với căn nhà thứ hai trở đi vì cho rằng có một số điểm chưa hợp lý.
Không thể phủ nhận những mặt tích cực mà thuế tài sản mang lại nhưng theo Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), điểm khác biệt cơ bản là ở các nước, đất đai thuộc sở hữu tư nhân, không có khoản "thu tiền sử dụng đất" như ở nước ta.
Do vậy, việc ban hành Luật Thuế Tài sản chỉ hợp lý khi đồng thời sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai hiện nay đang còn nhiều điểm chưa hợp lý. Tiền sử dụng đất không phải là một sắc thuế, cũng không phải là phí nhưng là một khoản thu lớn trong ngân sách của địa phương, là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà.
Khoản này đang chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành nhà ở, khoảng trên dưới 10% đối với chung cư, trên dưới 30% đối với nhà phố và khoảng trên dưới 50% đối với biệt thự. Do vậy, nếu ban hành Luật Thuế Tài sản mà không sửa đổi chính sách và cơ chế thu tiền sử dụng đất thì sẽ không hợp lý.
Nguy cơ thuế chồng thuế?
Ở nước ta, hiện nay chưa thu thuế nhà ở, chỉ có thu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, trong đó có đất ở theo quy định của Luật Thuế Sử dụng đất phi nông nghiệp. Mức thuế phải nộp được tính theo bảng giá đất của cấp tỉnh, với thuế suất 0,03% đối với đất ở trong hạn mức, 0,07% đối với phần diện tích không quá 3 lần hạn mức và 0,15% đối với phần diện tích vượt trên 3 lần hạn mức.
Với việc mở rộng đối tượng chịu thuế như Bộ Tài chính đề xuất trong dự án Luật Thuế Tài sản, đã có không ít ý kiến bày tỏ về nỗi lo thuế chồng thuế.
Về vấn đề này, phía HoREA bày tỏ quan điểm tại công văn gửi các bộ, ngành mới đây, rằng Luật Thuế Tài sản nếu được ban hành tại thời điểm này sẽ tác động rất lớn đối với thị trường bất động sản và người tiêu dùng.
Bên cạnh mặt tích cực của Luật Thuế Tài sản như tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tăng nguồn thu ngân sách, góp phần làm cho thị trường bất động sản minh bạch và lành mạnh, HoREA quan ngại sẽ xảy ra tình trạng "thuế chồng thuế" do người mua nhà vừa phải nộp tiền sử dụng đất, vừa phải nộp thuế tài sản, đồng thời sẽ tác động đến mặt bằng giá cả nói chung, mà trực tiếp là làm tăng giá nhà, đất.
Thêm nữa, Luật Thuế Tài sản sẽ làm giảm phần nào đầu tư, kinh doanh của các nhà đầu tư thứ cấp, dẫn tới khả năng sụt giảm giao dịch trên thị trường. Cùng với đó là tác động trực tiếp đến lợi ích của người dân do mức thuế suất cao hơn 13 lần so với hiện nay (dự án Luật Thuế Tài sản đề xuất thuế suất 0,4% - hiện nay chỉ 0,03% - đối với đất ở trong hạn mức) dẫn tới khả năng có thể có những người sẽ gặp khó khăn trong việc nộp thuế.
HoREA cho rằng, việc đề xuất áp dụng mức thuế 0,4% đối với đất ở, đất xây dựng nhà chung cư, nhà ở có giá trị trên 1 tỷ đồng có thể chấp nhận được khi so sánh với thuế suất cao hơn ở nhiều nước, nhưng do mức sống của người dân nhìn chung còn thấp so với các nước khác, nên mức thuế được Bộ Tài chính đề xuất cao hơn 13 lần so với thuế suất đang áp dụng hiện nay sẽ trở thành gánh nặng cho người sở hữu nhà ở thuộc diện chịu thuế.
Do vậy, HoREA đề nghị không thu thuế đối với nhà ở có giá trị từ 1 tỷ đồng trở xuống để thu hẹp diện chịu thuế và hỗ trợ thiết thực cho những người có thu nhập trung bình thấp và người có thu nhập thấp.