Công thức khởi nghiệp thành công: Trách nhiệm - Kỷ luật - Tận tâm - Chủ động
Start up - Ngày đăng : 06:17, 20/04/2018
Cơ hội để khởi nghiệp hay vào làm việc tại công ty mơ ước không ít, tuy nhiên, sinh viên cần chủ động hơn trong tư duy và hành động, cần nhiều đam mê hơn để thúc đẩy bản thân. Những khuyết điểm không thể cản bước bạn trên đường lập nghiệp, quan trọng là bạn có đủ nghị lực để vượt qua giới hạn bản thân hay không.
Đó là những chia sẻ của các doanh nhân với sinh viên tại Đại học Công nghiệp Hà Nội trong buổi giao lưu Doanh nhân - Sinh viên chủ đề Lập nghiệp thời 4.0 ngày 20/4. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Giải thưởng Tài năng Lương Văn Can (GTTNLVC) 2018 do Báo Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức.
Các diễn giả tham gia gồm: Anh Đinh Anh Tuấn - Giám đốc điều hành Hệ sinh thái hình ảnh sáng tạo 3D VNi; anh Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược mỹ phẩm CVI; anh Lê Nam - Sáng lập - CEO Công ty Truyền thông VietMoz; chị Phùng Thị Phương - Trưởng phòng Chiến lược thương hiệu Công ty Richard Moore Associates.
Nêu quan điểm về tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, anh Phan Văn Hiệu cho rằng: Cách mạng công nghiệp, từ 2.0 đến 4.0, thực chất là các giai đoạn phát triển của tự động hóa. Tự động hóa làm cho vai trò của con người ngày càng giảm. Bất kể sự thay đổi nào cũng đều có 2 mặt. Công nghệ 4.0 tạo ra tương tác mới, bộ mặt mới cho xã hội, nhưng đồng thời cũng tạo ra những tác động tiêu cực, như máy móc sẽ làm mất đi công việc làm. Trong thời đại 4.0, không chỉ là kỹ năng mà cả trí tuệ cũng có thể bị bị thay thế bởi máy móc.
Trò chuyện với các sinh viên ĐH Công nghiệp Hà Nội, các doanh nhân chia sẻ nhiều kinh nghiệm lập nghiệp được rút ra từ trải nghiệm của chính bản thân mình:
Từ trái qua: Chị Phùng Thị Phương, anh Đinh Anh Tuấn, anh Phan Văn Hiệu, anh Lê Nam |
Anh Đinh Anh Tuấn: Làm thuê hay làm chủ là tùy thuộc vào lựa chọn, khả năng vận hành của mỗi cá nhân. Nhưng dù làm thuê hay làm chủ cũng đều cần đề cao tính kỷ luật, hiểu rõ mình đang làm gì và tập trung hết sức vào đó. |
Chị Phùng Thị Phương: "Với nhà tuyển dụng, nếu bạn chưa có kinh nghiệm và thiếu kỹ năng thì họ có thể chấp nhận vì đó là những thứ có thể rèn luyện và đào tạo. Nhưng thái độ và tư duy của bạn không phù hợp thì khó lòng được chấp nhận". |
Anh Phan Văn Hiệu khuyến cáo sinh viên có thể bị mất cơ hội việc làm nếu không chủ động. Theo anh, sự chủ động cần được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu để chuẩn bị cho tương lai. |
Anh Lê Nam: Doanh nghiệp cần nhìn thấy khát khao của ứng viên. Lý do doanh nghiệp chưa chào đón sinh viên là do phần lớn sinh viên hiện nay còn thụ động. Dù bạn làm gì, lời khuyên tôi dành cho các bạn cũng là phải tận tâm. |
Sinh viên trường Đại học Công nghiệp Hà Nội hào hứng giao lưu với các doanh nhân |