ThaiBev có "mắc kẹt" tại Sabeco?
Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:35, 23/04/2018
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị phần bia Việt Nam hiện nằm trong tay Sabeco (40%) và Heineken (25%). Ảnh minh họa: Quý Hòa |
Nhưng để làm chủ hoàn toàn doanh nghiệp này, xem ra Thaibev vẫn cần thời gian.
Gặp khó?
Theo luật, chỉ cần 51% là đã đủ quyền chi phối và quyết định mọi kế hoạch kinh doanh tại doanh nghiệp. ThaiBev chấp nhận bỏ giá cao để mua cổ phần Sabeco với giá 110.000 tỷ đồng, tương đương 4,8 tỷ USD là muốn chi phối tại doanh nghiệp này.
Nhưng đến thời điểm này, tuyên bố có giá trị nhất của ông chủ mới tại Sabeco là nâng sản lượng tiêu thụ 2 tỷ lít bia vào năm 2018, tăng nhẹ so với sản lượng tiêu thụ thực tế năm 2017 là 1,75 tỷ lít.
Đồng thời ThaiBev kỳ vọng nâng thị phần từ mức 40% lên 50% và tiếp thêm sức mạnh cho Sabeco thông qua việc mở rộng kênh phân phối tại thị trường Singapore và Thái Lan. Nhưng đến thời điểm này, chưa có một thông tin mới nào về thay đổi nhân sự, quản trị, hay chiến lược kinh doanh mới tại Sabeco. ThaiBev tỏ ra cẩn trọng tìm hiểu thêm về doanh nghiệp, thị trường hay đang vướng mắc một vấn đề khác?
Việc này liên quan đến điều lệ của Sabeco. Theo đó, các quyết định quan trọng chỉ được đại hội đồng cổ đông thông qua nếu đạt tỷ lệ 65% cổ đông có quyền biểu quyết. Điều lệ Sabeco ghi: Nếu muốn thay đổi ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, cơ cấu tổ chức, quản lý, dự án đầu tư hoặc bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn 35% tổng giá trị tài sản, tổ chức lại, giải thể công ty, hoặc thay đổi thời hạn hoạt động đều phải đạt tỷ lệ biểu quyết ít nhất 65%.
Hiện nay, Nhà nước thông qua Bộ Công Thương nắm giữ 36% tỷ lệ sở hữu tại Sabeco thì dù ThaiBev cùng với số cổ phần chiếm ưu thế và sự ủng hộ của cổ đông nhỏ lẻ khác thì cũng chưa đủ quyền quyết định chiến lược kinh doanh cũng như các vấn đề quan trọng khác của doanh nghiệp này.
Thế nhưng đây chỉ là một phần rắc rối với ThaiBev. Người Thái chưa kịp tận hưởng niềm vui sở hữu công ty bia có thị phần lớn nhất Việt Nam thì Kiểm toán Nhà nước đã yêu cầu nộp khoản tiền 2.495 tỷ đồng, là lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước khi Nhà nước còn nắm quyền chi phối tại Sabeco là 89,59% vốn điều lệ.
ThaiBev đã chấp nhận mua giá cao để có được vai trò chi phối tại Sabeco, nếu trả khoản tiền này cho Nhà nước thì giá lại càng đắt. Nếu khoản lợi nhuận này rút đi từ trước khi IPO thì thị giá cổ phiếu Sabeco đã khác. Các quan chức Bộ Công Thương trao đổi với báo chí khẳng định để lại khoản lợi nhuận trên nhằm không ảnh hưởng tới quá trình bán vốn.
Đến thời điểm này, ThaiBev chưa có vai trò nào tại Sabeco khi chưa có bất kỳ người nào nằm trong hội đồng quản trị. Họ phải chờ đến đại hội cổ đông bất thường sẽ được tổ chức vào cuối tháng 4 này mới biết được "số phận".
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) chia sẻ: "Chúng ta hãy đặt địa vị như ThaiBev hay các cổ đông khác của Sabeco để hiểu cảm giác của họ. ThaiBev đã bỏ ra gần 5 tỷ đô la Mỹ - số tiền đủ để xây dựng hệ thống cao tốc Bắc Nam theo hình thức PPP để mua 53,59% vốn điều lệ Sabeco mà cho tới thời điểm này chưa cử được người tham gia quản lý Sabeco, rồi Kiểm toán Nhà nước ra quyết định đòi nợ Sabeco thì quả là... gặp khó”.
Toan tính của ThaiBev
Mua giá cao, điều đó đã rõ, chưa nắm được quyền tại Sabeco vì cần thời gian, ThaiBev liệu có "hớ" trong thương vụ này? Nhìn về các mục tiêu và chiến lược kinh doanh của ThaiBev thì thấy người Thái toan tính xa hơn.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là một giao dịch không hề rẻ. Nhưng với vị thế thống lĩnh thị trường của Sabeco, mà một khi đã kiểm soát được công ty này là bệ đỡ quan trong cho mục tiêu của ThaiBev đặt ra với tầm nhìn đến năm 2020 thống lĩnh thị trường bia ở Đông Nam Á.
Vốn được biết đến là nhà sản xuất bia Chang nổi tiếng, nhưng tại quê nhà Thái Lan, ThaiBev khó tìm lợi nhuận tốt vì mức thuế đối với bia quá cao nên nhu cầu tiêu thụ thấp. ThaiBev muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, và Việt Nam là một ưu tiên vì có nền tảng thị trường tốt với dân số trẻ, thu nhập bình quân đầu người tăng và đặc biệt mức độ tiêu thụ thức uống có cồn cao.
Theo một nghiên cứu của Hãng Nghiên cứu thị trường Kirin Holdings, Việt Nam có thị trường bia lớn nhất so với các nước Đông Nam Á khác, với mức tiêu thụ lên đến 4 tỷ lít/năm. Đặc biệt, Sabeco đang giữ vị trí thống lĩnh thị trường, mà nếu nhìn sang các nước xung quanh, không một công ty bia nào có khả năng đạt được điều này.
Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị phần bia Việt Nam hiện nằm trong tay Sabeco (40%) và Heineken (25%). Habeco (Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội) ở vị trí thứ 3 với 18%, Carlsberg nắm giữ 10,8% thị phần.
Sabeco cũng là một công ty có tốc độ tăng trưởng doanh thu tốt nhất trong ngành, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) hằng năm từ năm 2012 - 2017 là 6,4%. Sabeco còn có hệ thống phân phối rộng khắp do 11 công ty thương mại đảm nhận, quản lý 44 chi nhánh, 8 tổng kho, 800 nhà phân phối cấp 1 và hơn 32.000 điểm bán. Sabeco còn có 26 nhà máy bia ở các tỉnh - thành là ưu thế để giảm giá thành vận chuyển, phân phối.
"Với vị thế hàng đầu của Sabeco, thì việc kiểm soát được công ty này phù hợp với chiến lược kinh doanh của ThaiBev là mở rộng phạm vi ra thị trường nước ngoài", theo Kirin Holdings.
Là công ty nhà nước, được giao những "mảnh đất vàng" thì giá trị đất đai của Sabeco là yếu tố mà ThaiBev không thể không toan tính đến trong thương vụ mua tổng công ty này. Sabeco đang sở hữu 4 khu đất tại 46 Bến Vân Đồn (quận 4, TP.HCM) là 3.360m2, 187 Nguyễn Chí Thanh (quận 5) là 15.570m2, 474 Nguyễn Chí Thanh (quận 10) là 7.729m2, 18/3B Phan Huy Ích (quận Tân Bình) là 2.193m2. Mặc dù 3 trong 4 khu đất này vẫn tiếp tục duy trì cho việc kinh doanh bia, nhưng việc chuyển đổi mục đích có lẽ sẽ là tầm ngắm không xa của ThaiBev.
Trong khi chờ các rắc rối được dàn xếp thì ThaiBev tiếp tục hưởng lợi lớn khi kết thúc năm 2017, Sabeco đạt doanh thu 34.193 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.712 tỷ đồng.