Xuất hiện xu hướng nhà máy thông minh tại Việt Nam

Chat với chuyên gia - Ngày đăng : 00:26, 25/04/2018

Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo nên cuộc cải cách đáng kể về công nghệ sản xuất. Trong đó, sản xuất thông minh (ứng dụng công nghệ, quy trình thông minh vào sản xuất và quản trị) đang phát triển rầm rộ trên thế giới.
Xuất hiện xu hướng nhà máy thông minh tại Việt Nam

Đức được xem là quốc gia khởi xướng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với mục tiêu tạo ra những thay đổi căn bản trong chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm và dịch vụ toàn cầu.

Đã có nhiều nhà máy số được xây dựng, trong số đó nhà máy điện tử Amberg Siemens được xem là một trong những hình mẫu đầu tiên trên thế giới cho xu hướng này. Tại đây, máy móc và máy tính đã xử lý đến 75% các khâu của chuỗi giá trị sản phẩm, con người chỉ chịu trách nhiệm khâu phát triển sản phẩm và khởi động quá trình.

Ở các nhà máy thông minh, máy móc được kết nối internet và liên kết với nhau qua hệ thống có thể tự hình dung toàn bộ quy trình sản xuất rồi đưa ra quyết định. Theo TS. Lê Đình Phong thuộc lĩnh vực robotics và tự động hóa (Khu Công nghệ cao TP.HCM), tính năng quan trọng nhất của nhà máy thông minh là sự kết nối.

Các máy móc thiết bị, cảm biến, robot, dữ liệu (từ các hoạt động và hệ thống kinh doanh cũng như từ các nhà cung cấp và khách hàng), nguồn nhân lực... kết nối với nhau, từ đó có thể thực hiện các quy trình thông minh và hiệu quả trong sản xuất. Với công nghệ mới, mọi hoạt động được tối ưu hóa, giảm sự can thiệp bằng tay với độ tin cậy cao, quy trình sản xuất được minh bạch từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng, từ nhà máy đến chuỗi cung ứng, quá trình phân phối, trải nghiệm người dùng.

Với mạng lưới kết nối và tích hợp được xây dựng trên nền tảng ứng dụng các công nghệ thu thập và phân tích dữ liệu, nhà máy thông minh tạo ra sự chủ động, lường trước các thách thức và nhờ vậy có thể cải thiện năng suất và đáp ứng tốt hơn trước biến động về nhà cung cấp cũng như những yêu cầu từ khách hàng.

Theo các chuyên gia, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc là những lĩnh vực có tính đa dạng về sản phẩm, có điều kiện thuận lợi để những nhà máy thông minh được ứng dụng và phát huy những đặc tính ưu việt của chúng. Tuy nhiên, hiện nay, nền công nghiệp sản xuất Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn tự động hóa từng phần đến toàn bộ.

Những nhà máy sản xuất có mức độ tự động hóa cao thường thuộc các thương hiệu lớn, hoặc có đầu tư từ nước ngoài.
Xu hướng đầu tư nhà máy thông minh mới manh nha tại Việt Nam, điển hình là tại Công ty Trường Hải (Thaco). Năm 2017, Thaco khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô Thaco Mazda với kinh phí lên đến 12.000 tỷ đồng tại Quảng Nam, và giai đoạn 1 của Thaco Mazda (khoảng 7.000 tỷ đồng) đã vận hành hồi tháng 3 vừa qua.

Theo nhà cung cấp dịch vụ tư vấn và thông tin thị trường hàng đầu thế giới Future Market Insights (FMI), thị trường nhà máy thông minh toàn cầu có giá trị 51 tỷ USD vào năm 2014 và dự kiến sẽ tăng với tốc độ 13,3% mỗi năm cho đến năm 2025.

Nhà máy áp dụng hệ điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động toàn nhà máy với thông tin xuyên suốt chuỗi giá trị, từ đặt hàng cho đến sản xuất. Doanh nghiệp này đã áp dụng phương thức sản xuất thông minh (dây chuyền lắp ráp ô tô do các robot đảm nhiệm), xưởng thông minh, hướng tới mục tiêu trở thành nhà máy thông minh.

Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu kinh tế Cát Hải - Hải Phòng dự kiến hoạt động giai đoạn 1 vào cuối năm nay cũng được xem là nhà máy thông minh của ngành ô tô Việt Nam. Để vận hành tổ hợp có tổng vốn đầu tư lên đến 3,5 tỷ USD, Vinfast đã ký với Siemens trang bị các công nghệ mới nhất có mức độ tự động hóa cao, các phần mềm ưu việt có khả năng quản trị và tích hợp toàn diện xuyên suốt chuỗi giá trị (từ khâu lên ý tưởng thiết kế, thử nghiệm sản phẩm cho đến lập kế hoạch và thiết kế dây chuyền sản xuất, điều hành sản xuất, quản trị hậu cần, hậu mãi).

Trong ngành giải khát, Công ty Coca-Cola cũng đã bắt tay xây dựng nhà máy thông minh. Từ năm 2013 đến nay, Coca-Cola liên tiếp đầu tư các dây chuyền sản xuất với công nghệ tiên tiến nhất. Bà Phạm Nhã Uyên - Giám đốc Tiếp thị Coca-Cola khu vực Đông Dương cho biết, thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp 4.0, Coca-Cola sẽ vận hành mô hình nhà máy sản xuất thông minh.

Trong đó, nhà máy ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý sản xuất, số hóa và đồng bộ cơ sở dữ liệu cùng hệ thống cảm biến thông minh kiểm soát các chỉ tiêu chất lượng, tạo quy trình sản xuất khép kín sẽ cho ra đời những sản phẩm chất lượng cao.

Toàn bộ dây chuyền sản xuất được tự động hóa và điều khiển bằng robot. Hệ thống kho cũng ứng dụng công nghệ thông minh, xuất, nhập hàng tự động, cùng hệ thống quản lý vận tải tích hợp hệ thống định vị toàn cầu, giúp việc vận chuyển hàng hóa thuận tiện hơn.

Theo kịp xu hướng phát triển nhà máy thông minh, Công ty Vinamilk cũng đã xây dựng Nhà máy sữa Vinamilk tại Bình Dương - nhà máy sản xuất sữa lớn nhất và hiện đại nhất Đông Nam Á. Tại đây, các dây chuyền sản xuất đã được tự động hóa hoàn toàn và một nhà kho với toàn bộ quy trình vận chuyển thành phẩm do robot thực hiện. Những chú robot tự hành này sẽ đi tìm ắc-quy đã được nạp đầy điện để tự thay khi nhận thấy sắp hết năng lượng.

Những ứng dụng công nghệ đã được doanh nghiệp đưa vào thực tế sản xuất nhưng theo các chuyên gia, để đạt được trình độ sản xuất tiên tiến như nhà máy thông minh đúng nghĩa thì cần có quá trình phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị và con người. Hiện nay, dù làn sóng công nghệ 4.0 phát triển mạnh mẽ nhưng vì nhiều yếu tố, xu hướng nhà máy thông minh mới chỉ manh nha ở Việt Nam.

MINH HÀO