Học ngoại ngữ không thể chỉ dựa vào...Google dịch

Du lịch - Ngày đăng : 08:00, 01/05/2018

Nhiều người cũng hy vọng công nghệ ngày càng tiến bộ sẽ san phẳng những trở ngại khác biệt ngôn ngữ khiến cho bao thanh niên tốn thời gian, công sức, tiền bạc để học ngoại ngữ mà vẫn không được như ý.
Học ngoại ngữ không thể chỉ dựa vào...Google dịch

Một học sinh tỏ ra lạc quan: "Chúng ta chả việc gì phải buồn khi nói tiếng Anh kém. Thế giới phẳng nhờ công nghệ tạo điều kiện cho chúng ta gặp gỡ bạn bè, đồng nghiệp các sắc tộc trên mạng internet thì cũng sẽ phát triển công nghệ giúp chúng ta giao tiếp".

Nhiều người cũng hy vọng công nghệ ngày càng tiến bộ sẽ san phẳng những trở ngại khác biệt ngôn ngữ khiến cho bao thanh niên tốn thời gian, công sức, tiền bạc để học ngoại ngữ mà vẫn không được như ý, thậm chí vẫn "mù” tiếng Anh sau 7 - 10 năm học ở bậc phổ thông cơ sở và phổ thông trung học.

Thế nhưng đó chỉ là ước mơ viển vông dù cho đến một ngày công nghệ có thể giúp dịch thuật tốt hơn các công cụ hiện nay như "Google dịch". Mới đây, tôi gặp một người nước ngoài đang theo học tiến sĩ ở Nhật, anh nói tốt tiếng Anh và tiếng Nhật.

Anh khoe vừa quen một cô gái người Việt rất xinh đẹp, đến Nhật để học ngôn ngữ. Một tuần sau, sự hồ hởi ban đầu của anh đã tắt lịm và anh e rằng tình bạn giữa anh và cô ấy khó phát triển chỉ vì cô không biết ngoại ngữ nào ngoài tiếng Việt, và cô dùng ứng dụng "Google dịch" để truyền tải suy nghĩ và giao tiếp.

Anh nói: "Lúc đầu thì thấy thú vị, nhưng cả ngày cô ta cứ dí cái điện thoại vào mắt tôi, bảo đọc câu cô ta viết và được dịch ra. Đọc hoài tôi thấy vừa mệt mỏi, vừa bực mình vì nhiều câu phức tạp được Google dịch rất ngô nghê, không thể truyền tải đúng tình cảm và suy nghĩ của người nói, mà đó là thế mạnh của ngôn ngữ. Tôi thật sự không đủ kiên nhẫn, cô ấy cũng vậy. Thế là mối quan hệ vừa mới chớm hình thành đã rạn vỡ quá sớm".

Đó là chuyện tất yếu phải xảy ra. Hãy hình dung bạn đang ở trong một nhóm người đa chủng tộc, không thể nào cả nhóm cứ lần lượt dí điện thoại vào mắt nhau để trò chuyện như thế. Và nếu không biết một ngoại ngữ nào, thật khó hòa nhập với bất cứ cộng đồng nào, nói gì đến học tập, làm việc.

Người Việt mình có câu "Chim khôn hót tiếng rảnh rang/ Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe" ám chỉ việc coi trọng chuyện luyện cách ăn nói khôn ngoan, lịch sự, thế mà các bạn trẻ lại định dựa vào sự phát triển của công nghệ để máy nói thay người.

Có thể các bạn sẽ vượt qua những khó khăn trong học tập, nhưng giao tiếp bằng ngôn ngữ là phần quan trọng của đời sống, từ tình cảm đến làm ăn, kết giao trong xã hội, thế nên chắc chắn trong tương lai gần chẳng có công nghệ nào có thể giúp chúng ta vượt qua rào cản ngôn ngữ, công nghệ chỉ giúp chúng ta không bị bế tắc một lúc nào đó nhờ ứng dụng dịch tự động.

Vậy nên việc hô hào không cần học ngoại ngữ đang nhen nhóm từ các mạng xã hội lan ra cộng đồng học sinh là rất sai lầm. Vì nếu không chú trọng luyện ngoại ngữ, trong tương lai các em sẽ khó có cơ hội ra nước ngoài học tập hoặc tìm được việc làm tốt.

Luyện ngoại ngữ không chỉ đủ để chào hỏi, tham gia giao thông, đi bác sĩ, giới thiệu gia đình..., mà phải xác định mục tiêu để không mắc những sai lầm về văn hóa. Chẳng hạn như các bạn trẻ Việt Nam hiện rất thích dùng từ "soái ca" để chỉ những anh chàng đẹp trai, hào hoa, phong nhã mà không biết từ đó xuất phát từ tiếng Hoa, cũng có nghĩa tương tự, nhưng khi hai người yêu nhau đối thoại trực tiếp, "soái ca" còn được người nữ dùng để gọi người nam.

Nếu phạm phải sai lầm khi gọi một anh chàng nào đó là "soái ca" nơi công cộng thì thật xấu hổ! Ngôn ngữ không thể trông đợi hoàn toàn vào công nghệ, trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người thực là thế.

PHAN HÒA BÌNH