Huy động nguồn lực cộng đồng cho đô thị thông minh

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 03:36, 02/05/2018

Huy động nguồn lực, kinh nghiệm từ cộng đồng doanh nghiệp để hiến kế và góp sức xây dựng đô thị thông minh cho TP.HCM là nội dung được tiếp tục đề cập tại cuộc gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) do UBND TP.HCM tổ chức hồi tuần rồi.
Huy động nguồn lực cộng đồng cho đô thị thông minh

"Khung" cho đô thị thông minh

Đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đưa những đề xuất cụ thể cho tiến trình thực hiện đô thị thông minh của TP.HCM nhằm giải quyết những bất cập còn tồn tại hiện nay không chỉ về kỹ thuật công nghệ và chính sách mà còn nhiều yếu tố "phi công nghệ khác" như quy chế vận hành, vai trò trách nhiệm.

Theo ông Phạm Đức Long - Tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), hiện nay rất nhiều địa phương kêu gọi triển khai các dự án đô thị thông minh nhưng còn thiếu sự liên kết, phối hợp. "Cần một kế hoạch triển khai cụ thể nhưng đặt trong tổng thể kế hoạch xây dựng đô thị thông minh với tầm nhìn dài hạn, trong đó tất cả các lĩnh vực từ giao thông, giáo dục, y tế... phải được liên kết trong cùng hệ thống điều hành và quản lý, khai thác chung", ông Long đề xuất.

Link bài viết

VNPT hiện là đối tác chính xây dựng đề án đô thị thông minh của TP.HCM, theo ông Long, Thành phố cũng cần quy định các doanh nghiệp tham gia đề án phải cam kết thực hiện theo khung kỹ thuật định sẵn để tăng độ liên thông. Ngay từ sớm cần chú trọng tạo lập hệ sinh thái đô thị thông minh, với bộ phận tham mưu đánh giá, sàng lọc và giám sát ngay từ đầu để xác định mục tiêu và chức năng của toàn hệ thống, trong đó cấu phần nào cần được ưu tiên đầu tư.

"Thay vì xây kho dữ liệu dùng chung, có thể xây trục dữ liệu kết nối liên thông dữ liệu từ các sở ngành đến quận huyện để tiết kiệm chi phí, trên cơ sở đó mô hình hóa, triển khai thí điểm và nhân rộng", ông Long đề nghị.

Quy chuẩn công nghệ và chính sách là vấn đề được các doanh nghiệp và tổ chức quan tâm trong triển khai đô thị thông minh. Ông Ngô Vi Đồng - Phó chủ tịch Hội An toàn thông tin Việt Nam kiến nghị cần có một quy chuẩn về đảm bảo an toàn - an ninh thông tin ở các cấp trong việc thiết kế đô thị thông minh. Chính sách đó phải gắn liền với xây dựng đội ứng cứu khẩn cấp và trung tâm điều hành an toàn - an ninh mạng đảm bảo vận hành đô thị thông minh. Cấu trúc này phải tuân theo cơ cấu tổ chức mạch lạc, rõ ràng ngay từ các cấp có thẩm quyền để đảm bảo việc lãnh đạo, điều hành an toàn cho đô thị thông minh.

Hiện nay nguồn nhân lực là thách thức lớn cho lĩnh vực an ninh mạng, vừa thiếu lại vừa yếu. Vì vậy cần chú trọng phát triển đội ngũ nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia, song song với mở rộng và xây dựng cơ chế hợp tác quốc tế hiệu quả với các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp an toàn thông tin nói riêng và công nghệ thông tin nói chung, cũng như khai thác thế mạnh của các doanh nghiệp trong nước. Ông Đồng cũng kiến nghị: "Cần xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trên cơ sở minh bạch cho mua sắm và đầu tư để mọi thành phần được tham gia vào đề án đô thị thông minh một cách công bằng".

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định Đề án xây dựng thành phố thông minh là đề án mở, sẽ được cập nhật thường xuyên. Thành phố thông minh phải xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của TP.HCM chứ không theo mô hình cụ thể nào. Những đóng góp, giải pháp, công nghệ của các doanh nghiệp là hết sức quan trọng cho việc thực thi.

Ông cũng cho biết Thành phố sẽ khẩn trương rà soát lại nguồn nhân lực công nghệ thông tin, giao Sở Thông tin và Truyền thông hệ thống lại các hoạt động của ngành và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và đề xuất những giải pháp đồng bộ, căn cơ nhất trong từng đề tài liên quan đến xây dựng đô thị thông minh cho TP.HCM. "Thành phố cũng dự định đưa những kiến thức và định hướng về thành phố thông minh vào các hoạt động ngoại khóa ở nhiều cấp nhằm hình thành trong nếp nghĩ, nếp sống của các công dân đô thị", ông Tuyến nói.

"Ngập nước, tắc đường làm sao thông minh?"

"Đường còn tắc, nước còn ngập làm sao đòi thành phố thông minh. Nhưng thật ra, còn tắc còn ngập lại càng cần đến thông minh", chỉ đạo hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM nêu vấn đề, "Cốt lõi của đô thị thông minh là phải dự báo được tình hình trung và dài hạn để có giải pháp ngay từ bây giờ. Muốn vậy phải có một trung tâm mô phỏng với cơ sở dự liệu tổng hợp của nhiều ngành, điều này đòi hỏi Thành phố phải đứng ra thực hiện với sự đồng hành của doanh nghiệp".

Trước mắt trong giai đoạn đầu xây dựng đô thị thông minh, Thành phố cần triển khai các mô phỏng như kẹt xe, ngập nước, mô phỏng kinh tế để giúp người dân nhận biết và phòng tránh chứ không phải đợi tình huống xảy ra mới giải quyết.

Thành phố định hướng đô thị thông minh học tập các mô hình nước ngoài nhưng sản phẩm, công nghệ phải của người Việt, để có thể tùy biến, nâng cấp để bất kỳ cá nhân, doanh nghiệp nào trong nước có kinh nghiệm đều có thể tham gia, chia sẻ. Ông Nhân cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khu đô thị sáng tạo khu Đông kết nối các quận 2, 9 và Thủ Đức.

Các quận này cần có sự kết nối về không gian, tương tác trong các chương trình đào tạo và nghiên cứu để trở thành vùng đệm khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. "Đây sẽ là trung tâm thông minh đầu tiên của TP.HCM, giúp đẩy nhanh đề án đô thị thông minh qua việc hạ tầng phát triển, cách sống và mô hình hiện đại".

Ông Nhân cũng chỉ đạo rà soát lại dữ liệu ngành IT để hỗ trợ thông tin cho việc quản lý, đánh giá, nhìn nhận hiệu quả của ngành này nhằm đưa ra các quyết sách phù hợp với thực tế. TP.HCM hiện có gần 80.000 người làm việc trong ngành ICT, chiếm chỉ 1,86% tổng số 4,3 triệu lao động toàn Thành phố, là tỷ lệ thấp hơn mức bình quân cả nước. Giá trị xuất khẩu của ngành năm qua đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 25% tổng giá trị xuất khẩu, dù tỷ lệ lớn nhưng giá trị gia tăng vẫn còn thấp.

"Ai cũng nói công nghệ là lĩnh vực đầu tư hiệu quả, nhưng không có con số thì làm sao tính toán được hiệu quả đến đâu?", ông đặt câu hỏi. "Thành phố cần phối hợp với các doanh nghiệp, các trường đại học, các chuyên gia nước ngoài tham mưu về việc đảm bảo an toàn thông tin, hoặc phải có đối tác chiến lược có thể giúp thành phố trong việc này", ông nói.

TUYẾT ÂN