Lâm Đồng: Cơ hội kinh doanh từ sự hồi sinh của ngành tơ lụa

Chuyện làm ăn - Ngày đăng : 06:35, 06/05/2018

Sau khi đạt đến đỉnh cao vào năm 1990 và thoái trào vào khoảng năm 1995, ngành tơ lụa Lâm Đồng hiện nay bắt đầu hồi sinh, mang đến cơ hội làm giàu cho nhiều nông dân và doanh nghiệp nhanh nhạy.
Lâm Đồng: Cơ hội kinh doanh từ sự hồi sinh của ngành tơ lụa

Tuy nhiên, “thủ đô tơ lụa” của Việt Nam đang đứng trước nhiều vấn đề mà nếu không giải quyết được tận gốc, điệp khúc tăng trưởng nóng rồi thoái trào có thể sẽ lặp lại.

Xu thế trồng dâu nuôi tằm kỹ thuật mới

2 năm trở lại đây, xã Gia Hiệp, huyện Di Linh (Lâm Đồng) chứng kiến nhiều hộ dân khấm khá hẳn lên khi trở lại với nghề trồng dâu nuôi tằm. Nhiều vườn cà phê kém hiệu quả trong xã khi chuyển sang trồng dâu nuôi tằm đã mang về mức thu khoảng 500 triệu đồng/năm/ha. Nhu cầu tơ lụa cho xuất khẩu và cho thời trang trong nước tăng hứa hẹn sẽ hồi sinh một nghề đã từng rất thịnh vượng.

Khoảng năm 1990, đa số hộ dân ở Gia Hiệp sống bằng nghề nuôi tằm theo lối cũ: đóng cũi, nong, né bằng tre. Chừng 5 năm sau, giá kén xuống quá thấp, hầu hết người dân phải chặt bỏ vườn dâu. Những năm gần đây, ngành dâu tằm hồi phục, người dân chủ động chuyển đổi giống cây dâu có năng suất chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất làm tăng sản lượng dâu, sản lượng kén. Câu tục ngữ "Nuôi tằm ăn cơm đứng" đã không còn đúng.

Link bài viết

Sự ra đời của 2 giống dâu nội địa VA-201 và S7-CB khiến việc thiếu dâu cho tằm ăn không còn là vấn đề khó giải quyết. Các dụng cụ nuôi tằm hiện đại giúp giảm công lao động đáng kể. Chất lượng kén cũng tăng rõ rệt, độ dài của tơ đơn dài hơn. Giá kén mấy tháng đầu năm 2018 bán ra đạt khoảng 200.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở đây.

Ông Đinh Đình Hiện - nông dân ở thôn 2, xã Gia Hiệp cho biết, nếu giá kén giữ vững và ổn định như hiện nay thì nông dân chẳng mấy chốc khá lên. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và số lượng hộ gia đình tham gia nuôi tằm tăng lên, địa phương đã thành lập Chi hội nghề nghiệp dâu tằm xã Gia Hiệp với 41 thành viên do ông Đình Hiện làm Chi hội trưởng.

Tại đây, các hộ trồng dâu nuôi tằm sẽ được hỗ trợ về dụng cụ nuôi tằm, giống dâu trồng và giống tằm con, đồng thời được thu mua kén theo giá của thị trường mà không bị tư thương ép giá. Theo ước tính ban đầu, với mức giá kén năm 2017 dao động từ 150.000 - 200.000 đồng/kg thì 1ha trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khoảng trên 600 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí, nông dân còn lãi khoảng 400 - 500 triệu đồng/năm.

Nông dân phấn khởi là thế nhưng một số doanh nghiệp ươm tơ tại địa phương lại phàn nàn: “Thương nhân Trung Quốc núp bóng doanh nghiệp Việt Nam đầu tư nhà máy ươm tơ rồi tranh mua nguyên liệu với giá cao chót vót: giá trị thực của kén chỉ khoảng 140.000 - 150.000 đồng/kg nhưng bị nâng lên đến 170.000 - 180.000 đồng/kg”.

Các doanh nghiệp này kiến nghị khi cấp giấy phép cho các doanh nghiệp đầu tư máy móc thì chính quyền phải xem xét phương án phát triển vùng nguyên liệu của họ để tạo sự cân đối giữa trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa. Ngành lụa Trung Quốc có một hiệp hội thu mua kén chung và bán giá ổn định cho các nhà máy tơ, còn ở Lâm Đồng vẫn chưa tổ chức nào làm được việc đó, dẫn đến mạnh ai nấy mua. Tình trạng giá kén thường bị tranh mua và bị đẩy giá lên cao đã khiến nhiều doanh nghiệp Việt phải từ chối những đơn hàng lớn.

Cần đầu tư bài bản để phát triển lâu dài

Nhu cầu sử dụng tơ tằm trong nước và trên thế giới ngày càng tăng đang mở ra cơ hội phát triển lớn đối với ngành dâu tằm tơ Lâm Ðồng. Tuy nhiên, với sự thiếu chủ động về nguồn giống trứng tằm, nguồn nguyên liệu tơ đầu vào còn hạn chế, trong khi hệ thống xưởng ươm phát triển quá nhanh đã tạo nên những thách thức đối với ngành dâu tằm tơ tỉnh này.

“Trong quá trình sản xuất tơ kén, giống trứng tằm đóng vai trò rất quan trọng. Nguồn giống sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng kén và chất lượng sản phẩm tơ lụa. Thế nhưng, hiện nay toàn bộ giống tằm lưỡng hệ đều nhập khẩu từ Trung Quốc qua đường tiểu ngạch. Điều tạo thách thức lớn đối với sự phát triển ổn định của ngành dâu tằm tơ Việt Nam”, ông Đặng Vĩnh Thọ - Phó chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho hay.

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng, nguồn cung ứng nội địa vừa qua chỉ đáp ứng 10 – 15% nhu cầu giống tằm, phần còn lại phải sử dụng giống tằm nhập từ Trung Quốc.

“Việc sản xuất đại trà giống trứng tằm lưỡng hệ tại Việt Nam là rất khó khăn do trung tâm không có cặp giống gốc ưu việt như Trung Quốc. Trong khi đó, việc mua cặp giống gốc thực sự không hề đơn giản do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề về kinh phí”, ThS. Nguyễn Đức Dũng - Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thực nghiệm Nông Lâm nghiệp Lâm Đồng chia sẻ.

nganh to tam viet nam doanhnhansaigon

Nhu cầu tơ lụa ở Việt Nam và thế giới đều đang tăng nhanh. Ảnh Mai Loan

Thực trạng không tự chủ được nguồn giống tằm lưỡng hệ đang tạo nên áp lực cho địa phương, nhất là các doanh nghiệp sản xuất và nông hộ nuôi tằm lấy kén. Theo chị Nguyễn Thị Phương Lan (Công ty cung ứng trứng giống tằm Ngọc Lâm) thì trứng giống tằm Trung Quốc hiện được nhập về Việt Nam chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Các doanh nghiệp dù rất muốn nhập khẩu theo đường chính ngạch nhưng không thực hiện được các thủ tục hợp pháp và rủi ro rất cao. Hơn nữa, thời điểm này, tằm bên Trung Quốc ngủ đông nên không có nguồn trứng, trong khi mùa mưa sắp tới là mùa trồng dâu nuôi tằm chủ lực của Việt Nam. Do đó, hiện rất thiếu nguồn trứng lưỡng hệ để cung ứng cho nông dân hoặc nếu có thì trứng cũng không đạt chất lượng như mong muốn.

Trước thực trạng này, TP. Bảo Lộc đang cùng với UBND tỉnh Lâm Đồng triển khai các biện pháp và có văn bản đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tạo điều kiện về thủ tục pháp lý để nhập giống tằm theo đường chính ngạch. Tuy nhiên, trước mắt ngành vẫn duy trì nguồn giống do các công ty cung ứng để đáp ứng nhu cầu sản xuất.

Ông Nguyễn Quốc Bắc - Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc cho biết: Về lâu dài thì cần phải có nguồn trứng giống ổn định. TP. Bảo Lộc sẽ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ với các doanh nghiệp để tìm ra các giải pháp thiết thực nhất cho từng lĩnh vực, từng quy trình, từ đó xây dựng định hướng phát triển bền vững ngành dâu tằm tơ trên địa bàn.

CẨM TÚ