Chuỗi cung ứng nông sản: Tác dụng ngược nếu thiếu thông tin
Du lịch - Ngày đăng : 03:00, 10/05/2018
* Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của các chuỗi cung ứng nông sản?
- Chuỗi cung ứng nông sản là để nông dân tiếp cận được thị trường. Tuy nhiên, nhiều năm nay vẫn xảy ra tình trạng "giải cứu nông sản". Điều đó cho thấy các hợp tác xã nông nghiệp và nông dân đang lúng túng trong việc tìm phương thức tiếp cận thị trường.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có khoảng 700 chuỗi cung ứng nông sản trên toàn quốc. Thế nhưng cần phải đánh giá xem hiệu quả lưu thông nông sản cho bà con nông dân của các chuỗi này.
* Tức là chưa có sự tương đồng giữa con số và chất lượng từ các chuỗi cung ứng nông sản?
- Khối bán lẻ đang phát triển nhanh hơn sản xuất. Theo Tổng cục Thống kê và Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen, thị trường bán lẻ thực phẩm tại Việt Nam có khoảng 800 siêu thị, 150 trung tâm thương mại, 9.000 chợ truyền thống, 2.000 cửa hàng tiện ích và siêu thị mini, 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ. Hệ thống này cần hợp tác với hợp tác xã nông nghiệp để cung ứng sản phẩm an toàn cho thị trường.
Đã có nhiều mô hình về chuỗi giá trị thành công ở các vùng nhưng gặp nhiều khó khăn về minh bạch thông tin hàng hóa nông sản. Nhưng cạnh đó, cũng có những địa phương làm tốt công việc này. Tình hình tiêu thụ nông sản của Đà Lạt hiện đã thay đổi so với mấy năm trước đây.
Các hợp tác xã có uy tín không đủ sản phẩm bán, các siêu thị cạnh tranh để ký được hợp đồng. Đó là xu hướng tốt về sản phẩm an toàn, chất lượng sản phẩm tăng nhanh, trở thành động lực cho nông nghiệp sạch phát triển. Vấn đề quan trọng là sự tự nguyện tham gia chuỗi của nông dân.
TS. Đào Thế Anh - Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam |
* Theo ông, minh bạch thông tin các chuỗi nông sản, khó khăn nhất ở khâu nào?
- Người dân muốn tham gia thị trường, đặc biệt là thị trường nông sản phải tham gia chuỗi giá trị để tiêu thụ sản phẩm. Giờ đây, người tiêu dùng yêu cầu nhiều hơn về sản phẩm an toàn với thông tin minh bạch trong toàn chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, việc chuyển tải thông tin là không đơn giản bởi chuỗi giá trị rất phức tạp.
Giá đầu tư công nghệ bây giờ đã rẻ hơn nhiều so với trước đây, các hợp tác xã nông nghiệp có thể áp dụng công nghệ để minh bạch thông tin sản phẩm. Một số hợp tác xã hoặc doanh nghiệp đã tích cực tham gia vào việc thúc đẩy truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mã QR code thông qua điện thoại thông minh. Động thái này được người tiêu dùng đón nhận rất tốt.
Tuy nhiên, đầu tư công nghệ, về bản chất chỉ là phương tiện giảm chi phí giao dịch, thay vì gọi điện thoại kiểm tra sản phẩm như một số chuỗi hiện nay vẫn đang làm. Quản lý và cập nhật thông tin về sản phẩm an toàn để đưa vào trang website hay cơ sở dữ liệu đang là vấn đề khó nhất đối với các địa phương và hợp tác xã. Sẽ gây tác dụng ngược và mất lòng tin, nếu áp dụng truy suất nguồn gốc mà thông tin nghèo nàn.
Chuỗi cung ứng nông sản khả thi trong điều kiện có nhiều hộ nông dân hợp tác với hợp tác xã hoặc các tổ hợp tác. Hy vọng Nhà nước sẽ đẩy nhanh chương trình xây dựng 15.000 hợp tác xã nông nghiệp, góp phần thúc đẩy việc tăng cường năng lực cho các đơn vị sản xuất có nhu cầu tham gia chuỗi giá trị để ổn định thị trường.
Dù vậy, các địa phương cần chủ động tổ chức đào tạo phương thức quản trị chuỗi giá trị và đầu tiên là thúc đẩy đào tạo năng lực quản trị cho lãnh đạo tổ hợp tác, hợp tác xã. Doanh nghiệp nếu hợp tác với chuỗi giá trị nông sản cũng cần được đào tạo, tư vấn để hợp tác với nông dân một cách hiệu quả.
* Cảm ơn ông!